Bên cạnh sự nguy nga, tráng lệ, Tử Cấm Thành- một trong những biểu tượng văn hóa của Trung Quốc- còn chứa đựng vô số câu chuyện vừa thú vị vừa đáng sợ.
Tử Cấm Thành (hay còn gọi Cố Cung), tọa lạc tại Bắc Kinh là công trình kiến trúc hoành tráng được xây dựng bởi Hoàng đế Vĩnh Lạc Chu Đệ (Minh Thành Tổ) của nhà Minh. Từ khi được xây dựng đến nay, Tử Cấm Thành là nơi sinh sống của nhiều triều đại hoàng đế và hậu cung, kèm theo đó là những bí mật rùng rợn khiến nhiều người tò mò.
Lời đồn về tiếng khóc ai oán trong Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành được xây dựng từ năm 1406 tới năm 1420, gồm 980 tòa nhà trên diện tích 720.000 m2. Tổng cộng tòa thành này có 9.999 căn phòng bởi 9 được coi là con số may mắn trong quan niệm của người Trung Quốc. Không chỉ vua cùng thành viên trong hoàng tộc, Tử Cấm Thành còn là nơi ở của các cung tần, mỹ nữ, nô tì, thái giám… Chính vì thế, có hàng nghìn người đã bị giết hại trong thời gian sinh sống tại đây, chưa kể số người thiệt mạng để xây dựng nên cung điện này. Nhiều người dân Trung Quốc, đặc biệt là bộ phận người cao tuổi tin rằng đây là nơi diễn ra nhiều tội ác, những cái chết vĩnh viễn không được điều tra nguyên nhân. Đó cũng là lý do, cố cung luôn nằm trong top điểm đến rùng rợn tại thủ đô Bắc Kinh.
Cứ vào buổi chiều tà, Tử Cấm Thành dường như trở thành một nơi khác. Dù ban ngày thời tiết có đẹp đến đâu thì chiều đến không khí cũng trở nên âm u, lạnh lẽo. Có lẽ, vì thế mà Tử Cấm Thành không bao giờ mở cửa muộn quá 16h10 hay mở xuyên đêm.
Bức ảnh được cho là chụp lại hiện tượng kỳ quái bên trong Tử Cấm Thành.
Thỉnh thoảng người ta những thấy bóng trắng lởn vởn trong Tử Cấm Thành, thậm chí còn nghe được cả tiếng cười của phụ nữ và tiếng sáo khi màn đêm buông xuống.
Những người làm nhiệm vụ canh gác ở khu vực này kể lại, họ từng thấy một người phụ nữ đi lang thang trong đêm. Họ gọi nhưng người này không dừng lại nên đã đuổi theo đến một ngõ cụt. Khi người phụ nữ dừng bước và quay đầu lại, những người gác cổng gần như ngất xỉu vì người này không có mặt mà chỉ có mái tóc.
Một du khách khác thì tiết lộ, có lần anh tới dự một buổi triển lãm đồ trang sức từng được sử dụng tại Tử Cấm Thành. Khi đêm về, vị khách liên tục nghe thấy tiếng gọi và lời thì thầm: "Những món đồ trang sức đó là của ta". Đây thực sự là một câu chuyện đầy bí ẩn và đáng sợ.
Cho tới nay, vẫn chưa có bất kì một cuộc điều tra hay nghiên cứu khoa học nào về hiện tượng trên, vì thế mà tấm màn bí ẩn về những sự việc kì quái diễn ra mỗi khi màn đêm bao phủ Tử Cấm Thành vẫn còn đó và tiếp tục phát triển.
Bí ẩn lãnh cung trong Tử Cấm Thành
Vào thời phong kiến, chỉ cần làm vua phật lòng, hay phạm phải điều cấm kỵ trong hoàng cung thì dù là hoàng hậu hay phi tần đều có thể bị thất sủng và giam cầm đến chết. Nơi giam giữ cung tần, mỹ nữ phạm tội được gọi là “lãnh cung”.
Có học giả cho rằng, lãnh cung thực chất là một nơi không cố định, trong khi đó có ý kiến cho rằng, cung Càn Thanh và cung Trường Xuân chính là lãnh cung. Tuy nhiên, căn cứ vào sử liệu ghi chép được, trên thực tế, không nơi nào trong Tử Cấm Thành có hoành phi đề hai chữ “lãnh cung”, đồng nghĩa với tên gọi này không được dùng để đặt cho một địa điểm cụ thể. Chỉ một vài nơi được sử dụng như lãnh cung trong hai triều Minh, Thanh thời xưa.
Vào cuối triều Minh, Thành Phi Lý thị - một trong những phi tần của Thiên Khải hoàng đế vì đắc tội với thái giám Ngụy Trung Hiền nên bị đuổi từ cung Trường Xuân sang cung Càn Tây tại phía Tây Ngự Hoa Viên. Ngoài Lý thị, còn có 3 người nữa cũng bị giam cầm tại đây. Do đó, Càn Tây chính là “lãnh cung” thời bấy giờ.
Còn theo lời kể của thái giám, vào những năm Quang Tự triều Thanh, trước khi bị đẩy xuống giếng, Trân Phi đã bị Từ Hy thái hậu giam cầm tại Bắc Tam Sở, phía Bắc Cảnh Kỳ Các. Hiện nơi này đã bị sụp đổ và chính là khu vực nằm trong Sơn Môn, phía Tây giếng Trân Phi ngày nay. Nếu những lời kể trên là đúng, thì Bắc Tam Sở cũng được xem là “lãnh cung” trong triều đại nhà Thanh.
Kỳ án đạo sĩ thông dâm với cung nữ
Vào triều Minh, đạo giáo rất được coi trọng. Lợi dụng điểm này một số đạo sĩ đã tìm cách trà trộn vào cung. Năm thứ 12 đời Minh Hiến Tông (tức năm 1476), Lý Tử Long đã dùng tà đạo mê hoặc thái giám, cung nữ để họ dẫn ông ta vào cung chơi. Lúc bấy giờ, trong cung có một cung nữ ôm mộng được hoàng đế sủng hạnh rồi mang long thai nên đã nhờ Lý Tử Long đến làm phép. Nhưng thực chất, tên yêu đạo đã giả thần giả quỷ để thông dâm với cung nữ này. Việc này tiếp diễn trong cung mãi cho đến khi Lý Tử Long bị cấm vệ quân bắt được. Tên yêu đạo cùng nhiều thái giám đã bị chém đầu thị chúng để làm gương.
Việc này khiến hoàng đế lo sợ, cảm thấy cấm vệ quân và lực lượng tuần tra của Đông Xưởng không đủ nên đã cho thiết lập Tây Xưởng. Đồng thời cử thái giám Uông Trực thống lĩnh lực lượng này. Cũng chính vì thế mà tạo điều kiện cho Uông Trực làm náo loạn triều cương sau này.