Như đã thông tin, vào sáng 11/12, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ công an đã bắt giữ ông Lê Trí Tình, kíp trưởng ca trực sự cố mất điện tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất để điều tra, xử lý hành vi “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông”. Ông Tình là kíp trưởng ca trực tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và tiếp cận Tân Sơn Nhất (ACC HCM) để xảy ra sự cố mất điện nghiêm trọng kéo dài từ 11h đến 11h40 ngày 20/11 và được coi là sự cố hi hữu nhất từ trước đến nay không chỉ ngành hàng không trong nước mà là có một không hai trên thế giới.
Vụ việc hết sức nghiêm trọng khi hệ thống tín hiệu radar hoàn toàn bị tê liệt, không thể tiếp nhận các chuyến bay đi, đến hoặc qua vùng không phận sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó hàng loạt chuyến bay từ Tân Sơn Nhất không thể cất, hạ cánh. Các ngành chức năng xác định, sự cố này là đặc biệt nghiêm trọng, uy hiếp đến hệ thống an ninh hàng không. Sau khi xảy ra sự cố, Bộ GTVT và Bộ công an đã phối hợp vào cuộc điều tra và bước đầu xác định, đây là lỗi chủ quan do con người gây ra.
|
Sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất được xem là có một không ai trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Ảnh minh họa.
|
Liên quan đến vụ việc trên, dư luận đặt ra câu hỏi, ông Lê Trí Tình bị bắt để điều tra, xử lý hành vi “vi phạm các quy định về an toàn giao thông” liệu có chính xác? Còn ai ngoài ông Tình phải chịu trách nhiệm?
Để làm rõ vấn đề này, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định, việc bắt ông Lê Trí Tình để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông” là không phù hợp. Bởi quy định này là an toàn giao thông đường bộ, còn đây là hàng không. Theo Luật sư Nguyễn Hồng Thái, với hành vi vi phạm đã gây ra ông Lê Trí Tình có thể bị xử lý theo điều 177, Bộ luật Hình sự thì sẽ hợp lý hơn.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái dẫn giải, theo điều 177, Bộ luật Hình sự quy định về “Tội vi phạm các quy định về cung ứng điện” nêu rõ:
1. Người nào có trách nhiệm mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Cắt điện không có căn cứ hoặc không thông báo theo quy định;
b) Từ chối cung cấp điện không có căn cứ;
c) Trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
“Bởi thế, xét trên hành vi vi phạm của ông Lê Trí Tình thì có thể xử lý theo hành vi vi phạm điều 177 trên có lẽ là phù hợp hơn”, Luật sư Thái nhận định.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Thái. |
Nói về việc ngoài ông Lê Trí Tình bị xử lý, trong vụ việc này còn có ai phải chịu trách nhiệm liên quan, Luật sư Nguyễn Hồng Thái nhận định, theo thông tin vụ việc thì chỉ thấy mình ông Lê Trí Tình thực hiện sai quy trình.
“Cụ thể, trong thông tin về sự việc nêu rõ: “Sự cố xảy ra vào 11h ngày 20/11, vào thời gian trên, các nhân viên ACC HCM đã thực hiện thao tác ngắt lưới điện gồm 2 nguồn để kiểm tra hệ thống máy phát điện định kỳ. Thời điểm này, 3 hệ thống máy phát điện có 3 máy hoạt động như bình thường. Tuy nhiên chỉ 5 phút sau, cả 3 hệ thống lưu điện (UPS) đã thông báo có lỗi. Theo quy trình thì các nhân viên phải cô lập hệ thống UPS để sửa chữa. Gần 11h20, các nhân viên đã tiến hành đóng lại lưới điện nhưng lúc này, ông Tình (với chức năng là kíp trưởng ca trực) đã tự động can thiệp vào hệ thống UPS và đã thao tác sai quy trình, dẫn đến hệ thông lưu điện bị mất gây mất điện toàn bộ trung tâm”, vì thể có lẽ chỉ mình ông Tình phải chịu trách nhiệm nếu không tìm thấy ai có lỗi liên quan đến vụ việc này”, Luật sư Thái nhận định.