Khoảnh khắc Chủ tịch Cuba Raul Castro ngăn Tổng thống Mỹ Obama vỗ vai của ông trong cuộc họp báo chung ở Havana đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới và trở thành một trong những khoảnh khắc "bối rối" nhất của hai nhà lãnh đạo.
Có thể coi đây là hình ảnh kết thúc chuyến công du đầu tiên của một tổng thống Hoa Kỳ tới Cuba sau gần 90 năm.
Nhân dịp này, Sputnik lục lại hồ sơ ngoại giao của Mỹ để “giới thiệu” những khoảnh khắc kỳ quặc tương tự của các Tổng thống Mỹ.
|
Ông Obama "bẽ mặt" khi bị ông Raul Castro từ chối cái vỗ vai. Nguồn: AP |
Chuyến thăm của ông Barack Obama tới Cuba là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Tổng thống Hoa Kỳ tới quốc đảo ở vùng vịnh Caribe, sau 90 năm. Vào cuối cuộc họp báo chung giữa nguyên thủ 2 nước, tổ chức hôm thứ hai ngày 21/3/2016, nhà lãnh đạo Mỹ đã có cử chỉ muốn vỗ vai người đồng nhiệm Cuba.
Thế nhưng, ông Raul Castro đã khéo léo ngăn hành động này lại. Chủ tịch Cuba đã kịp thời cầm cổ tay Tổng thống Hoa Kỳ giơ lên và vẫy vẫy. Khoảnh khắc đặc biệt này đã nhanh chóng được lan truyền khắp thế giới.
Đây không phải lần đầu tiên các chính trị gia rơi vào tình huống khó xử như vậy khi công du nước ngoài.
Trong chuyến thăm Myanmar vào năm 2012, ông Obama đã có một bài phát biểu bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với tiến trình cải cách ở nước này. Tuy nhiên, trong lúc ông phát biểu, thì ở hàng ghế danh dự, ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là bà Hilary Clinton lại… ngủ gật.
Trước đó, vào năm 2008, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton – phu quân của bà Hilary Clinton – cũng bị máy quay bắt gặp cảnh ông “đang lim dim” trong một buổi lễ tưởng nhớ mục sư Martin Luther King.
Thế nhưng, tạo ra tình huống kệch cỡm hơn phải kể tới cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush trong chuyến thăm Tokyo, Nhật Bản hồi năm 2002. Ông Bush khi đó đã lẫn lộn từ “phá giá” (devaluation) với từ “giảm phát” (deflation), trong bài phát biểu nói về đồng Yên.
|
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush khoác áo của đội tuyển bóng rổ ĐH Waseda bên ngoài áo vét khi thăm trường này ở Tokyo. Nguồn: AP |
Ông Bush đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi và nói rằng họ sẽ thảo thuận về “vấn đề phá giá tiền tệ”. Các quan chức khi đó ngay lập tức phải lên tiếng đính chính lại rằng ý của ông tổng thống là “vấn đề giảm phát” bởi lúc đó đồng yên Nhật đang giảm mạnh so với đồng USD.
Ông Bush đã lặp lại lỗi nói hớ vào năm 2007. Trong cuộc gặp Thủ tướng Australia khi đó là ông John Howard, Ông Bush đã cảm ơn việc “nước Áo cử 1.500 binh sĩ tới tham chiến tại Iraq”. Trên thực tế, Australia chứ không phải Austria (Áo) mới là nước cử quân tham chiến ở Iraq.
Không biết, có phải cứ gặp ông John Howard là ông Bush lại bị nói nhịu hay không? Bởi tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Sydney, ông Bush đã thêm một lần nhầm lẫn. Khi đó, cựu Tổng thống Hoa Kỳ phát biểu: “Thưa ngài Thủ tướng (ông John Howard – PV), xin cảm ơn lời giới thiệu của ngài. Xin cảm ơn sự tổ chức tốt đẹp hội nghị OPEC”.
Ông Bush đã nhầm tên của tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Để chữa thẹn khi cử tọa phá lên cười, ông Bush có nói thêm: “Ông ấy mời tôi tham dự hội nghị OPEC năm tới”.
Cũng là Tổng thống Bush nhưng là Bush cha, trong chuyến thăm Tokyo, Nhật Bản năm 1992 đã rơi vào một tình huống hết sức oái oăm. Trong bữa tiệc chiêu đãi của Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Kiichi Miyazawa, ông Bush đã bất thình lình nôn mửa. Rất may, đệ nhất phu nhân Mỹ lúc đó là bà Barbara đã chữa cháy tình huống này bằng cách lấy chiếc khăn ăn che miệng chồng mình, làm như thể ông Bush lên một cơn ho.
Vào năm 2005, cuối một buổi họp báo ở Trung Quốc, cựu Tổng thống George Bush dường như muốn mau chóng rời khỏi khán phòng nên đã “đâm đầu” vào một cánh cửa khóa. Ông Bush cố gắng dùng cả hai tay để mở cửa và cuối cùng phải thừa nhận: “Tôi đang cố trốn thoát khỏi đây nhưng rõ ràng là nó chẳng hoạt động gì cả”.
Trong số các lãnh đạo Mỹ gặp rắc rối khi đi công du nước ngoài, phải kể đến Tổng thống Jimmy Carter trong chuyến thăm Ba Lan năm 1977. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên với danh nghĩa là Tổng thống của ông. Bộ Ngoại giao đã cử người phiên dịch, Steven Seymour, người chỉ được trả 150 USD/ ngày tiền công. Và phần dịch của ông đã trở thành “thảm họa”.
|
Tổng thống Jimmy Carter (giữa) được các quan chức Ba Lan chào đón tại sân bay. Nguồn: AP |
Đầu tiên, khi ông Carter cho biết mình rất vinh dự khi tới thăm Ba Lan thì theo cách nào đó, phiên dịch viên đã nói lại rằng ông Carter “bị ruồng bỏ ở Mỹ và sẽ tới sống ở Ba Lan”. Sau đó, ông Carter mỉm cười và tuyên bố ông muốn tìm hiểu những mong muốn của người dân Ba Lan thì ông Seymour lại dịch là Carter “thèm muốn” Ba Lan.
Tổng thống Mỹ còn nói ông rất hạnh phúc khi ở Ba Lan nhưng Seymour lại chuyển thành ngài Tổng thống “muốn túm lấy những điều riêng tư của Ba Lan”.
Điều thú vị là ông Seymour chẳng hề biết mình dịch sai cho đến ngày 31/12 khi một phóng viên tiếp cận ông và hỏi về những lỗi sai của ông. Sau đó, ông Seymour đã làm thêm 48 tiếng nữa với vai trò phiên dịch cho Tổng thống và lặng lẽ rời đi trước bữa tiệc chia tay Tổng thống Jimmy Carter.