Chiếc giếng cổ ở làng Hữu Quyền (xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được người dân gọi là giếng “ma”. Rất nhiều điều kỳ quái xảy ra ở đây không thể lý giải. Xã Cẩm Huy có 3 giếng cổ là giếng Chòm, giếng Đá và giếng Thềm. Vị trí của 3 giếng rất đặc biệt, tạo thành hình tam giác án ngữ ba góc của xã. Các thầy phong thủy xa xưa cho rằng, ba chiếc giếng giống như tấm bình phong bảo vệ cuộc sống người dân xã Cẩm Huy.
Tuy nhiên, theo người dân, chỉ giếng Chòm ở làng Hữu Quyền là linh thiêng nhất. Giếng này không bị nhiễm phèn, sắt, vàng như hai giếng còn lại; quanh năm nước trong vắt, mát rượi. Các cụ cao niên trong làng cũng không nhớ nổi giếng Chòm có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ nhỏ đã thấy mọi người đến đó gánh nước về sinh hoạt. Từ khoảng hơn 10 năm nay, cuộc sống phát triển, gia đình nào cũng tự đào giếng cá nhân nên không ai đến gánh nước giếng Chòm nữa. Cũng kể đó, giếng Chòm trở thành giếng hoang.
|
Hàng đêm, xung quanh giếng phát ra tiếng kẽo kẹt múc nước khiến dân làng vô cùng khiếp sợ. |
Giếng cách khá xa khu dân cư, từ khi bị bỏ hoang, khu vực quanh giếng trở nên cây cối rậm rạp. Những người xung quanh cho biết, nhiều năm về trước, đêm đêm thường nghe thấy tiếng động lạ phát ra ở giếng cổ.
Ai cũng khẳng định những tiếng động đó giống như tiếng người múc nước kêu kẽo kẹt, hòa với tiếng bước chân thình thịch và tiếng các thùng nước va đập vào nhau. Nhiều năm nay không còn ai đến lấy nước ở đây về dùng nên những âm thanh đó khiến ai nấy đều tò mò.
Ban đầu họ nghĩ rằng ban đêm có ai đó đến gánh nước, có thể do giếng cá nhân họ bị hư hỏng gì đó nên không có nước dùng. Nhiều đêm như vậy, họ liền rủ nhau ra rình ai là người cứ hay đi gánh nước đêm.
Tuy nhiên, cứ ra đến gần giếng là chẳng thấy ai cả. Nhưng khi quay lại mấy bước chân khuất giếng, những âm thanh đó lại phát lên. Lúc ấy, nhóm người ra rình chỉ biết nhìn nhau “mắt tròn mắt dẹt”, có người vì hoảng quá liền co giò bỏ chạy.
Trường hợp khác, một người dân trong làng có việc nên về nhà rất khuya. Anh kể lại, lúc anh ta đi ngang giếng Chòm thì xuất hiện hình ảnh lờ mờ trước mắt, một phụ nữ mặc áo trắng đứng bên giếng múc nước. Lúc đó anh ta nghĩ chắc ai đó trong làng đi bắt ếch ngoài đồng về múc nước rửa chân, liền chạy lại hỏi thăm. Tuy nhiên, khi lại gần thì bóng dáng người phụ nữ đó bỗng biến mất. “Sợ gặp phải ma nên tôi liền ba chân bốn cẳng chạy một mạch về nhà”, người này nhớ lại.
Sau những sự việc trên, người dân trong làng đồn rằng giếng Chòm có “ma”. Từ đó, giếng Chòm được người dân gọi bằng biệt danh mới là “giếng ma”.
|
Một cụ cao niên trong làng kể lại những câu chuyện kỳ bí xung quanh chiếc giếng cổ. |
Lí giải về những sự việc bất thường xảy ra quanh giếng cổ, một số người mê tín cho rằng đó có thể là do những linh hồn chết oan bên giếng Chòm hiện về quấy rối. Các cụ kể, trước đây, ban ngày giếng Chòm nhiều người đến gánh nước nên nhiều người chuyển sang gánh vào ban đêm. Từng có trường hợp trượt chân té xuống giếng chết. Năm 1965, một phụ nữ trong làng đi gánh nước đêm thì bị trúng bom, chết bên giếng.
“Có thể linh hồn người chết chưa siêu thoát, còn quanh quẩn ở cạnh giếng rồi hằng đêm vẫn múc nước ở đây”, một cụ giải thích. Tuy nhiên, một số lời đồn đại khác lại cho rằng, chiếc giếng này là của người Chămpa xây dựng cách đây hàng trăm năm. Lúc xây có rất nhiều người bỏ mạng, nay linh hồn họ ra quanh giếng.
Kể từ khi có lời đồn ma quỷ ở giếng Chòm, ban đêm tuyệt đối không ai dám bén mảng đến khu vực này. Những gia đình ở gần thì đến chập tối là đóng kín cổng, không cho con cái ra khỏi nhà. Những người có việc phải về muộn thì họ thường ngủ nhờ nhà người quen hoặc rủ thêm ai đó về cùng chứ không ai dám đi một mình. Khi qua ngang giếng ai cũng cố chạy thật nhanh.
Sự hoang mang của dân làng cứ tăng dần lên, khiến cuộc sống nơi đây bị xáo trộn nghiêm trọng. Thấy vậy, cách đây hơn một năm, các cao niên của làng Hữu Quyền tập hợp mọi người lại sắm sửa lễ vật ra làm lễ thắp hương tại giếng cổ. Điều kỳ lạ là sau khi làm lễ xong thì những tiếng động lạ không còn nữa. Từ đó người dân cũng yên tâm sinh sống không còn hoang mang sợ hãi.
Đối với dân làng, giếng Chòm không chỉ là múc nước về sinh hoạt mà còn được coi là long mạch của làng. Cụ Hóa cho biết, từ xưa đến nay, năm nào dân làng cũng tổ chức lễ “khảo giếng” (dọn dẹp rác bẩn, thông mạch cho giếng). Mục đích của việc này không chỉ để thông mạch nước, dọn dẹp rác thải mà còn là hình thức cầu cúng cho dân làng được ấm no, làm ăn thuận lợi. Thế hệ đi trước đều dặn dò con cháu rằng giếng Chòm chính là long mạch của làng, nếu để mạch giếng bị tịt thì người dân sẽ gặp nhiều điều xui xẻo, làm ăn trắc trở.
Ông Phan Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Huy cho biết: “Giếng Chòm là một một giếng cổ có từ lâu đời ở địa phương. Năm 2011, giếng Chòm được công nhận là di tích văn hóa tỉnh Hà Tĩnh. Giếng Chòm chiếm một phần quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân”.
Ông Chủ tịch xã cũng xác nhận, xung quanh chiếc giếng có những câu chuyện lạ. Tuy nhiên, ông khẳng định đó chỉ là những lời đồn đại của một bộ phận người dân mê tín, hoàn toàn không có cơ sở.