Trong truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ khi chia tay đã chia làm hai ngả, mang theo một nửa số con chung. 50 người con theo mẹ lên non, 50 người con lại theo cha xuống biển. Trong số họ, người con cả ở lại đất Phong Châu, được tôn làm vua nước Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương. Tuy nhiên, số phận của 50 người con theo cha rồng xuống biển thì không được nhắc đến. Cũng chẳng biết họ đi đâu, làm gì, về sau sinh sống như thế nào.
Ảnh minh họa.
Ở làng Thanh Gia (tên cổ là Nắp Dừa), thuộc xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh có một ngôi đền cổ kính. Nơi đây có một bức tượng cổ của Thánh Dừa (còn gọi là cậu Dừa). Ông được cho là một trong 50 người con từng theo Lạc Long Quân xuống biển.
Làng Thanh Gia có cuốn “Tích Gia dẫn điển”. Trong đó kể lại rằng người con theo Lạc Long Quân là một vị thủy thần hết lòng vì dân chúng. Năm nọ trời hạn hán kéo dài, ruộng cạn khô, người dân chết đói, chết khát vô kể. Thấy cảnh này, Thánh Dừa đã lên trời tìm Ngọc Hoàng Ngũ đế và Long vương để hỏi rõ sự tình rồi xin ban nước cho người dân vùng này.
Đến cổng trời, Thánh Dừa gặp bà Dâu và bà Giàn, mỗi người mang một bình thủy về. Họ thấy cậu Dừa thì nói:“Cậu lên muộn rồi, chỉ còn 2 bình thủy Ngọc Hoàng giao hết cho các chị rồi, Long Vương, Ngũ Đế, thần Mây, thần gió, thần Sấm, thần Chớp và thần Mưa đều đi vắng cả rồi, cậu về đi cho sớm”.
Quyết không ra về tay không, Thánh Dừa liền nài nỉ hai người chị, xin bớt cho mình 1 bình thủy. Bà Dâu và bà Giàn không cho, còn mắng lại cậu Dừa. Trong lúc hai bên giằng co, một bình thủy bị vỡ khiến nước bắn tung tóe cả một vùng. Sau này nơi bị nước văng xuống là cánh đồng Vỡ và cánh đồng Cầu Lụt.
Người dân dưới hạ giới được hưởng lợi nhờ chuyện này, xúm nhau múc nước về làm mạ gieo mầm, sinh hoạt hàng ngày chờ qua cơn hạn hán.
Ông Nguyễn Thế Kử - cụ già được mệnh danh như pho sử sống của làng Thanh Gia cho biết, chuyện về Thánh Dừa có thể chỉ là truyền thuyết, thực hư khó nói. Tuy nhiên, ông Kử khẳng định đền thờ Thánh Dừa rất thiêng trong việc cầu mưa.
Năm xưa đời vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293), một quan triều đình từng về cầu đảo ở đây và được mưa to. Sau đó vua liền ban cho một quả cầu bằng đồng đen, ghi lại sự kiện đó vào bia đá. Ngày nay tấm bia vẫn còn tồn tại trong làng.
Sau này đời vua Lê Hiển Tông (1717 – 1786) cũng từng 2 lần ra lệnh cho quan triều đình về làng Thanh Gia cầu mưa và được như ý. Vua bấy giờ ban 3 chữ mỹ tục (Túc Thanh Cao), dụng ý là nhà vua trông về phía đông kính cẩn bái lạy, rồi cho chép vào sử sách như một việc trọng đại của đất nước.
Ông Kử còn nhớ năm 1956, hạn hán khiến tình trạng mất mùa xảy ra nhiều nơi. Dân làng Thanh Gia học theo người xưa, ra đền Thánh Dừa cầu mưa thì quả thực trời như trút nước.
Lại nói, Thánh Dừa được cho là con của Lạc Long Quân, theo cha rồng xuống biển. Nhưng vùng làng Thanh Gia vốn là đồng bằng. Chuyện này có vẻ thiếu logic. Song ông Kử đã giải thích, hàng nghìn năm trước, làng Thanh Gia rất gần biển. Chuyện này hoàn toàn có căn cứ vì nhiều nhà dân trong làng từng phát hiện trầm tích (cây mục, vỏ sò, rong rêu hóa thạch) khi đào móng nhà hay đào giếng. Các cụ cao niên cũng từng kể rằng ở làng từng có một con sông chảy qua, hướng ra biển Đông.
Cho đến nay, vẫn chưa một ai dám khẳng định Thánh Dừa có phải một trong 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển hay không. Chỉ biết rằng qua bao nhiều đời, tầm ảnh hưởng của Thánh Dừa trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân làng Thanh Gia là không hề nhỏ.