|
Đám cỏ cháy và đống đổ nát nơi lũ trẻ ở Abbottabad đang chơi ném bóng chính là những gì còn sót lại từ sào huyệt cuối cùng của kẻ từng là trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất hành tinh năm 2012. Ảnh: AFP |
Theo hãng thông tấn AFP, chiến dịch này đã gây ra những tác động trên toàn cầu, đồng thời làm giảm uy tín quốc tế của Pakistan, bộc lộ những mâu thuẫn ở một quốc gia lâu nay vừa là hậu cứ cho Al-Qaeda cùng các nhánh Taliban vừa phải hứng chịu các ảnh hưởng của nạn khủng bố.
Osama đã sống ẩn dật ít nhất 5 năm ở Abbottabad. Hắn giấu mình trong ngôi nhà màu trắng hoành tráng, kín cổng cao tường, cách một học viện quân sự nổi tiếng chưa đầy 2 km.
Ông Altaf Hussain, giáo viên về hưu, chia sẻ: "Đó là một điều rất tồi tệ cho thành phố này cũng như cho cả đất nước. Với việc sống tại đây, Osama khiến thành phố chịu điều tiếng xấu".
Ban đầu, người dân quốc gia Nam Á này chấp nhận ý tưởng thành lập Al-Qaeda - cuộc kháng chiến của người Hồi giáo chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Nhưng vào thời điểm hắn ta bị tiêu diệt, sự nổi tiếng của Osama đã suy yếu.
"Trước đây, tôi nhớ rằng người dân đặt tên con họ là Osama, ngay cả làng tôi cũng có trường hợp vậy", phóng viên người Pakistan Rahimullah Yusufzai, một chuyên gia về các mạng lưới Hồi giáo cho hay.
Cái chết của tên trùm Osama bin Laden năm 2011 không hề khiến chủ nghĩa cực đoan ngừng lan rộng tại Pakistan. Thậm chí các phong trào tôn giáo cực đoan còn trở nên mạnh mẽ hơn.
Trong ba năm sau đó, một số nhóm khủng bố - chủ yếu là các phần tử Taliban tại Pakistan - đã thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu cũng như thiết lập hàng loạt thành trì ở các khu vực bộ lạc phía Tây Bắc giáp Afghanistan.
Một chiến dịch quân sự được triển khai vào năm 2014 đã giúp giảm bạo lực tại khu vực này. Dù vậy, việc xuất hiện một loạt vụ tấn công nhỏ gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng các phần tử cực đoan đang tập hợp trở lại.
|
Hình ảnh một người đàn ông Pakistan đưa tin về cái chết của trùm khủng bố Al-Qaeda tại Lahore, Pakistan ngày 3/5/2011. Ảnh: AFP |
Theo phóng viên Yusufzai, không có thủ lĩnh uy lực bin Laden, Al-Qaeda vẫn sống sót nhưng trống rỗng. Mạng lưới này không còn khả năng tiến hành các cuộc tấn công lớn ở phương Tây.
Ông Hamid Mir - nhà báo cuối cùng phỏng vấn trực tiếp tên Osama tin rằng nhóm này cũng không còn là mối đe dọa lớn đối với Pakistan, mặc dù các tổ chức khác trong đó có Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn như vậy.
Ông Mir nói rằng trong khi kẻ sáng lập Al-Qaeda được một số tín đồ coi là "chiến binh tự do", thì nhiều người cũng thừa nhận hắn là kẻ xấu xa đã giết hại người vô tội và gây ra sự hủy diệt không chỉ ở Pakistan, mà ở nhiều quốc gia, vi phạm những lời dạy của đạo Hồi.
Dù vậy, Osama bin Laden vẫn giữ được hào quang trong thế giới cực đoan.
Saad, một quan chức Taliban người Afghanistan sống ở thành phố Peshawar, Tây Bắc Pakistan, nói rằng: "Osama đang sống trong tim của mọi tay súng Taliban cũng như mọi chiến binh thánh chiến".
Thủ tướng Pakistan Imran Khan từng gây ra một vụ bê bối cách đây hai năm khi phát biểu trước Quốc hội rằng Osama đã chết như một "kẻ tử vì đạo", một cái chết cao quý trong thế giới Hồi giáo.
Ngay cả ở Abbottabad, một thành phố cỡ vừa thịnh vượng và rộng rãi, vẫn tồn tại sự mơ hồ đối với Osama. Ngôi nhà của hắn đã bị chính quyền san bằng vào năm 2012 để nó không trở thành một đài tưởng niệm.
"Trên đường phố, người ta nói về những quan điểm khác nhau. Một số người nói rằng hắn ta tốt đẹp, người khác lại cho rằng hắn ta xấu xa", cậu thanh niên Numan Hattak từng sống gần nhà bin Laden chia sẻ.