Ba bản Tuyên ngôn độc lập kinh điển trong lịch sử Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Theo nhận định của các nhà sử học, dân tộc Việt Nam có tất cả ba bản Tuyên ngôn độc lập trong suốt chiều dài lịch sử của mình.

 

Đó là bài thơ Nam quốc sơn hà (năm 891), Bình Ngô đại cáo (năm 1428) và bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945.
Bài thơ Nam quốc sơn hà
Theo các tư liệu lịch sử, Nam quốc sơn hà là bài thơ thần, do thần linh đọc giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077. Bài thơ này được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền của nhà cầm quyền Đại Việt trên các vùng đất của mình
Nam quốc sơn hà vốn là một bài thơ Hán văn thất ngôn tứ tuyệt và không có tên. Tên gọi Nam quốc sơn hà là do những người biên soạn cuốn sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2 (sách do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1976) đặt ra, lấy từ bốn chữ đầu trong câu thơ đầu tiên của bài thơ này (Nam quốc sơn hà Nam đế cư).
Ba ban Tuyen ngon doc lap kinh dien trong lich su Viet Nam
Ảnh minh họa.
Bài thơ Nam quốc sơn hà có ít nhất là 35 dị bản sách và 8 dị bản thần tích. Thư tịch đầu tiên có chép bài thơ này là sách Việt điện u linh tập, song bản Nam quốc sơn hà trong Việt điện u linh tập không phải là bản được biết đến nhiều nhất, bản ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư mới là bản được nhiều người biết nhất. Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử đầu tiên có ghi chép bài thơ này.
Phiên âm Hán-Việt của bản ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Trong số nhiều bản dịch thơ, bản của Lê Thước và Nam Trân đã được đưa vào trong sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản năm 2003 với một chút sửa đổi so với bản dịch gốc, nội dung như sau:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ

Bình Ngô đại cáo
Bình Ngô đại cáo là bài cáo do Nguyễn Trãi soạn thảo, viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến với nhà Minh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt. Đây được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam.
Tên gọi của Bình Ngô đại cáo nghĩa là bài tuyên cáo về việc dẹp yên giặc Ngô (Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Chu Nguyên Chương, vừa là nguồn gốc, quê cha đất tổ của Chu Nguyên Chương - người sáng lập nhà Minh).
Về bối cảnh ra đời của tác phẩm, vào năm 1427, quân khởi nghĩa Lam Sơn đánh tan 2 đạo viện binh của quân Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy. Vương Thông đang cố thủ trong thành Đông Quan biết tin, hoảng sợ viết thư xin hòa.
Lê Thái Tổ chấp thuận, sai sứ mang tờ biểu và vật phẩm sang nhà Minh, vua Minh sai quan Lễ Bộ Thị Lang là Lý Kỳ đưa chiếu sang phong cho Trần Cảo làm An Nam Quốc Vương, bỏ tòa Bố Chính và triệt quân về Tàu. Tháng chạp năm Đinh Mùi, Vương Thông theo lời ước với Bình Định Vương Lê Lợi, đem bộ binh qua sông Nhị Hà, còn thủy quân theo sau. Vì quân Minh tàn bạo, có người khuyên Lê Lợi đem quân mà giết hết đi, Lê Lợi không chấp thuận, cấp lương thảo và vật dụng cho quân Minh trở về. Năm 1428, Lê Lợi dẹp yên quân Minh, liền sai Nguyễn Trãi thay lời ngài làm tờ bá cáo cho thiên hạ biết.
Ba ban Tuyen ngon doc lap kinh dien trong lich su Viet Nam-Hinh-2
Ảnh minh họa.
Bình Ngô đại cáo là một thông báo bằng văn bản dưới hình thức của thể văn biền ngẫu, được viết bằng chữ Hán, được dịch sang tiếng Việt bởi một số học giả như Ngô Tất Tố, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim. Kết cấu bài cáo gổm 5 đoạn:
Đoạn 1: Khẳng định tư tưởng nhân nghĩa và chân lí về chủ quyền độc lập của quốc gia Đại Việt.
Đoạn 2: Tố cáo và kết án tội ác tày trời của giặc Minh.
Đoạn 3: Hình ảnh của vị lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn và những khó khăn trong buổi đầu dấy nghiệp.
Đoạn 4: Quá trình mười năm kháng chiến và thắng lợi vẻ vang.
Đoạn 5: Khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vả lời tuyên bố hoà bình.
Giới nghiên cứu đánh giá, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo không chỉ tuyên bố độc lập, mà còn khẳng định sự bình đẳng của Đại Việt với Trung Quốc trong lịch sử từ trước đến nay và thể hiện nhiều ý tưởng về sự công bằng, vai trò của người dân trong lịch sử và cách giành chiến thắng của quân khởi nghĩa Lam Sơn. Ngoài ra, Nguyễn Trãi sử dụng Bình Ngô đại cáo để chứng minh tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và trả lời câu hỏi tại sao quân khởi nghĩa Lam Sơn có thể chiến thắng quân đội nhà Minh đó là chính sách dựa vào nhân dân.
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945
Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình (nay là quảng trường Ba Đình) ngày 2/9/1945 được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử Việt Nam.
Bản tuyên ngôn này ra đời cùng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Khi Việt Minh tận dụng thời cơ Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh để tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc từ ngày 14/8/1945.
Ba ban Tuyen ngon doc lap kinh dien trong lich su Viet Nam-Hinh-3
 Bầu không khí Cách mạng tháng Tám sục sôi ở Hà Nội.
Trên đà thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa, vào sáng 26/8/1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 30/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số người đến góp ý cho bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo. Ngày 31/8/1945, Người bổ sung thêm cho dự thảo Tuyên ngôn độc lập.
Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trong cuộc mít tinh trước hàng chục vạn quần chúng, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bản tuyên ngôn gồm 3 phần:
Phần 1: Cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn.
Phần 2: Cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn.
Phần 3: Lời tuyên bố độc lập.
Trích lời tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: 
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
T.B (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)