Một thanh niên 22 tuổi, người xuất hiện trên các tấm áp phích biểu tình diễn ra gần đây ở Ấn Độ, vừa thông báo kế hoạch tổ chức cuộc tuần hành 10 ngày qua các thành phố lớn ở các bang miền tây Gujarat nhằm gây sức ép để đòi hỏi quyền lợi cho Patel - một trong những cộng đồng có ảnh hưởng lớn nhất ở Ấn Độ - được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục và việc làm của chính phủ thông qua hệ thống hạn ngạch.
Với sự ủng hộ của vài trăm người, người thanh niên Hardik Patel xuất hiện dày đặc trên báo chí Ấn Độ trong tuần qua sau khi dẫn đầu một cuộc biểu tình lớn làm ngưng trệ mọi hoạt động của Ahmedabad, thành phố chính ở bang Gujarat quê hương của Thủ tướng Narendra Modi.
Giờ đây, Patel chuyển sang học tập phương pháp “tuần hành muối” của người anh hùng Ấn Độ Mahatma Gandhi bằng cuộc tuần hành từ thành phố Ahmedabad đến Dandi, ngoại trừ việc Patel sẽ đảo ngược hành trình bằng cách bắt đầu từ bãi biển Dandi và kết thúc tại một ngôi làng ở Ahmedabad. Patel không phải người biểu tình đầu tiên lập ra phong trào bất tuân ở Ấn Độ, nơi mà tác giả đạt giải Nobel VS Naipaul gọi là mảnh đất của hàng triệu cuộc nổi dậy, với nhiều cuộc biểu tình quái dị nhất .
|
Các kiểu biểu tình kỳ quặc ở Ấn Độ. Ảnh: BBC.
|
Cha của mọi cuộc biểu tình
Mahatma Gandhi được coi là cha của Ấn Độ và cũng là người biểu tình nổi tiếng nhất của đất nước này. Các phương pháp biểu tình của ông thường không giống ai. Ông tin vào hiệu quả của những biện pháp phản đối bất hợp tác, bất bạo lực và biểu tình tuyệt thực. Ông thuyết phục người dân Ấn Độ tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Anh để phản đối chế độ cai trị bất hợp lý. Gandhi nổi tiếng nhất với cuộc tuần hành ra bãi biển nhằm phản đối luật muối của chính phủ Anh và vui vẻ vào tù trong suốt thời gian dài. Các phương pháp phản đối bằng cách đề cao đạo đức của bản thân và khiến đối thủ phải xấu hổ đã gây được tiếng vang trên khắp thế giới. Nhiều thập kỷ sau khi ông qua đời, những tư tưởng triết học của ông vẫn còn có giá trị, sau đó được Nelson Mandela áp dụng ở Nam Phi để chống lại chế độc tài apartheid, và gần đây được nhà vận động biểu tình chống tham nhũng Anna Hazare áp dụng.
Ôm cây
Trong những năm 1970, người biểu tình ở nhiều vùng của Ấn Độ đã ôm chặt cây để phản đối việc chặt cây. Phong trào phản kháng mang tên Chipko (ôm) này khởi đầu từ những ngọn đồi miền bắc Ấn Độ, nơi người dân phụ thuộc vào rừng để duy trì kế sinh nhai. Các nhà hoạt động và dân làng, trong đó có rất nhiều phụ nữ, tạo thành vòng tròn quanh các cây, thách thức các nhà thầu rằng họ sẽ phải đi qua người biểu tình trước khi chặt cây.
Phong trào Chipko trong những năm 1970 lấy cảm hứng từ những cuộc biểu tình tương tự vào đầu thế kỷ 18 của cộng đồng người Bishnoi ở bang Rajasthan, miền bắc Ấn Độ. Phương pháp đấu tranh bảo vệ rừng này được học tập ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Nepal, nơi hơn 2.000 học sinh năm ngoái đã ôm cây để lập kỷ lục thế giới.
Quần lót hồng và nụ hôn tình yêu
Chán ớn với kiểu “giám sát đạo đức” của những người Hindu bảo thủ luôn nói những lời rỗng tuếch để phản đối phụ nữ vào quán rượu và những cặp đôi âu yếm nhau trong ngày Valentine, Hiệp hội những người thích vào quán và những phụ nữ thả lỏng thực hiện phong trào quần lót hồng vào năm 2009. Nhóm này bắt đầu thu thập quần lót màu hồng để gửi đến ông Pramod Muthalik, người đứng đầu nhóm tự phong cánh hữu Sri Ram Sena nhằm làm ông này xấu hổ vào đúng ngày Valentine. Nhóm Sri Ram Sena sau đó xuất hiện trên báo chí với chiến dịch vây bắt một quán rượu ở thành phố Mangalore, miền nam đất nước, và đánh đập các khách quen là phụ nữ.
Hàng nghìn người đã tham gia phong trào và khoảng 2.000 chiếc quần lót được gửi đến văn phòng của ông Muthalik ở Mangalore. Năm ngoái, một sự kiện hôn cộng đồng được tổ chức ở bang miền nam Kerala sau khi nhóm Hindu bảo thủ phá một quán café nơi một cặp đôi chụp ảnh với tư thế hôn nhau. Thể hiện tình cảm nơi công cộng là điều cấm kỵ ở Ấn Độ, nhưng hàng ngàn người vẫn đến lễ hội để hôn nhau, hoặc chỉ để xem, và hậu quả nhiều người bị cảnh sát tạm giữ trong thời gian ngắn.
Sự phản đối này nhanh chóng lan sang Kolkata, nơi khoảng 100 sinh viên đại học tổ chức tuần hành để đòi “quyền được yêu”, và tại thủ đô Delhi, nơi những người ủng hộ “Nụ hôn tình yêu” đã tập trung tại một nhà ga tàu điện ngầm để thể hiện tình cảm bằng nụ hôn.
Dọa quan bằng rắn
Chọc giận một người thu phục rắn chưa bao giờ là một ý tưởng hay, và một số quan chức ở bang Uttar Pradesh đã học được điều này một cách khổ sở.
Giận dữ trước việc chính quyền không đáp ứng yêu cầu phân cho một lô đất để “bảo tồn rắn”, người quyến rũ rắn Hakkul đã thả vài chục con rắn vào một phòng làm việc của các quan chức để khiến họ sợ chết khiếp. Nhiều người kịp chạy ra khỏi phòng, nhưng nhiều người khác hoảng sợ trèo cả lên bàn và ghế để tránh những con rắn đáng sợ, trong đó có cả rắn hổ mang bành.
Rắn và cá sấu
Giận dữ trước việc chính quyền không sửa đường hư hỏng, một nghệ sĩ ở Bangalore tạo ra một con cá sấu giả nặng 20kg, kích cỡ giống như cá sấu thật, rồi đặt vào “ổ trâu” trên một trong những con đường chính của thành phố vào tháng 6 vừa qua.
Tác phẩm giống như thật của nghệ sĩ Baadal Nanjundaswamy khiến một số người đi qua sợ hãi, nhưng cũng gây tác động đến những quan chức quan liêu làm việc chậm chạp. Chỉ 1 ngày sau đó, một nhóm nhà thầu đã được cử đến đoạn đường để sửa chữa.
Lấy cảm hứng từ cách phản đối này, tổ chức phi chính phủ Namma Bengaluru tháng trước cũng đặt một một con rắn giả rất lớn xuống cái hố rất rộng giữa con đường bị hư hỏng nặng.