Chuyện thú vị về người thầy dạy của chúa Trịnh Sâm

Google News

(Kiến Thức) - Trịnh Sâm là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán, được Nguyễn Hoàn dạy đến nơi đến chốn, có đủ tài văn võ, đã xem khắp kinh sử và biết làm thơ.

Nguyễn Hoàn là người học rộng, tài cao, làm quan thời Lê Trịnh. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Hoàn gắn với việc đào tạo, dạy bảo Trịnh Sâm trở thành một người nổi tiếng hay chữ.
Thấy miếng thịt rơi
Khi làm lễ khai tâm cho Thế tử Trịnh Sâm học, chúa sai Thế tử vào lạy thầy dạy học, Nguyễn Hoàn xin từ, Chúa nói: "Giáp Thành giập đầu vái Y Chu, Tống Trân cúi đầu lạy Vương Mãn, đó là lễ vậy". 
Nguyễn Hoàn dạy Thế tử học hành mau tiến tới, Thế tử ngày càng yêu mến thầy dạy. Một hôm Ân Vương Trịnh Doanh ban yến tiệc trong phủ, sai Thế tử quét sân (ý Chúa muốn tập cho Thế tử biết lao động), Thế tử thấy miếng thịt rơi dưới đất bèn nhặt lên. Chúa Trịnh Doanh trông thấy rất lấy làm mừng, Chúa bèn mời Nguyễn Hoàn vào ban thưởng cho 10 lạng bạc và thuật lại câu chuyện trên. Chúa nói: "Thế tử biết tiếc của trời, sau này sẽ giữ được thiên hạ, ấy là công dạy dỗ của thầy".
Tháng 10/1758, Ân Vương Trịnh Doanh phong cho Trịnh Sâm làm Thiết chế thủy bộ chư quân, chức Thái úy, tước Tĩnh Quốc Công, mở phủ Lượng Quốc. Các việc cơ mật của Nhà nước đều ủy cho tài phán quyết định. Lúc bấy giờ Giảng quan Nguyễn Hoàn làm Thập châm (10 điều châm) dâng lên. Trịnh Sâm khen và nhận lấy.
Bài châm gồm:
1 - Chính tâm thân (bụng nghĩ phải ngay thẳng);
2 - Bác học vấn (rộng đường học vấn, kiến thức phải sâu rộng);
3 - Tề nội chính (tề chỉnh việc chính trị trong nước);
4 - Bế biền tập (phòng ngừa người thân cận và kẻ nịnh hót);
5 - Nhất chính phủ (thống nhất căn bản chính sự);
6 - Thận sai trừ (cẩn thận việc sai phái, cân nhắc);
7 - Quảng thích nạp (mở rộng việc thu nhận những lời khuyên can);
8 - Thủ thành quy (giữ khuôn phép đã có sẵn);
9 - Tín hiệu lệnh (hiệu lệnh phải cho tin);
10 - Thẩm khoan nghiêm (việc nào đang rộng rãi, đang nghiêm ngặt phải suy xét kỹ càng).
Tượng chúa Trịnh Sâm. 
Mong muốn của người thầy
Trịnh Sâm được cha mình là Chúa Trịnh Doanh lập làm Thế tử từ năm Quý Dậu (1753). Như vậy, sau khoảng 5 năm được lập làm Thế tử, Trịnh Sâm đã được giao gần như nắm toàn quyền điều hành mọi công việc quốc gia trọng sự thời bấy giờ. Trịnh Sâm vốn là người có tài học, có bản lĩnh chính trị đầy mưu lược, hơn cả nhiều đời chúa trước. Nguyễn Hoàn dâng cho Trịnh Sâm Thập châm này là để:
Với chức trách là giảng quan, tức thầy dạy của Trịnh Sâm, Nguyễn Hoàn có trách nhiệm nhắc nhở khuyên can người học trò của mình, trước khi gánh vác việc trọng đại của đất nước. Nhưng điều mong muốn lớn nhất của ông là: Lúc bấy giờ tình hình chính trị, kinh tế Đàng ngoài ngày càng khó khăn. Nguyễn Hoàn hy vọng với trí thông minh và tài năng của Trịnh Sâm sẽ có thể sửa sang chính sự, đưa nước nhà ra khỏi cảnh lầm than. Vì thế, chúng ta thấy bài thập châm của ông đã bàn đến các vấn đề cốt lõi của công việc chính sự lúc bấy giờ.
Năm 1767, được kế vị ngôi chúa, Trịnh Sâm rất trân trọng và cảm phục đức độ, trí tuệ siêu việt của người thầy tôn kính. Chính vì thế mà năm sau, Nguyễn Hoàn đã dâng sách "Tiềm long thực lục" chép những việc trong quãng thời gian 23 năm từ khi Trịnh Sâm khai tâm đến lúc lên ngôi chúa, tiến phong là Nguyên soái tổng quốc chính, Tĩnh Đô Vương.
Trịnh Sâm là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán, được Nguyễn Hoàn dạy đến nơi đến chốn, có đủ tài văn võ, đã xem khắp kinh sử và biết làm thơ. Ngay từ những ngày đầu làm chúa, Trịnh Sâm đã cho sửa đổi lại từ kỷ cương triều nội đến chính sự cả nước được bề thế hơn. Tiếc rằng, những lời dạy của Nguyễn Hoàn có những điều Trịnh Sâm không làm theo, đặc biệt là điều: "Phòng ngừa đối với người thân cận; Cẩn thận việc sai phái cân nhắc" trong quãng thời gian trị vì.
Trịnh Dương

Bình luận(0)