Nằm ở phía dưới vườn quốc gia, siêu núi lửa Yellowstone là một trong những địa điểm được giám sát chặt chẽ nhất trên thế giới. Hàng loạt các công cụ được sử dụng để phát hiện các thay đổi đáng chú ý như: máy đo địa chấn để phát hiện chuỗi động đất, cảm biến GPS để đo sự dịch chuyển và nhô lên của mặt đất, thậm chí cả hình ảnh vệ tinh để theo dõi thay đổi áp lực trong các ống ngầm magma.
|
Yellowstone đã có ba trận siêu phun trào trong vòng 2,1 triệu năm qua. Ảnh: Daily Star |
Yellowstone đã có ba trận siêu phun trào trong vòng 2,1 triệu năm qua.
Trận đầu tiên được coi trận phun trào lớn nhất trong mọi thời đại. Nó sản sinh ra lượng tro gấp 2.500 lần trận phun trào núi Helens năm 1980. Nếu siêu núi lửa Yellowstone phun trào lần nữa, một số nhà khoa học cho rằng nó sẽ gây tàn phá hơn cả vụ phun trào khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người của siêu núi lửa Toba (Indonesia) vì phần lớn tro bụi sẽ phủ lên đất liền chứ không phải ngoài biển.
"Lần phun trào lần cuối của Yellowstone có thể là đã phủ lớp tro khắp châu Mỹ," David Pyle từ Đại học Oxford nói. "Nếu một diện rộng đất lục địa châu Mỹ bị phủ một lớp tro núi lửa dày 10cm, tất cả các chất hữu cơ và cây cối sẽ chết. Động vật sẽ ăn phải thức ăn có chất độc. Và mặt đất bỗng chốc sẽ trở lên sáng hơn, nhiều bức xạ Mặt trời bị hắt lại bầu khí quyển dẫn đến hậu quả là hạn hán kéo dài”.
Ông Brian Wilcox, chuyên gia của Phòng thí nghiệm động cơ phản lực (JPL) trực thuộc NASA ở Viện nghiên cứu Công nghệ California, giải thích: "Sau quá trình nghiên cứu, tôi kết luận rằng mối đe dọa của siêu núi lửa lớn hơn rất nhiều so với các tiểu hành tinh và sao chổi."
Trên Trái Đất có khoảng 20 siêu núi lửa được biết đến, với những trận phun trào lớn xảy ra trung bình 100.000 năm một lần. Một trong những mối đe dọa lớn nhất do phun trào núi lửa gây ra là nạn đói bởi nó có thể gây ra mùa đông kéo dài, kéo theo tình trạng thiếu lương thực. Trong năm 2012, Liên Hợp Quốc ước tính trữ lượng thức ăn trên toàn cầu chỉ đủ tiêu thụ trong 74 ngày.
Giải pháp làm mát siêu núi lửa Yellowstone
Khi xem xét vấn đề này, các nhà khoa học của NASA nhận ra rằng giải pháp hợp lý nhất là làm mát siêu núi lửa.
|
NASA cho rằng giải pháp hợp lý nhất là làm mát siêu núi lửa. Ảnh: NASA |
Những siêu núi lửa như Yellowstone là một nguồn phát nhiệt khổng lồ, hiện đang rò rỉ khoảng 60 -70% nhiệt vào trong không khí, thông qua lượng nước vốn tràn vào dung nham qua các khe nứt. Phần còn lại tích tụ bên trong dung nham, hòa tan nhiều khí lỏng và đá xung quanh. Một khi lượng nhiệt này đạt đến một ngưỡng nhất định, thì một vụ phun trào là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng nếu lượng nhiệt này giảm xuống thì siêu núi lửa sẽ không bao giờ phun trào. NASA ước tính rằng nếu lấy đi được 35% lượng nhiệt lấy từ lò dung nham, thì siêu núi lửa Yellowstone sẽ không còn là mối đe dọa nữa.
Các nhà khoa học NASA cho rằng giải pháp khả thi nhất là khoan 10km sâu vào trong núi lửa và bơm nước vào với áp suất cao. Nước sẽ lưu thông trở lại với nhiệt độ 350 độ C, do vậy, sẽ dần dần hạ nhiệt cho núi lửa. Một dự án như vậy có chi phí khoảng 3,46 tỷ USD.
Nhà nghiên cứu Brian Wilcox cho biết: "Yellowstone hiện rò rỉ khoảng 6GW nhiệt lượng. Nếu thực hiện giải pháp khoan nói trên, lượng nhiệt thu về có thể dùng để tạo ra một nhà máy năng lượng điện địa nhiệt, sản xuất điện năng với một mức giá cạnh tranh khoảng 0,1USD/KWh. Có thể sẽ phải ưu đãi cho các công ty địa nhiệt để họ khoan sâu hơn và dùng nước nóng hơn bình thường. Nhưng người ta có thể lấy lại được vốn ban đầu và có điện để cung cấp cho khu vực xung quanh trong khoảng thời gian hàng chục nghìn năm. Đó là chưa nói đến lợi ích lâu dài là có thể ngăn chặn được mối đe dọa của siêu núi lửa trong tương lai, thứ có thể hủy hoại nhân loại."
Một kế hoạch như vậy có thể ứng dụng cho mọi siêu núi lửa đang hoạt động trên hành tinh. Các nhà khoa học NASA hy vọng rằng những dự án của họ sẽ khích lệ nhiều cuộc thảo luận, tranh luận khoa học trong việc đối phó với mối đe dọa từ siêu núi lửa.
Siêu núi lửa Yellowstone phun trào theo chu kỳ 600 nghìn năm một lần và hiện đã là 600 nghìn năm kể từ lần cuối nó phun trào. Điều này khiến châu Mỹ và thế giới phải tính đến.