Chuyện lạ ở căn phòng thờ 3 Mẹ Việt Nam anh hùng và 9 liệt sĩ

Google News

Lời mời khơi gợi tò mò giữa mùa tri ân tháng 7 đó khiến “máu nghề” trỗi dậy. Vậy là một sáng ngập nắng, anh em chúng tôi hướng Bình Dương thẳng tiến.


Chuyen la o can phong tho 3 Me Viet Nam anh hung va 9 liet si
 Một góc phòng thờ tại nhà anh Hoàng Tuấn. Ảnh: T.G
Những anh hùng cùng chung… mái ấm
Chiếc xe đỗ xịch trước căn nhà đẹp và rộng trong Làng biệt thự có tiếng ở khu Mỹ Phước, Bình Dương khiến chúng tôi có phần ngỡ ngàng so với suy đoán ban đầu. Bởi “truyền thống hào hùng” như cách nói của anh bạn đồng nghiệp khiến tôi liên tưởng ít nhiều đến chiến tranh, đến hoạt động cách mạng, chứ sao lại liên quan đến “đại gia” ở biệt thự to?
Mở cửa đón chúng tôi là một người đàn ông trung niên dáng người tầm thước, trang phục giản dị, nụ cười hiền hậu và giọng nói đậm chất người Sông Bé (hồi chưa chia tách thì Sông Bé gồm cả Bình Dương và Bình Phước). Đó là chủ nhà, anh tên là Dương Hoàng Tuấn. Anh Tuấn pha trà, rót nước mời khách, thăm hỏi cuộc sống Sài Gòn ra sao. Khi biết nguyện vọng của nhà báo giữa mùa tri ân tháng 7, anh dẫn chúng tôi lên lầu thượng thắp hương tổ tiên. Đây cũng vốn là phong cách quen thuộc của người Nam Bộ truyền đời. Vừa mở cửa phòng thờ, chúng tôi sững sờ bởi căn phòng riêng mà gia chủ dành thờ tổ tiên phủ kín cơ man nào là Bằng khen, Bảng Phong tặng, Bảng công nhận, Huân chương các loại, Huy chương Kháng chiến… Thấy tôi có vẻ “giật mình”, anh bạn đồng nghiệp quay qua trêu “Hồi tháng trước lần đầu tiên tới đây tôi cũng giật thột hệt chú vậy, thấy đẫm hào khí, đẫm truyền thống chưa?”. Tôi khẽ gật đầu.
Chuyen la o can phong tho 3 Me Viet Nam anh hung va 9 liet si-Hinh-2
 Bảng Vàng Gia đình danh dự được cố Phó Chủ tịch HĐBT Tố Hữu ký tặng gia đình anh Tuấn. Ảnh: T.G

Chuyen la o can phong tho 3 Me Viet Nam anh hung va 9 liet si-Hinh-3
 Mẹ VNAH Lê Thị Cảnh, bà nội anh Tuấn, người phụ nữ cam tâm rời bỏ thân phận “lá ngọc cành vàng” kết duyên cùng ông Dương Văn Pháo và tham gia hoạt động cách mạng.
Anh Tuấn đốt hương, làn khói trắng nhẹ cùng mùi thơm lan tỏa dịu dàng như kết nối hiện tại và quá khứ. Chúng tôi lần lượt cắm từng nén hương kính ngưỡng lên anh linh, hương hồn của các vị tiền bối đã xả thân cho một Việt Nam thống nhất. Bà nội, cô ruột thứ hai và mẹ ruột của anh Tuấn đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Chưa hết, căn phòng thờ tự này còn hiển hiện chứng nhận Liệt sĩ của 9 thành viên khác trong đại gia đình 3 thế hệ gồm 2 chú ruột, 1 cô ruột, 2 anh trai ruột của anh Tuấn, 4 người khác là chồng và con của cô ruột thứ hai (Mẹ VNAH). Bố của anh Tuấn là lão thành cách mạng, người hoạt động nhiều năm trong cơ quan tình báo miền Nam (thường được gọi là J22, thuộc Tổng cục II Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay) cho đến hết chiến tranh, được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, Huy chương kháng chiến cao nhất. Thời bình, lúc về già dù hoàn cảnh gia đình còn lắm gian nan, ông cụ vẫn tham gia Chủ nhiệm CLB Dân số & Phát triển tại địa phương cho đến lúc mãn phần. Cùng với những tiền bối đã trực tiếp đóng góp sức trẻ và hy sinh cho cách mạng, nhiều cô dì chú bác khác trong đại gia đình cũng hoạt động cách mạng, khi mãn phần đều được anh Tuấn trang trọng thờ “để các cụ bên nhau thêm phần ấm cúng” như cách anh nói.
Chuyện tình cô gái dám từ bỏ thân phận “lá ngọc cành vàng”
Chuyen la o can phong tho 3 Me Viet Nam anh hung va 9 liet si-Hinh-4
 Từ một cán bộ tình báo lão luyện, thời bình ông Tư Tùng cũng không chịu ngồi yên mà tích cực tham gia hoạt động dân số tại địa phương.

Chuyen la o can phong tho 3 Me Viet Nam anh hung va 9 liet si-Hinh-5
 Mẹ VNAH Dương Thị Giềng là cô ruột thứ hai của anh Hoàng Tuấn. Mẹ Giềng có chồng và 3 con trai điều là Liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh.
Quá khứ hào hùng của đại gia đình anh Tuấn cứ quyện lấy chúng tôi dẫu đã rời phòng thờ. Không tránh khỏi sự tò mò với quá khứ lẫy lừng của gia đình anh, nên đến phiên chén trà hậu ngọt câu chuyện lại kết nối chúng tôi ngược về thời chiến.
Hồi đầu thế kỷ 20, gia đình bà Lê Thị Cảnh (bà nội anh Tuấn, Mẹ VNAH) là đại điền chủ ở miền Đông Nam Bộ. Một ngày nọ có người thanh niên cũng người bản xứ tên là Dương Văn Pháo đến làm thuê (hồi xưa gọi là ở đợ). Thời điểm đó “cô chủ nhỏ” và “anh ở đợ” đều ở tuổi cập kê. Ông tơ, bà nguyệt lại xe duyên ngang trái khiến hai người hai thân phận này lại yêu nhau tha thiết. Biết chuyện này, ông đại điền chủ đã phán xanh rờn: “Yêu tay ở đợ đó thì cha từ con luôn”. Thế nhưng “cô chủ nhỏ” vẫn quyết liệt lạy cha mẹ rồi rời bỏ phú quý, giàu sang, cùng anh ở đợ gá nghĩa phu thê, làm nghề thợ rèn sinh sống và tham gia hoạt động cách mạng.
Chuyen la o can phong tho 3 Me Viet Nam anh hung va 9 liet si-Hinh-6
 Anh Dương Hoàng Tuấn đang thắp hương cho mẹ ruột - mẹ VNAH Huỳnh Thị Sao. Ảnh: Đ.B
Ông Dương Văn Pháo và người vợ “lá ngọc cành vàng” Lê Thị Cảnh sau đó đã có với nhau 8 người con, 4 trai 4 gái. Sự lãng mạn đến cùng trong tình yêu đôi lứa và chí hướng vị quốc gia, dân tộc của bà Cảnh với chồng đã truyền lửa đến tất cả các con và trở thành nếp nhà ảnh hưởng đến cả các cháu sau này. Trong đó, con gái đầu Dương Thị Giềng của ông bà đồng thời cũng là Mẹ VNAH có chồng là ông Nguyễn Văn Mong và 3 con (Nguyễn Văn Ấn, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Kim Sang) đều là liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Người con trai thứ 4 là Dương Văn Tùng (bố ruột anh Tuấn) tham gia cách mạng từ bé và được đào tạo, hoạt động lĩnh vực tình báo, nằm vùng suốt thời chiến tranh. Ông Tùng kết duyên cùng bà Huỳnh Thị Sao (cũng là Mẹ VNAH), người không chỉ trở thành hậu phương vững chắc để ông hoạt động tình báo mà còn sinh cho ông đến… 17 người con, trong đó có 2 liệt sĩ là Dương Văn Quyền và Dương Văn Trí hy sinh năm 1968. Đông anh em là vậy nhưng hiện tại chỉ còn anh Tuấn là con trai duy nhất của ông bà còn sống. Hai em ruột của ông Tùng là Dương Văn Lộc và Dương Văn Ninh (chú ruột anh Tuấn) cũng là Liệt sĩ, hy sinh cùng ngày trong cùng một trận đánh ác liệt. Những người con và cháu của ông Dương Văn Pháo và bà Lê Thị Cảnh còn sống sau ngày đất nước thống nhất, bao gồm cả dâu lẫn rể, hầu hết đều theo đuổi nghiệp nhà binh hoặc an ninh.
Xây nhà đẹp để giữ lửa truyền thống
Chuyen la o can phong tho 3 Me Viet Nam anh hung va 9 liet si-Hinh-7
Nhà báo Châu Bá Thông (trái), người giới thiệu chúng tôi với anh Hoàng Tuấn, đang lắng nghe những tình huống hy sinh của các Liệt sĩ là thành viên trong đại gia đình. 
Trong khi các thế hệ binh nghiệp oanh liệt là thế nhưng anh Tuấn, thành viên hiếm hoi trong đại gia đình này lại không “dính dáng” tý gì đến chuyện súng ống, đạn dược. Chúng tôi không khỏi lấy làm lạ bèn hỏi thì ông chủ nhà sinh năm 1967 này cười cười, gãi đầu thổ lộ: “Cũng hổng biết số mình sao nữa mà giữa chiến tranh ly loạn, anh chị cầm súng mà mình lại không. Thực ra, sinh ra và lớn lên tý mình phải lo phụ nhà kéo bể lò rèn, phụ lo cơm áo gạo tiền nuôi dàn em phía sau (anh Tuấn thứ 10 trong nhà, sau còn 7 người em nữa - PV). Chuyện “hậu cần” nó chiếm hết thời gian, xoay mình như chong chóng sao mà nghĩ ngợi được gì nhiều về chuyện súng ống? Mà kéo bể lo rèn từ 6 tuổi đến 9 tuổi thì đất nước thống nhất rồi”.
“Thế sau khi đất nước thống nhất anh cũng không theo binh nghiệp như các bậc cha anh, chú bác à?” – chúng tôi tiếp tục thắc mắc. Anh Tuấn lại cười và thực thà chia sẻ: “Ôi trời, thời điểm đó đất nước mình khó khăn lắm, cả nhà sống nhờ lò rèn. Người dân ở vùng đất Mỹ Phước này ăn toàn bo bo với củ nần chứ có hột gạo nào mà ăn. Mình phụ nhà kéo bể lò rèn suốt, tiếp tục lo chuyện “hậu cần” đến 18-20 tuổi mới thôi để đi Thủ Đức học cao đẳng xây dựng đó chớ”.
Chuyen la o can phong tho 3 Me Viet Nam anh hung va 9 liet si-Hinh-8
 Anh hùng LLVTND, cán bộ tình báo Nguyễn Văn Thương, người bị địch cưa chân đến 6 lần, trong hồi ký của mình đã nhắc nhiều lần đến đồng đội Tư Tùng và ngôi nhà cũ có hầm bí mật.
Anh Tuấn cho hay sau khi rời trường Cao đẳng xây dựng, anh tham gia vào một vài doanh nghiệp nhà nước trước khi nghỉ về nhà theo lời yêu cầu của bố. “Lúc đó là năm 2.000. Ông cụ yếu rồi mới kêu mình về tiếp nhận mọi thứ để gần gũi chăm lo bố mẹ. Vậy là mình về vừa ở nhà vừa làm công ty riêng luôn. Ban đầu ngành xây dựng cũng trầy trật nhưng sau trời thương cho mình làm cũng được. Có chút đỉnh tiền mình xây liền căn nhà tường cho ông cụ, bà cụ. Tiếc là các cụ ở không lâu thì mất cả”. Nhắc đến chuyện này, giọng người đàn ông nay đã khá giả giọng chùng xuống hẳn: “Mình chỉ mới kiến tạo được căn nhà khang trang này vài năm trở lại đây thôi. Cứ ngồi một mình nhìn căn nhà, mình lại ước ông bà cụ còn sống. Càng ước điều đó, mình càng cảm thấy thiếu sót quá nhiều trong bổn phận làm con” – nói tới đây anh nghẹn lời, rơm rớm nước mắt. “Giờ mình đã hai con đều khôn lớn nên càng hiểu thêm tấm lòng của cha mẹ đối với con cái. Đúng thiệt là nước mắt luôn chảy xuôi mà…”, Anh bùi ngùi.
Để làm điều gì đó với ông bà cụ, với tổ tiên đã một thời sống anh hùng, oanh liệt, anh Tuấn bèn đi gặp hết dòng họ để xin ý kiến về việc lập một phòng thờ tổ tiên. “Mình thấy việc này không chỉ báo hiếu tổ tiên mà còn giúp thế hệ sau biết đến quá khứ hào hùng của dòng họ, giúp bọn trẻ nối tiếp truyền thống vị quốc gia, vị dân tộc của ông bà, tiên tổ. Mình mừng một điều là hai đứa nhỏ nhà mình từ khi lập phòng thờ chúng không sót ngày nào thắp hương tưởng nhớ ông bà. Cả hai đứa đều thống nhất chí nguyện với mình là tiếp nối truyền thống theo ngành an ninh, quân đội cả. Mình thấy đã lo được phần nào bổn phận đạo hiếu làm con khi giữ lửa truyền thống cách mạng của dòng họ và truyền ngọn lửa ấy cho con, cho cháu…”, anh Tuấn trải lòng.
Trên đường trở lại Sài Gòn, chúng tôi ngẫm lời anh Tuấn nói, nghĩ việc anh đang làm, mới thấy phận làm con thiếu sót đủ đường với bậc sinh thành. Nhưng nhận ra, dù muộn, vẫn nỗ lực khắc phục “được cỡ nào hay cỡ đó” như anh Tuấn cũng không phải là “dễ nói và dễ làm”, đặc biệt là cái nghĩa cử quần tụ tổ tiên anh liệt để con cháu theo gương học tập như anh.
Lò rèn đỏ lửa àm chông sắt
Hồi năm 1979, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, lò rèn Tư Tùng của gia đình anh Tuấn nhận thêm nhiệm vụ sản xuất chông sắt phục vụ mặt trận. “Đến nay mình vẫn còn nhớ rõ thời điểm đó cả nhà phải làm ngày làm đêm bất chấp mệt mỏi, làm từng cây chông đập nhọn rồi đóng thành bàn chông để chuyển giao đến Mặt trận Tổ quốc, đảm bảo tiến độ chuyển ra chiến trường”, anh Tuấn cho biết thêm.
Nơi che giấu Anh hùng LLVTND
Đại úy Nguyễn Văn Thương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong quyển hồi ký của mình, đã thuật lại nhiều câu chuyện liên quan đến ông Tư Tùng (bố anh Tuấn) và ngôi nhà cũ. Ngôi nhà với nhiều hầm bí mật của ông Tư Tùng cũng là nơi giúp ông Thương và nhiều cán bộ cách mạng thoát khỏi sự lùng sục gắt gao của quân thù khi đó.
Theo Giadinhnet

Bình luận(0)