Chân dung người kế tục Chủ tịch Cuba

Google News

(Kiến Thức) - Khi chọn giáo sư Miguel Diaz-Canel làm người kế nhiệm sau này, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã thiên về  kỹ năng quản lý thực tế hơn tài hùng biện.

 Chủ tịch Raul Castro (trái) và tân Phó chủ tịch Miguel Diaz-Canel.

Giáo sư Diaz-Canel, 52 tuổi, là quan chức ngoài quân đội trẻ nhất leo lên gần đỉnh cao quyền lực ở Cuba, kể từ khi Fidel Castro lên nắm quyền trong năm 1959. Ông được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch thứ nhất vào ngày 24/2 tại một cuộc họp của Quốc hội Cuba.

Chủ tịch Raul Castro cũng tuyên bố ông sẽ về hưu trong năm 2018, vào cuối nhiệm kỳ chủ tịch 5 năm lần thứ hai.

Phó chủ tịch Diaz-Canel sẽ lên làm Chủ tịch Cuba, nếu Chủ tịch Raul Castro không đủ sức khỏe làm trọn nhiệm kỳ thứ hai. Ông đã vươn lên trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản cầm quyền, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng ở bên ngoài Thủ đô Havana, mặc dù ít được biết đến ở nước ngoài.

Mặc có chỉ 2 năm tham gia quân đội nhưng giáo sư Miguel Diaz-Canel có quan hệ gần gũi với giới tướng lĩnh quân đội.

Nhà phân tích Arturo Lopez-Levy của Đại học Denver nhận định: “Đây là một thay đổi lớn ở Cuba, không chỉ về thế hệ. Việc đề bạt giáo sư Diaz-Canel nên được xem như là một phần của một sự thay đổi thể chế”.

Trước khi tham gia chính phủ ở Havana, Diaz-Canel từng giữ chức Bí thư tỉnh ủy ở hai tỉnh quan trọng là Villa Clara và Holguin, trung tâm của ngành công nghiệp du lịch đang phát triển bùng nổ cũng như các hoạt động của khu vực tư nhân mới - hai yếu tố chính của một quá trình cải cách kinh tế mà Chủ tịch Raul Castro thúc đẩy.

Kinh nghiệm của Phó chủ tịch Diaz-Canel sẽ giúp Chủ tịch Raul Castro thúc đẩy cải cách nhằm làm cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn và mang lại nhiều ngoại tệ hơn, mà không hề nới lỏng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Nhà phân tích Lopez-Levy nói thêm: “Ông ấy (Diaz-Canel) có quan hệ tốt với các quan chức đảng đầu tỉnh. Đó là những nhà lãnh đạo là rất quan trọng. Họ không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế, nhưng họ lại rất có thế lực ở đảo quốc này. Họ chính là các vị ‘lãnh chúa’ ở các tỉnh mà họ lãnh đạo”.

Giống như Raul Castro, Phó chủ tịch Diaz-Canel được coi là một diễn giả có phương pháp nhưng thiếu tài hùng biện. Ông chưa hề xuất hiện trước công chúng, kể từ khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch nước ngày 24/2/2013.

Ông Diaz-Canel được chuyển về thủ đô Havana trong năm 2009 để giữ chức Bộ trưởng Giáo dục đại học và sau đó trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông được điều động đến Havana, ngay sau khi Chủ tịch Raul Castro cách chức Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Carlos Lage và Bộ trưởng Ngoại giao Felipe Perez Roque.

Một nguồn tin trong Đảng Cộng sản Cuba nói Phó chủ tịch Diaz-Canel được xem là một người “cộng sản chân thành, liêm khiết, kiên cường, trung thành với lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Fidel Casto”.

Mặc dù được biết đến là một nhà quản lý tài giỏi, ông Diaz-Canel cũng nổi tiếng là một nhà thương lượng dung hòa được chương trình cải cách của Raul Castro với học thuyết giáo điều mà đôi khi các nhà lãnh đạo cấp tỉnh không muốn thay đổi.

Giáo sư lịch sử và chiến lược Hal Klepak của Đại học Quân sự Hoàng gia Canada cho biết: “Trong khi vẫn tỏ ra rất mực trung thành, (Phó chủ tịch) Diaz-Canel còn trẻ và là một nhà cải cách… Ông chính là người mà Chủ tịch Raul Castro có thể tin cậy để kế tục sự nghiệp cách mạng, nhưng quan tâm đến công việc hiện đại hóa như Raul Castro”.

Phó Chủ tịch Diaz-Canel xem ra còn trẻ khỏe hơn so với độ tuổi 52, khá cơ bắp và có một khuôn mặt vuông vức, cương nghị.

Nhớ lại những lần gặp hồi những năm 1990, nhà phân tích Lopez-Levy mô tả Phó chủ tịch Diaz-Canellà "một người đàn ông ăn nói lưu loát, linh hoạt", khoan hòa.

John McAuliff, giám đốc của Quỹ Hoà giải và Phát triển New York chuyên về trao đổi cấp đại học với Cuba, cũng từng gặp giáo sư Diaz-Canel tại một hội nghị giáo dục năm ngoái, mô tả ông là thông minh, hấp dẫn và ít người nghĩ rằng ông chính là Bộ trưởng Giáo dục đại học Cuba.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân

Bình luận(0)