Trong số những người con của Lý Uyên, Lý Thế Dân thông minh và xuất sắc hơn cả. Ông từng lập được vô số công trạng từ khi giang sơn chưa về tay họ Lý. Vậy nhưng, do quy định "lập trưởng không lập thứ", người kế thừa ngai vàng của Đường Cao Tổ lại chỉ có thể là người con trưởng Lý Kiến Thành - anh ruột Lý Thế Dân.
Để có được ngai vàng đồng thời tránh khỏi việc bị anh trai trừ khử, Lý Thế Dân đã "tiên hạ thủ vi cường", phát động cuộc chính biến ở Huyền Vũ môn, thanh trừng hai anh em ruột là Thái tử Lý Kiến Thành và Hoàng tử Lý Nguyên Cát vào năm 626.
Sau cuộc binh biến Huyền Vũ môn, Lý Uyên ban chiếu lập Lý Thế Dân làm Thái tử, hai tháng sau buộc phải nhường ngôi, lùi về làm Thái thượng hoàng.
Giai thoại về "lời nguyền" của Đường Cao Tổ Lý Uyên ứng nghiệm lên số phận hoàng tộc nhà Đường
Mặc dù may mắn giữ được tính mạng sau chính biến, thế nhưng Đường Cao Tổ Lý Uyên lại bị chính con ruột mình ép phải nhường ngôi. Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng ông ngoài mặt thì an phận làm Thái thượng hoàng, còn bên trong lại luôn đem lòng uất hận đối với người con thứ quá mức tài năng như Lý Thế Dân.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, khi xưa trước lúc băng hà, Lý Uyên vẫn không quên mối hận năm nào, vì vậy ông đã nói với Lý Thế Dân một lời hết sức cay nghiệt:
"Ngươi giết con cháu ta thì sau này con cháu ngươi cũng sẽ bị như vậy".
Bấy giờ, Lý Thế Dân vốn chỉ coi đây là một câu hù dọa. Thế nhưng không ai có thể ngờ được rằng, câu nói của Lý Uyên ngay sau đó quả thực đã trở thành một "lời nguyền" ứng nghiệm lên số phận hậu duệ hoàng tộc nhà Lý Đường.
Sử cũ ghi lại, Lý Thế Dân có tổng cộng 14 vị Hoàng tử, tuy nhiên số người có thể may mắn sống đến khi trưởng thành và yên ổn chết già lại ít ỏi vô cùng.
Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, những người con trai của Lý Thế Dân đa số đều rơi vào một trong hai bi kịch giống như tấn thảm kịch năm xưa mà ông từng gây ra với huynh đệ của mình. Đó là làm phản hoặc bị người khác giết.
Nhìn lại cuộc đời của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, có ý kiến cho rằng con đường lên ngai vàng của ông trải đầy xương máu và nỗi uất hận của những người ruột thịt.
Mặc dù đã danh chính ngôn thuận bước lên ngai vị cửu ngũ chí tôn, thế nhưng ông lại tiếp tục phải chứng kiến sự lặp lại của tấn bi kịch trong gia đình hoàng tộc, mà nhân vật chính lại là những người con trai ruột thịt của mình.
Liệu rằng số phận bi thảm của những vị Hoàng tử ấy có liên quan tới "lời nguyền" năm nào mà Đường Cao Tổ Lý Uyên để lại hay không? Đáp án của câu hỏi này có lẽ là điều mà khó ai có thể dám chắc.
Thế nhưng không ít người vẫn cho rằng, cuộc chính biến "nồi da xáo thịt" năm xưa của Lý Thế Dân đã tác động không nhỏ tới nội bộ hoàng tộc vốn dĩ đã bị bao trùm bởi vô số dã tâm và tham vọng quyền lực thời bấy giờ.