Tập bản thảo viết tay về Thuyết tương đối của Albert Einstein trong buổi giới thiệu một ngày trước khi được bán đấu giá tại nhà đấu giá Christie ở Paris. Nguồn ảnh: AFP/Yonhap
Bản thảo hiếm cung cấp cái nhìn sâu sắc đáng chú ý về công trình của Einstein, đồng thời ghi lại nguồn gốc Thuyết tương đối rộng được xuất bản năm 1915. Tập tài liệu viết tay này chính là “bản thảo Einstein có giá trị nhất từng được bán đấu giá”.
Trước đó, theo ước tính của nhà đấu giá hàng đầu thế giới Christie's, mức giá của bản thảo này có khả năng sẽ đạt từ 2 đến 3 triệu Euro.
Kỷ lục trước đó thuộc về tác phẩm “God Letter” (tạm dịch là “Thư về Chúa”) với 2,8 triệu USD vào năm 2018 và một bức thư viết về “Thuyết hạnh phúc” với giá 1,56 triệu USD vào năm 2017.
Các cuộc đấu giá vào hôm thứ Ba đã mở ra ở mức 1,5 triệu Euro và nhanh chóng vượt qua ước tính ban đầu của nhiều nhà đấu giá.
Hiện nay vẫn chưa có thông tin liên quan đến danh tính hoặc quốc tịch của người chiến thắng. Khoảng 100 nhà sưu tầm và người xem đã tham gia các phiên đấu giá, nhưng tất cả đều được thực hiện từ xa.
“Giống như một phép màu”
Tập tài liệu dày 54 trang được đấu giá ngày 23/11 là bản thảo viết tay của Einstein và người bạn tâm giao, kỹ sư người Thụy Sĩ Michele Besso, vào năm 1913 - 1914 tại Zurich (Thụy Sĩ).
Christie's cho biết chính nhờ ông Besso mà bản thảo mới được lưu giữ cho hậu thế. Đây “dường như là một phép màu” vì Einstein sẽ khó có thể giữ được thứ mà ông chỉ xem là tài liệu làm việc đơn thuần.
Christie's cho biết thêm: “Các tài liệu khoa học của Einstein trong thời kỳ này và trước năm 1919 nói chung là cực kỳ hiếm”.
Bản thảo là “một chuyến đi hấp dẫn vào tâm trí của nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20”. Nó nói về Thuyết tương đối rộng của Einstein, được xây dựng dựa trên phương trình nổi tiếng E = mc2 nằm trong Thuyết tương đối hẹp năm 1905.
Einstein (1879 - 1955) từng đoạt Nobel Vật lý năm 1921 và được công nhận là một trong những nhà Vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông được tạp chí Time bầu chọn là người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.