Sẽ không quá nếu nói cuộc đời của Võ Tắc Thiên tiếng thơm, tiếng xấu có đủ. Nữ hoàng đế Trung Hoa chọn phương pháp cai trị tàn nhẫn, hà khắc nhưng lại có nhãn quan chính trị rất nhạy bén. Võ Thị biết trọng dụng người tài, thưởng phạt nghiêm minh, từng góp công giúp Trung Hoa mở mang lãnh thổ, kinh tế - xã hội phát triển.
Một giai thoại nổi tiếng liên quan đến Võ Tắc Thiên là chuyện nuôi nam sủng. Trong sử sách Trung Hoa nó được chép lại, nhưng về sau đã có thêm sự thêu dệt nhất định.
Năm 690, sau khi lên ngôi, Võ Tắc Thiên tuyển chọn “hậu cung” cho mình cũng không thua gì các bậc đế vương khác. Tương truyền Võ Thị có 2 yêu cầu cụ thể trong việc lựa chọn nam nhân yêu thích.
Một là, người nào muốn làm nam sủng dĩ nhiên phải đẹp trai. Dù tuổi đã cao, nữ hoàng đế này vẫn rất thích những trai trẻ cường tráng, khuôn mặt ưa nhìn. Điều kiện này là dễ đáp ứng nhất.
Hai là, đàn ông kề cận bên Võ Tắc Thiên không thể “hữu dũng vô mưu” hay “chỉ được vẻ bề ngoài”. Họ phải có khả năng phán đoán, biết nhận định thế cục thời cuộc.
Võ Tắc Thiên khi sủng hạnh nam nhân thường cùng họ bàn chuyện quốc gia đại sự, những vấn đề liên quan đến chính trị. Một người đàn ông muốn ở bên Võ Tắc Thiên phải vừa đẹp, vừa giỏi, san sẻ được những mối lo của bà.
Người đời kể lại, Võ Tắc Thiên không phải người trực tiếp tuyển chọn nam sủng mà Thái Bình công chúa và Thượng Quan Uyển Nhi sẽ làm việc đó. Sau khi tuyển chọn xong, họ sẽ đưa người vào cung cho hoàng đế. 4 nam nhân nổi tiếng được Võ Tắc Thiên sủng hạnh nhất là Tiết Hoài Nghĩa, Trương Xương Tông, Trương Dịch Chi và Thẩm Nam Mậu.