Nhân tố Đức trong tuyển bóng đá Mỹ
Ngay trước giờ khai cuộc Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới 2014 (World Cup 2014), kênh truyền hình thể thao danh tiếng ESPN phát sóng tập phim Inside: U.S. Soccer’s March to Brazil. Thực ra, đây là một loạt phim tài liệu nói về công tác chuẩn bị của Đội tuyển bóng đá quốc gia Mỹ cho giải đấu mùa hè này.
Tập đầu tiên của loạt phim tài liệu chủ yếu chiếu các đoạn băng hình của tuyển bóng đá quốc gia Đức ghi bàn, rồi tập trung vào các khoảnh khắc ăn mừng chiến thắng của Jurgen Klinsmann, hiện là huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển bóng đá Mỹ. Hầu như các nội dung của tập này đều lấy bối cảnh là nước Đức. Nói ngắn gọn, nước Đức trở thành chủ đề phổ biến trong bộ phim tài liệu nói về đội tuyển bóng đá Mỹ.
|
Các cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia Mỹ đặt chân tới Sao Paulo ngày 9/6 để tham dự World Cup 2014.
|
Theo luật bóng đá quốc tế, cầu thủ có thể chơi cho một đội tuyển quốc gia nếu anh ta hoặc cha/mẹ ruột của cầu thủ này sinh ra tại nước đó. Thực vậy, 5 trong số 30 cầu thủ trong đội hình sơ bộ của tuyển Mỹ tham dự World Cup 2014 lần này có mẹ Đức và bố Mỹ, bao gồm cầu thủ John Brooks, Fabian Johnson, Jermaine Jones, Terrence Boyd, và Julian Green. Đáng chú ý, Green – cầu thủ dự bị 18 tuổi của Câu lạc bộ Bayern Munich – là một trong những chân sút tiềm năng của tuyển Mỹ kể từ thời Landon Donovan. Cầu thủ Green, cũng giống với 4 đồng nghiệp người Mỹ gốc Đức khác, đều là con trai của các quân nhân Mỹ.
Nguồn gốc từ thời Chiến tranh Lạnh
Cuộc phong tỏa Berlin thời Chiến tranh Lạnh là một trong số những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử bóng đá Mỹ. Khi quân đội Liên Xô bắt đầu cai quản vùng Đông Berlin, Mỹ cũng rậm rịch các kế hoạch thành lập các căn cứ thường trú của họ tại Tây Đức. Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ thiết lập hàng trăm cơ sở quân sự cùng 9 căn cứ không quân chính ở Tây Đức, bao gồm các trụ sở Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu. Xung quanh các khu vực căn cứ Mỹ này, dân địa phương rất thưa thớt.
Để “cải thiện quan hệ với người dân địa phương”, Lực lượng Không quân Mỹ đồn trú thời điểm đó đã lập các đội bóng đá để giao lưu với cộng đồng dân cư người Đức sinh sống quanh đó. Theo một báo cáo của tờ Daily Boston Globe, 50 cơ sở quân sự Mỹ đóng tại châu Âu thời kì đó đều có đội bóng đá của riêng mình. Trong khi đó, một số căn cứ này còn có nhiều đội bóng để cùng tham gia tranh tài trong một giải đấu của riêng họ hay trong các giải thi đấu ở địa phương nơi họ đồn trú. Chẳng vậy mà, tờ báo gọi kế hoạch trên của Không quân Mỹ là “một chương trình phổ biến bóng đá mà sớm có tác động tới quê nhà”. Thông qua dự án này, mối quan hệ giữa binh sĩ Mỹ và dân bản địa đã được cải thiện.
Tính tới năm 2009, có tất cả 227 căn cứ quân sự Mỹ hoạt động ở Đức. Mặc dù nhiều cơ sở đóng cửa trong những năm gần đây, song vẫn có khoảng 40.328 quân nhân Mỹ triển khai ở nước này. Bởi vì các căn cứ này tổn tại nhiều thập kỉ qua nên nhiều người dân địa phương cũng đã có tình cảm sâu đậm với những binh sĩ Mỹ đóng quân tại đó.
Những căn cứ quân sự dạng này lại là cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng mới cho nền bóng đá Mỹ. Người dân Đức, cũng giống như hầu hết các quốc gia châu Âu khác, đều có niềm đam mê cuồng nhiệt với bóng đá. Đội tuyển bóng đá quốc gia Đức là một trong những đội chơi cừ nhất trên thế giới, hiện đứng ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng của FIFA. Đối với con em các quân nhân Mỹ sinh ra tại Đức, nước Mỹ là sự lựa chọn thứ hai để họ có thể phát triển tài năng bóng đá của mình, ngoài quê hương Đức. Và đội tuyển Mỹ khá hào hứng khi tuyển dụng các tuyển thủ Mỹ gốc Đức này.
Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ không kéo dài lâu được. Thực tế, quân đội Mỹ hiện trong quá trình đóng cửa một số căn cứ ở Đức. Tới năm 2016, chỉ còn một số ít cơ sở hoạt động tại đó. Song, đội tuyển Mỹ vẫn còn hy vọng trong các kỳ World Cup tiếp theo trong tương lai khi mà khoảng 13.000 quân nhân Mỹ đồn trú ở Italia và Tây Ban Nha.