Chiến tranh của Đức Quốc xã bị chặn đứng ở Moscow ra sao?

Google News

Cuộc phản công của Liên Xô gần thủ đô Moscow vào tháng 12/1941 là điều hoàn toàn bất ngờ đối với quân đội phát xít Đức, buộc chúng phải khựng lại, thậm chí bị đánh bật ra xa.

Thế công như vũ bão của quân đội Đức giai đoạn đầu

Thời kỳ đầu của Chiến dịch Barbarossa (do quân đội Đức mở) là cơn ác mộng thực sự đối với Hồng quân Liên Xô. Trong thời gian vài tháng liền, quân đội Đức đã chiếm được toàn bộ vùng Baltic, Byelorussia, và hầu hết Ukraine. Hàng trăm ngàn chiến sĩ Xô viết hy sinh hoặc bị địch bắt. Quân Đức tiến rất sát các thành phố chính của Liên Xô là Leningrad và Moscow.

Vào đầu tháng 10/1941, chỉ cách thủ đô Moscow 200km, gần Vyazma, 4 tập đoàn quân Liên Xô đã bị bao vây, tổn thất khoảng 1 triệu người (bao gồm các trường hợp hy sinh, bị thương, hoặc bị bắt). Moscow trên thực tế rơi vào trạng thái không được bảo vệ.

Chien tranh cua Duc Quoc xa bi chan dung o Moscow ra sao?

Vào ngày 15/10 năm đó, tình trạng hoảng loạn phổ biến trong thành phố Moscow. Cư dân sơ tán hàng loạt về phía đông và cảnh hỗn loạn đi kèm với tình trạng trộm cướp và hôi của.

Kỹ sư Susanna Karpacheva nhớ lại: “Một nhóm người trên phố đang dùng sức cậy tung các cảnh cửa của một cửa hàng, ai đó đang ăn cắp lương thực... Dòng người bất tận khoác ba lô di chuyển dọc quốc lộ, các xe con và ô tô tải chất đầy đồ đạc gia đình. Lúc này người dân di dời khỏi Moscow tương tự như hôm qua họ di dời khỏi Vyazma”.

Chỉ đến khi áp dụng các biện pháp cứng rắn, bao gồm lệnh giới nghiêm và tuần tra quân sự, giới chức mới có thể khôi phục tình hình ở thành phố này về mức bình thường.

Huy động mọi lực lượng có được để phòng ngự

Trong lúc chờ các đơn vị dự bị từ Siberia, dãy Ural và vùng Viễn Đông tới bảo vệ thủ đô, bộ chỉ huy quân đội Liên Xô cố gắng tranh thủ thêm thời gian và làm chậm bước tiến của quân thù. Tất cả các trung đoàn và sư đoàn trong tay họ được đưa tới các tuyến phòng thủ được xây gấp gáp trên các ngả đường dẫn tới Moscow. Họ được tăng cường thêm các học viên trường quân sự từ Moscow (thường được gọi là học viên Kremlin) và Podolsk, nhiều người trong số đó vẫn chưa tròn 18 tuổi. Khi tốt nghiệp, theo thông lệ họ sẽ gia nhập quân đội với tư cách là sĩ quan chỉ huy, nhưng giờ thì họ ra trận với tư cách là binh nhì.

Trong các trận chiến khốc liệt, các đơn vị học viên trường bộ binh và pháo binh Podolsk ban đầu có tổng cộng 3.500 người nhưng về sau hy sinh tới 2.500 người. Họ cố gắng ghìm chân quân thù trong 12 ngày, mặc dù mệnh lệnh ban ra là cầm cự trong tối đa 5 ngày.

Quân nhân Adalbert Wasner thuộc sư đoàn Panzer số 19 của Đức Quốc xã nhớ lại: “Cận chiến cực kỳ dữ dội diễn ra sau đó, hai bên hứng chịu thương vong nặng nề. Những tù binh đầu tiên đã bị chúng tôi bắt, đó là các học viên trường quân sự Podolsk. Họ được gọi là các “học viên Stalin” và họ chiến đấu hết sức gan dạ”.

Vào ngày 7/11/1941, đúng ngày kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Mười Nga, một cuộc duyệt binh huyền thoại được tổ chức trên Quảng trường Đỏ. Một số đơn vị tham gia cuộc diễu binh này đã thẳng tiến ra mặt trận, lúc này đã nằm rất sát thủ đô.

Như Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov viết trong hồi ký của mình: “Sự kiện đó đóng vai trò lớn trong tăng cường tinh thần của quân đội và của nhân dân Xô viết, và có tầm quan trọng quốc tế lớn”. Cuộc diễu binh chứng minh cho thế giới thấy rằng Liên Xô vẫn chưa bị đánh bại.

Điều đặc biệt có ý nghĩa với người dân Moscow là bản thân lãnh tụ Stalin vẫn có mặt trong sự kiện nói trên và đích thân phát biểu tại đó. Người dân thấy tổng tư lệnh tối cao vẫn ở Moscow, mặc dù hầu hết chính phủ Liên Xô lúc đó đã sơ tán về Kuibyshev (Samara).

Chien tranh cua Duc Quoc xa bi chan dung o Moscow ra sao?-Hinh-2

Phát xít Đức “tưởng bở”

Vào ngày 2/12, các đơn vị thuộc sư đoàn thiết giáp số 2 của quân đội phát xít Đức chiếm được ngôi làng Krasnaya Polyana chỉ cách điện Kremlin có 30km.

Trước lãnh thổ rộng lớn và nguồn nhân lực khổng lồ của Liên Xô, giới lãnh đạo quân sự Đức hiểu rằng cuộc chiến tranh chưa kết thúc nhưng chúng tin rằng xương sống của Hồng quân đã bị đập gãy. Franz Halder, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy tối cao Lục quân Đức, viết trong nhật ký chiến tranh vào ngày 23/11 như sau: “Sức mạnh quân sự Nga không còn tạo ra mối đe dọa nào đối với châu Âu”.

Thế nhưng, hành trình của quân đội Đức tiến tới thủ đô Liên Xô lại không hề suôn sẻ như mong muốn của ban chỉ huy quân sự Đức. Sự kháng cự ngoan cường của Hồng quân và các cuộc phản kích liên tục của họ đã vắt kiệt sức và làm căng thẳng lực lượng quân sự Đức. Công binh Liên Xô đã bố trí mìn dày đặc trên các ngả đường dẫn tới thủ đô, cản bước các đơn vị thiết giáp Đức. Ngoài ra, quân Đức bắt đầu đối mặt với các vấn đề như thiếu hàng cung ứng, và ngựa kéo của chúng bị chết hàng loạt, không còn thức ăn khi mùa đông ngày càng lạnh hơn.

Quân đội Đức hy vọng về một đòn quyết định cuối cùng nhằm vào Moscow, nhưng không tính đến thực tế là lực lượng dự bị Hồng quân mới được huấn luyện có số lượng lớn đang tập kết về thành phố.

Vào ngày 5/12, lực lượng thuộc Phương diện quân phía Tây do Georgy Zhukov lãnh đạo, và lực lượng thuộc Phương diện quân Tây Nam do Konstantin Timoshenko chỉ huy, đã mở một cuộc phản công quy mô lớn.

Binh nhì Gerts Rogovoy nhớ lại: “Khi chúng tôi tiến lên, pháo binh của chúng tôi đã bắn phá dữ dội đến mức phòng tuyến Đức bị chế áp hoàn toàn thậm chí cả trước khi bộ binh chúng tôi tiến tới vị trí của chúng. Đó là lý do vì sao khi chúng tôi vào các ngôi làng, quân Đức đã rời bỏ vị trí. Chính tại đây chúng tôi lần đầu tiên thấy các bệ phóng rocket Katyusha hoạt động – cảnh tượng không thể nào quên được. Và dĩ nhiên các ngôi làng bị thiêu rụi”.

Quân Đức bắt đầu rút nhanh khỏi thủ đô. Ở vài nơi, việc rút lui trở thành tháo chạy hoảng loạn và các đơn vị Hồng quân tuyến trước thu được nhiều hệ thống pháo do địch bỏ lại.

Vào ngày 19/12/1941, trùm phát xít Adolf Hitler thay thế Walther von Brauchitsch với tư cách là tổng tư lệnh quân đội Đức và cách chức Fedor von Bock với tư cách là tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Chỉ huy của của Tập đoàn Panzer số 2, Heinz Guderian, cũng mất chức. Nhiều năm sau đó, ông này viết trong cuốn “Ký ức một người lính” như sau: “Cuộc tấn công vào Moscow đã thất bại. Tất cả các hy sinh và nỗ lực của các binh sĩ chúng ta đã rơi vào vô vọng”. Mãi tới đầu tháng 1/1942 thì người Đức mới xoay sở được để ổn định tiền tuyến.

Sau khi tung đòn choáng váng cho quân đội Đức, Hồng quân đánh bật đối phương ra xa Moscow từ 100-250km. Họ giải phóng thêm đáng kể lãnh thổ và nhìn tổng thể, loại bỏ được mối đe dọa đối với thủ đô...


Theo VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)