Khi các triều đại sắp diệt vong, thường phát sinh những sự việc kỳ quái không cách nào giải thích, ví như gà mái gáy sáng, tuyết rơi tháng 6… Triều nhà Thanh là triều đại phong kiến cuối cùng, trước khi diệt vong cũng phát sinh một số sự việc lạ khiến người thời nay kinh ngạc.
Sự tuyệt vọng của 200 người vô hồn biểu diễn hí kịch
Chuyện xảy ra ở Lữ Thuận (thành phố Đại Liên). Vào tháng 11/1894 giữa cuộc chiến tranh Giáp Ngọ (chiến tranh Trung Quốc và Nhật Bản), quân Nhật tiến công vào thành phố Lữ Thuận, và tại đây đã phát động một cuộc đại tàn sát đối với quân dân. Từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 11 năm 1894, Lữ Thuận đã trở thành một địa ngục trần gian.
Thế nhưng, giữa khung cảnh người chết và người kêu gào thảm thiết ấy, người ta vẫn mơ hồ nghe thấy tiếng hát kinh kịch văng vẳng cùng những tiếng kèn trống ầm ĩ ám ảnh truyền ra từ rạp hát tại quán trà Tập Tiên.
Tương truyền rằng bấy giờ khi tiến vào rạp hát, quân Nhật ai nấy không khỏi sợ hãi khi chứng kiến cảnh tượng đầy ám ảnh:
Diễn viên là những thiếu niên từ 10 tuổi đến 15 tuổi ước chừng có hơn trăm người, kể cả người lớn, tổng cộng có hơn 200 người, họ giống như những con rối gỗ không có sự sống, vô hồn ma quái. Trong rạp hát không có người xem, bọn họ lặng lẽ tự biểu diễn.
Họ chính là gánh hát được quan viên Lữ Thuận mời đến từ Bắc Kinh, Thiên Tân. Sau khi thành trì này thất thủ, quan lại bỏ trốn, đoàn hát này đã phái 17 người ra ngoài để thăm dò tình hình, thế nhưng tất cả đều bỏ mạng trong biển máu ngoài kia. Có lẽ vì quá kinh hoảng, cũng có lẽ vì quá bi thương, hoặc họa chăng là do chẳng còn lối thoát nào khác vì đã bị đẩy vào bước đường cùng, những người còn lại trong rạp hát Tập Tiên không còn màng tới việc bỏ chạy. Họ chỉ thẫn thờ lưu lại trong quán trà ấy, hết lần này đến lần khác lặp đi lặp một việc mà bản thân từ lâu đã quen thuộc hơn bao giờ hết - diễn hí kịch (hay còn gọi là kinh kịch, một thể loại ca kịch của Trung Quốc hình thành và phát triển mạnh tại Bắc Kinh vào thời vua Càn Long của vương triều nhà Thanh).
Sự việc đau thương và ám ảnh này có lẽ được xem là một trong những điềm báo về tương lai u ám của bách tính thời bấy giờ trước những biến cố lớn của lịch sử đang chờ đợi họ ở phía trước.
Sự thờ ơ của quan lại trong nước - Chiến tranh kết thúc, quan lại vẫn không ai hay biết
Chuyện xảy ra ở Sa Thị gần Vũ Hán, ngay sau chiến tranh Giáp Ngọ kết thúc không lâu, một nhà ngoại giao Nhật Bản tên là Horiguchi Shashi đi đến Sa Thị - Hồ Bắc, ông theo Hiệp ước là đi chọn vị trí để chuẩn bị mở lãnh sự quán. Tuy nhiên, ông lại không ngờ rằng, quan viên địa phương không một ai biết ông đến để làm gì. Lẽ nào họ không hề nhận được một công văn thông báo nào từ Bắc Kinh chăng?
Horiguchi Shashi sau đó nhanh chóng biết được một điều khiến ông không cách nào lý giải nổi, một sự thật vô cùng kỳ quái: Đó là quan viên triều Thanh không một ai thực sự biết cuộc chiến tranh Giáp Ngọ vừa mới xảy ra!
Trên thực tế, nhà Thanh lúc bấy giờ đã từng phát hành một tờ báo dành riêng cho quan lại, mục đích là để quan chức từ trung ương tới địa phương đều nắm rõ mọi tình hình lớn nhỏ xảy ra trong nước. Thế nhưng quan lại ở Sa Thị lại không hề biết tới một cuộc chiến tranh quy mô lớn vừa mới xảy ra cách đó không lâu. Điều này chứng tỏ những người này từ lâu đã chẳng còn màng tới an nguy của nước nhà, xã tắc.
Đây có lẽ là một trong những điềm báo rõ nhất phản ánh sự sa sút trong nội bộ của tầng lớp thống trị Mãn Thanh thời bấy giờ.
Cõng rắn cắn gà nhà
Chuyện xảy ra vào 3 năm cuối ở Nhật Chiếu - Sơn Đông. Nước Đức chiếm hải cảng Giao Châu Loan, sau đó phái 120 binh sĩ, đi 4 thuyền chiến nhỏ tiến vào bờ biển ở Nhật Chiếu - Sơn Đông.
Nơi đây được gọi là cối đá của bãi biển với những bức tường đá cao lớn, lúc ấy đám người Trung Quốc vẫn điềm tĩnh nhìn ra biển. Quân lính nước Đức nhìn thấy bộ dạng bình tĩnh của quân Trung Quốc như vậy thì vô cùng kinh ngạc. Lúc này, quan viên Trung Quốc kêu gọi, nếu ai có thể xuống nước cõng người Đức lên bờ, thì sẽ được thưởng một số tiền.
Một người thực sự lớn mật vắn ống quần lên quá đầu gối bước tới chỗ quân Đức, người thứ nhất dám bước đến, thì những người khác cũng đều làm theo. Thế là, mỗi người đều cõng lên mình một "quân địch" nước Đức, cứ thế quân lính nước Đức ở trên lưng người Trung Quốc tiến vào bờ. Đêm hôm đó, quân đội nước Đức đánh thắng như trở bàn tay, chiếm lĩnh toàn bộ huyện thành Nhật Chiếu.
Thượng úy Von Falkenhayn nhẹ nhõm ghi lại nhật ký: "Chúng tôi mang theo một túi lớn thuốc nổ để tiến đánh thành phố Nhật Chiếu, nhưng mọi người không tin đây là đất nước của quân địch. Chúng tôi nhàn nhã tiến vào, vui vẻ và không lo nghĩ gì".
Hai mặt hàng bình dân bất ngờ tăng giá tới mức dọa người
Tương truyền rằng, năm xưa Diêm Kính Minh trong thời gian đảm nhiệm chức Quân cơ đại thần từng nghiêm khắc yêu cầu Từ Hi Thái hậu thanh tra Nội vụ phủ.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cơ quan này báo cáo giá mua một chiếc rương bằng da hết tới 60 lượng bạc, trong khi thực tế ở bên ngoài chỉ bán với giá 6 lượng.
Từ Hi Thái hậu nghe xong liền hạ lệnh cho Diêm Kính Minh thử dùng 6 lượng bạc mua rương da về để kiểm chứng. Vị đại thần này sau đó liền vội vàng xuất cung, nào ngờ khi đi mua đồ mới phát hiện ra rằng tất cả các tiệm bán rương trong thành đều đã đóng cửa. Thì ra trước lúc ông tới, trong hoàng cung đã phái ra thái giám đi tới từng cửa tiệm bắt họ đóng cửa, nếu không sẽ ép phải dẹp tiệm.
Đứng trước tình cảnh này, Diêm Kính Minh đành phải phái thủ hạ thân tín đi tới Thiên Tân mua rương. Nào ngờ người này cũng bị thái giám Nội vụ phủ mua chuộc mà cao chạy xa bay.
Chứng kiến tình cảnh hủ bại tới mức ấy, ngay tới một Quân cơ Đại thần như Diêm Kính Minh cũng chỉ có thể lắc đầu thở dài trong ngao ngán.
Người phải chấp nhận mua đồ bình dân với mức giá cắt cổ khi đó còn có một nhân vật nổi tiếng khác. Đó chính là Hoàng đế Quang Tự. Bấy giờ, vị vua này một mực tin rằng trứng gà đã trở thành một đồ ăn xa xỉ. Bởi số tiền mua trứng được báo cáo lên nhà vua lại cao tới mức khó có thể chấp nhận được.
Một ngày nọ, Quang Tự có hỏi đại thần Ông Đồng Hòa: "Vật quý hiếm này (chỉ trứng gà), thầy đã từng ăn chưa?". Khi đó, Ông Đồng Hòa cũng không dám nói thật: "Lão thần chỉ mới ăn một, hai lần lúc cúng tế, bình thường cũng không dám ăn".
Hóa ra, Ngự Thiện phòng đã báo khống giá của 4 quả trứng gà lên tới ba, bốn chục lượng bạc. Trong khi giá trị thực tế chỉ vẻn vẹn 12, 13 đồng.
Thế nhưng điều đáng nói là những người bị lừa lại là các nhân vật hoàng tộc đứng ở trên đỉnh của giai cấp thống trị. Càng đáng sợ hơn chính là từ tầng lớp nô bộc cho tới các đại thần khi ấy đều không dám vạch trần sự thật hủ bại này.
Từ Hi Thái hậu là đã làm mất chủ quyền dân tộc, làm cho Trung Hoa trở thành xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến
Trong suốt 48 năm Từ Hi Thái hậu thâu tóm quyền lực trong tay, bà đã ký kết với các nước Đế quốc nhiều Hiệp ước ghi nhận sự mất chủ quyền dân tộc của Trung Quốc. Điển hình là "Hiệp ước Mã Quan" ký với Nhật Bản khiến Trung Quốc mất Đài Loan, Liêu Đông, Bành Hồ, chiến phí bằng thu nhập của triều đình Mãn Thanh trong ba năm. Đồng thời, Từ Hy Thái Hậu cũng là người đã bóp chết biến pháp của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, trong khi biến pháp này có khả năng đưa Trung Hoa thoát khỏi nguy cơ rơi vào vòng lệ thuộc của các nước Đế quốc phương Tây.
Ngoài ra, bà đã nhiều lần sử dụng quốc khố cho mục đích riêng. Các cung điện, hoa viên, cũng như chi tiêu của bà được đánh giá là quá xa hoa tốn kém trong bối cảnh Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản. Nổi tiếng nhất là bữa tiệc hoành tráng do bà ra lệnh tổ chức trong 7 ngày 7 đêm, diễn ra vào Tết năm 1874 tại Duy An cung nhân dịp đón tiếp các đại thần phương Tây, làm tiêu tốn quốc khố hết 400.000 lượng vàng.
Đó là chưa kể, Từ Hi Thái Hậu còn được mệnh danh là một trong những nữ cầm quyền bạo chúa đáng ghê sợ nhất trong lịch sử Trung Hoa phong kiến khi giết chóc không gớm tay. Bà được cho là người đã ép Hiếu Triết Nghị Hoàng hậu của Đồng Trị Đế phải tự sát, đầu độc chết Hoàng đế Quang Tự bằng thạch tín, hay được nghi vấn là có liên quan tới cái chết mờ ám của Trân phi - phi tần của Quang Tự.
Quả thật, dù nổi tiếng thông minh, nhưng do tầm nhìn hạn hẹp, thiếu nhiều kiến thức về tình hình quốc tế, cũng như là quá bảo thủ, tàn ác, hoang phí mà Từ Hi Thái Hậu đã "góp phần" khiến cho triều đại nhà Thanh diệt vong.
Những câu chuyện trên đây được xem là điềm báo về kết cục diệt vong tất yếu của một vương triều mục ruỗng như Đại Thanh khi ấy. Đó thực chất là hậu quả của một nền chính trị từ sớm đã mục nát, nơi mà của cải trong thiên hạ chủ yếu tập trung trong tay bè lũ tham quan, nịnh thần.