Trong thời kỳ Bắc thuộc, số lượng trống đồng do những nghệ nhân thủ công cổ đại làm ra còn lưu giữ lại rất ít ỏi. Việc tận thu và phá hoại trống đồng bắt đầu từ thời tướng nhà Hán Mã Viện kể từ năm 44 sau công nguyên. Trong khi đàn áp cuộc khởi nghĩa yêu nước do hai chị em Trưng Trắc -Trưng Nhị lãnh đạo, Mã Viện đã thu gom nhiều trống đồng, sau đó nấu chảy chúng để đúc ngựa và dâng cho Hoàng đế nhà Hán.
|
Trống đồng - Biểu tượng của nền văn hóa Đông Sơn. Ảnh: Wikipedia |
Những chiếc trống đồng đầu tiên mà thế giới biết đến được phát hiện trong quá trình xây dựng ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Các nhà khoa học thời kỳ đó gọi chúng là " trống cầu mưa", bởi vì trên thân trống có chạm trổ hoa văn hình những con ếch. Các chuyên gia đã không dành mối quan tâm đặc biệt cho chúng và đánh giá những chiếc trống này như là tác phẩm độc đáo của nghệ nhân vô danh không rõ thuộc thời kỳ nào và khu vực nào. Người mang lại cuộc sống thứ hai cho trống đồng Việt Nam và vinh danh chúng là nhà khảo cổ người Nga Viktor Golubev.
Viktor Golubev sinh năm 1878, đã học tập tại Đại học St Petersburg. Năm 1904, ông chuyển đến Pháp. Ông đã trải qua nhiều cuộc thám hiểm khảo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, Ấn Độ, Tích Lan, Indonesia. Vào năm 1914 khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Viktor Golubev đã được bổ nhiệm làm đại diện của Hội Chữ thập đỏ Nga tại chính phủ Pháp. Trong suốt cuộc chiến, ông đã đứng ở phía mặt trận Pháp-Đức, dẫn đầu đoàn xe y tế do nước Nga tặng cho đồng minh Pháp. Ông đã được tặng thưởng Huân chương chiến đấu. Ông đã nhiều lần bay trên những chiếc máy bay trinh sát để tiến hành chụp ảnh khảo sát tiền tuyến mặt trận từ trên không. Kinh nghiệm này rất hữu ích cho ông sau này ở Việt Nam.
Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới I, Golubev không thể trở về đất nước quê hương, nơi xảy ra cuộc Cách mạng Tháng 10. Ông bắt đầu làm việc ở Viện Viễn đông Bác cổ Pháp và năm 1920 ông chuyển đến Việt Nam. Ông đã ở đây tổng cộng 16 năm.
Vào năm 1925, ông đã nhìn thấy trong chợ ở Thanh Hóa một món đồ đồng rõ ràng có nguồn gốc rất cổ xưa và được hoàn thiện bởi bàn tay nghệ nhân khéo léo. Ông trò chuyện với người bán và biết thêm rằng cổ vật này được tìm thấy — và không chỉ có mỗi một chiếc từ làng Đông Sơn. Và ông đã đề nghị Ban Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tiến hành công việc khảo cổ học nghiêm túc tại đây. Uy tín của nhà khoa học Nga cao đến mức công việc được bắt đầu ngay lập tức. Hàng chục chiếc trống đồng lớn đã được tìm thấy. Việc phân tích thành phần hóa học của chúng chứng tỏ rằng đây là thứ đồng không điển hình đối với đồng Trung Quốc chứa hàm lượng thiếc cao.
Golubev là người đầu tiên lập ra dữ liệu thống kê từ các cuộc khai quật ở Đông Sơn với hình trang trí bí ẩn trên " trống cầu mưa" được lưu giữ tại Bảo tàng Paris của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp. Ông đã tìm thấy nhiều đặc điểm tương ứng của hoa văn chạm trổ trên trống đồng và do đó thiết lập được nguồn gốc của trống đồng Đông Sơn, loại cổ vật đã trở thành biểu tượng của Việt Nam trong lịch sử cổ đại.Thành Cổ Loa, Chùa Một Cột, Văn Miếu — tất cả chỉ là sau đó. Còn hàng ngàn năm trước, đó là trống đồng. Trong khi nghiên cứu các hình chạm trổ trên trống đồng Đông Sơn, nhà khoa học Nga đã đi đến kết luận rằng: chức năng gọi mưa của chúng không phải là điều chính. Những hình hoa văn miêu tả và bố cục tác phẩm phản ánh nghi lễ ma thuật và hoạt động tôn giáo, bản chất trong số đó là để thờ linh hồn tổ tiên và vật tế thần (hình chim hạc). Còn tiếng trống chính là để gọi những linh hồn này.
Viktor Golubev chính là tác giả của thuật ngữ " nền văn hóa cổ Đông Sơn", với biểu tượng là chiếc trống đồng. Năm 1930, ông công bố bản báo cáo khoa học chứng minh sự tồn tại của nền văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Nhà khoa học đã xác định được thời điểm khởi đầu của nó — khoảng 3.000 năm trước đây, khu vực chính phổ biến của nó — trong các vùng lưu vực của sông Hồng và sông Mã. Viktor Golubev tiếp tục theo dõi cả hướng ảnh hưởng của nó đối với các vùng đất xung quanh, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở Nhật Bản, Indonesia, các hòn đảo Châu Đại Dương.
Ông Golubev liên tục nhấn mạnh nguồn gốc địa phương của nền văn hóa Đông Sơn. Ông mạnh mẽ bác bỏ quan điểm đang thịnh hành trong giới khoa học thời đó rằng các sản phẩm kim loại này chỉ xuất hiện tại Việt Nam sau cuộc chinh phục của nhà Hán, xảy ra đồng thời ở đó cùng với nhiều thuộc tính khác của nền văn minh Trung Hoa.
Trong thế giới khoa học, phát minh của Victor Golubev đã nhận được sự đánh giá cao nhất. Nó được gọi là "điểm bước ngoặt trong nghiên cứu khảo cổ học và dân tộc học, không chỉ ở Đông Dương mà còn cả ở Indonesia và Châu Đại Dương”.
Nhiều kết quả khai quật được tiến hành bởi các nhà khảo cổ Việt Nam trong thập kỷ tiếp theo đã khẳng định sự đúng đắn của những quy tắc chính yếu trong thuyết văn hóa Đông Sơn, người đặt nền móng đầu tiên là nhà khoa học Nga Viktor Golubev, người đã sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 1920.
Minh Châu (Theo Sputnik)