1. Trạm nghiên cứu tầng điện ly (Ukraina)
Một trong những kỳ quan nói trên là Trạm nghiên cứu tầng điện ly tại Ukraina (nằm ngay gần Kharkov, gần thành phố Zmiev). Không lâu trước khi Liên Xô tan rã, trạm nghiên cứu đặc biệt trên đã được hoàn tất với vai trò hoạt động tương tự như các công trình của dự án HAARP quy mô của người Mỹ tại Alaska.
Trạm bao gồm cả một vài cánh đồng lắp đặt anten rộng lớn, trong đó có một anten parabol khổng lồ đường kính lên tới 25m, có thể phát ra công suất 25 megawatt. Tuy nhiên, với sự sụp đổ của Liên bang Xôviết, vai trò của trạm này không còn được Chính phủ Ukraina quan tâm, khiến nó gần như không còn hoạt động kể từ đó đến nay.
2. Hệ thống máy xúc khổng lồ (Moskva – Nga)
Trước thời điểm năm 1993, mỏ phốtpho Lopatin là một trong những cơ sở chiến lược, là nơi khai thác chủ yếu loại khoáng sản rất cần cho sản xuất nông nghiệp của Liên Xô với những chiếc máy xúc khổng lồ.
Khu mỏ bị bỏ hoang cùng với sự xuất hiện của mô hình kinh tế thị trường. Sau đó một thời gian, những kiệt tác khổng lồ trên cũng bị gỡ bỏ hết làm sắt vụn từ năm 2006. Dù vậy, khu mỏ với phong cảnh tự nhiên tuyệt đẹp vẫn là địa điểm du lịch phổ biến.
3. Máy gia tốc hạt (Moskva)
Cuối những năm 80 thế kỷ trước, Liên Xô quyết định xây dựng một máy gia tốc hạt khổng lồ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Máy được đặt trong một hệ thống đường hầm khép kín hình tròn chiều dài 21km, nằm ở độ sâu 60m dưới mặt đất.
Công trình này chưa được đưa vào sử dụng thì biến động chính trị xảy ra. Khu đường hầm này giờ đây chỉ là nơi dạo chơi của những khách du lịch ham mê khám phá.
4. Hệ thống radar "Duga" (Ukraina)
Công trình khổng lồ gồm chủ yếu là sắt thép này được xây dựng từ năm 1985 nhằm phát hiện những vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đã bị bỏ hoang chỉ sau chưa đầy một năm hoạt động.
Do những chiếc anten khổng lồ có độ cao tới 150m trên đòi hỏi rất nhiều năng lượng điện, nên chúng được lắp đặt ngay sát vị trí nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Chính vì vậy, chúng đã kết thúc công việc của mình ngay sau sự cố tại nhà máy điện nguyên tử này.
Hiện tại, khu vực trên đang là một địa điểm thu hút những khách du lịch mạo hiểm, nhưng cũng chỉ có vài người dám trèo lên những cột anten cao tới 150m này.
5. Căn cứ tàu ngầm bí mật Balaklava (Krym – Ukraina)
Đây là một trong những cơ sở quân sự lớn nhất (được xây dựng từ năm 1961) bị bỏ hoang. Toàn bộ công trình được thiết kế có thể chịu được đòn tấn công của một quả bom hạt nhân công suất tới 100 kiloton.
Bị bỏ hoang từ năm 1993, căn cứ ban đầu trở thành nơi khai thác sắt vụn của người dân địa phương, trước khi một số khu vực tương đối nguyên vẹn còn lại được sửa chữa cải tạo thành một quần thể bảo tàng.
6. Thành phố khai thác dầu trên biển (Ajerbaidjan)
Trước đòi hỏi về nhu cầu dầu mỏ cho công nghiệp, Liên Xô ngay từ những năm 40 của thế kỷ XX đã cho xây dựng một cơ sở khai thác dầu quy mô trên biển Caspi (nằm cách bán đảo Apseron 42km về phía đông). Bên cạnh đó còn có cả ký túc xá, bệnh viện, nhà văn hóa, nhà máy bánh mỳ và cả một phân xưởng sản xuất nước chanh.
Tuy nhiên, những mỏ dầu mới phát hiện tại Siberia đã khiến cho việc khai thác dầu tại đây trở nên tốn kém hơn nhiều, khiến cả thành phố dần trở nên hoang phế. Hiện nay, tại đây là nơi sinh sống của khoảng 2.000 con người.
7. Hầm tên lửa Dvina (Latvia)
Nằm cách thủ đô Latvia không xa là tổ hợp căn cứ tên lửa "Dvina". Được xây dựng từ năm 1964, tổ hợp này bao gồm 4 hầm phóng tên lửa có chiều sâu 35m cùng cả một hệ thống hầm ngầm sâu dưới mặt đất.
Phần lớn những phòng ngầm nằm sâu dưới đất giờ đây đã được bít lại. Khách du lịch được khuyến cáo không nên tới đây do vẫn tồn tại mối nguy hiểm từ những nhiên liệu tên lửa độc hại.