Video chiến sự ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh (Nguồn video Life News):
Hai nước từng đối nghịch nhau rất căng thẳng vào giai đoạn 1988-1990 và đã trải qua chiến tranh khốc liệt từ năm 1992-1994 do tranh giành khu vực Nagorno-Karabakh.
Căng thẳng giữa hai nước thậm chí đã có từ ít nhất là đầu thế kỷ 20. Ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga, hai nước Azerbaijan và Armenia giành được độc lập và cùng tuyên bố chủ quyền đối với vùng Nagorno-Karabakh. Ngoài chiến tranh giữa hai nước, còn có cuộc chiến giữa quân đội Azerbaijan và những người Nagorno-Karabakh chủ trương ly khai.
Thế nhưng từ khi hai nước trở thành các nước cộng hòa thành viên của nước Nga Xô viết (vào năm 1920), các căng thẳng này dịu đi trong một thời gian dài. Nagorno-Karabakh được hưởng quy chế khu tự trị và nằm trong nước Cộng hòa XHCN Xô viết Azerbaijan.
|
Khu vực xảy ra chiến sự ở Nagorno-Karabakh giữa hai nước Armenia và Azerbaijan. Ảnh beinformed24
|
Như vậy với quá trình hình thành nước Nga Xô viết và sau đó là Liên Xô, mâu thuẫn tại Nagorno-Karabakh tạm lắng đi. Chính việc nước Nga Xô viết “phân” Nagorno-Karabakh về Azerbaijan đã góp phần tạo nền tảng cho chủ quyền của Azerbaijan đối với khu vực này.
Việc Nagorno-Karabakh được đưa vào Azerbaijan thời đó một phần là do tác động của yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ và tính toán của các lãnh đạo Liên Xô khi đó.
Mâu thuẫn tồn tại ở Nagorno-Karabakh là mâu thuẫn sắc tộc (vùng này cư dân đa phần là người Armenia và họ có nguyện vọng sáp nhập với Armenia, thoát khỏi sự chi phối của người Azerbaijan), và mâu thuẫn tôn giáo (quốc giáo của Azerbaijan là Hồi giáo, còn tôn giáo phổ biến nhất của người Armenia là Kitô giáo).
Đến khi Liên Xô suy yếu vào cuối thập niên 1980 và sụp đổ vào năm 1991, mâu thuẫn sắc tộc và mâu thuẫn tôn giáo trỗi dậy trở lại. Vùng tự trị Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập với Azerbaijan và muốn sáp nhập vào lãnh thổ Armenia. Chiến tranh giữa Nagorno-Karabakh (được Armenia hậu thuẫn) với Azerbaijan nổ ra. Kết quả, 30.000 người chết, hàng trăm ngàn người phải chuyển chỗ ở, và Azerbaijan đánh mất quyền kiểm soát đối với vùng này. Nước “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” tự phong đã tồn tại từ đó đến giờ dù không được cộng đồng quốc tế công nhận (chỉ có vài “quốc gia” đồng cảnh ngộ không được quốc tế công nhận thì mới công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nagorno-Karabakh”).
|
Người dân của tộc Armenia khóc thương lính Armenia tử trận ở vùng Nagorno-Karabakh. Ảnh: Getty Images. |
Dưới sự trung gian hòa giải của Nga, thỏa thuận ngưng chiến giữa Azerbaijan, Armenia và Nagorno-Karabakh đã được ký kết vào tháng 5/1994 và một khu phi quân sự được thiết lập giữa các lực lượng đối địch ở đây. Từ đó đến nay thi thoảng vẫn xảy ra các cuộc đụng độ quân sự lẻ tẻ giữa các bên. Vụ giao tranh đẫm máu nhất giữa đôi bên là vào đầu tháng 4/2016 khi các lực lượng quân sự “binh chủng hợp thành” đã được huy động, khiến ít nhất hàng chục binh sĩ thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Trong giai đoạn 1988-1994, tình trạng bạo lực nhằm vào dân thường của hai tộc người đối địch gia tăng ở Nagorno-Karabakh. Có nhiều cáo buộc với nội dung người Armenia thảm sát người Azerbaijan và ngược lại. Nhiều người tộc Armenia bị trục xuất khỏi lãnh thổ Azerbaijan, và nhiều người tộc Azerbaijan bị xua đuổi khỏi Armenia. Riêng ở Nagorno-Karabakh đã xảy ra hai quá trình ngược nhau: Azerbajan hóa và Armenia hóa. Cuối cùng, xu hướng Armenia hóa thắng thế. Ban đầu người Armenia chỉ chiếm 60% dân số nhưng sau đó đã chiếm ưu thế hoàn toàn, đặc biệt là sau thắng lợi của họ trong cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh. Ngoài việc người Azerbaijan bị đuổi đi, có thêm nhiều người Armenia từ Armenia di cư sang đây sinh sống.
Mặc dù hiện nay Liên Hợp Quốc công nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với toàn bộ vùng Nagorno-Karabakh, nhưng theo một số nguồn thông tin lịch sử, phần lớn khu vực này từng thuộc về vương quốc Armenia thời cổ đại (trước Công nguyên) và trong nhiều giai đoạn, nơi đây là nơi sinh sống của nhiều tộc người, trong đó có cả tộc Azerbaijan và Armenia.
|
Những người ủng hộ Azerbaijan ở Berlin. Ảnh: Getty Images. |
Hiện nay chính phủ Azerbaijan chủ trương trao quyền tự trị mức độ cao cho Nagorno-Karabakh để đổi lại việc khu vực này được đặt dưới quyền kiểm soát của Azerbaijan và là một bộ phận lãnh thổ của Azerbaijan.
Tuy nhiên, cách đây 1/4 thế kỷ, Liên Xô cũng từng đề xuất tăng thêm quyền tự trị cho Nagorno-Karabakh để giữ vùng này trong Azerbaijan và tránh cuộc chiến giữa Azerbaijan và khu vực ly khai. Và đề xuất đó đã thất bại hoàn toàn.