Theo Ancient Origins, quần thể cổ mộ Turuş Rock được xây dựng rất công phu bằng cách chạm khắc vào nền đá, tạo nên một không gian ngầm bên dưới.
Để bước vào các hầm mộ này, người ta phải xuống từ 10-13 bậc thang.
Các ngôi mộ này được xây dựng trong thời kỳ người La Mã chiếm giữ khu vực và vùng đất khá vắng vẻ cạnh đường cao tốc Adıyaman-Şanlıurfa là một phần của đô thành Tharsa một thời hưng thịnh.
Ngôi mộ mới nhất được khai quật gây chú ý vì có hai đầu bò tót "trấn giữa" ngay cửa mộ, đập vào mắt những người muốn xâm phạm hầm mộ.
Trong văn hóa La Mã, con bò đực là biểu tượng của thần Jupiter, đại diện cho quyền lực, sức mạnh và sự khó đoán.
Ngoài ra, đầu bò cũng là biểu tượng của thành đô Athen, được mô tả trên nhiều đồng tiền cổ. Trong văn hóa La Mã, đôi khi con bò cũng tượng trưng cho sức mạnh, khả năng sinh sản, gắn liền với thần Mars, là vị thần chiến tranh và bảo vệ nông nghiệp.
Cổ mộ đặc biệt này bao gồm một phòng chính và ba vòm, giữa những đầu bò ở cửa mộ có những chi tiết trang trí dạng vòng hoa và hoa hồng.
Các phát hiện liên quan đến phong tục tang lễ của người La Mã được giới khảo cổ đặc biệt quan tâm, bởi thể hiện những nét đặc trưng rất riêng và cung cấp nhiều chi tiết về đời sống văn hóa thời kỳ đó.
Người La Mã có tục lệ tang lễ khá đa dạng ở nhiều khu vực, phát triển theo thời gian, tiếp thu các phong tục từ các nền văn hóa khác khi Đế chế La Mã này một mở rộng.
Ban đầu, hỏa táng phổ biến ở người La Mã. Phong tục chôn cất chỉ phổ biến từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên, là sự tiếp thu văn hóa ngoại lai. Vì vậy, các cổ mộ ở Tharsa là một trong các quần thể mộ chôn cất lâu đời nhất của người La Mã.
Theo ông Mustafa Çelik, Phó Giám đốc Bảo tàng Adıyaman, trong khu vực, thành phố cổ Tharsa gồm 3 khu khảo cổ chính: Gò lớn, gò nhỏ và khu nghĩa địa.
Khu nghĩa địa bắt đầu được khai quật trong năm 2024, đã có hơn 60 cổ mộ được xác định, đều là hầm mộ đá.