Hướng nghiệp sớm cho học sinh
GS Phạm Minh Hạc cho rằng, suốt nhiều năm qua, nền giáo dục của ta vẫn không thoát ra khỏi tâm lý "Hư văn, khoa cử, quan trường". Chính tâm lý này là nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực tế bất lực của giáo dục Việt Nam trong việc phân luồng học sinh suốt những năm qua. Cơ cấu hệ thống giáo dục của Việt Nam vốn được xác định ở thế "kiềng 3 chân" khá hài hòa gồm: Phổ thông, Đại học và dạy nghề. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, do tâm lý sính bằng cấp ngày càng nặng nề nên nhánh Dạy nghề gần như bị "bỏ quên", dẫn đến thực trạng "thừa thầy thiếu thợ", lãng phí tiền của trong đào tạo, khiến cho "thế chân kiềng" này chỉ còn... hai chân, chênh vênh không bền vững.
Để cải tạo tâm lý sính bằng cấp, chúng ta cần phải thực hiện cuộc vận động xã hội mạnh mẽ, với sự vào cuộc của đông đảo thành phần trong xã hội, từ cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng... Điều cốt yếu là phải làm thực sự và làm một cách kiên trì bởi đây là bài toán không dễ giải.
Trước tiên là cần giác ngộ hay còn gọi là tư vấn tâm lý, hướng nghiệp từ rất sớm cho học sinh, ngay từ trung học cơ sở. Ở ta hiện nay, có tới hơn 80% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, trong khi chỉ có hơn 10% học nghề hoặc tham gia lao động. Như vậy, vô hình trung gây sức ép quá lớn lên bậc THPT và tạo nên "nút thắt cổ chai" ở kỳ thi đại học. Lẽ ra, học sinh được định hướng nghề sớm giúp hệ thống đào tạo vận động hài hòa, có sự liên thông giữa các hệ đào tạo và xã hội tận dụng được mọi nguồn lực. Đây là vấn đề cần làm đồng bộ, nhưng vai trò quyết định là ở quản lý nhà nước, cần tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, vượt qua tâm lý học để đi thi, từ đó phát triển hệ thống giáo dục theo hướng cải tạo tâm lý.
|
Đổi mới giáo dục cần có sự sàng lọc giáo viên cũng như chính sách
đãi ngộ thích đáng (ảnh có tính minh họa). |
Giáo viên giữ vai trò quyết định
Ba kiến nghị của GS.TS Phạm Minh Hạc để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là đổi mới sách giáo khoa chính xác, thiết thực với phần thực hành tương thích (Cần hoàn thành viết lại SGK trước năm 2015); trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, các cấp học đều học hai buổi/ngày; chấn chỉnh đội ngũ nhà giáo có tay nghề. Ngành giáo dục hiện vẫn cứ loay hoay với việc dạy chữ; từ sách giáo khoa đến phương pháp dạy học. Cải tiến mãi vẫn trong vòng luẩn quẩn... Giáo dục nước ta đang tồn tại nhiều mâu thuẫn lớn. Đó là mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Điều này được hiểu là kinh tế chúng ta đã đạt mức trung bình của thế giới, nhưng về xã hội thì sự phát triển đã kéo theo nhiều diễn biến phức tạp.
Theo GS.TS Phạm Minh Hạc, hướng đi của ngành giáo dục chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội. Vì vậy, đổi mới GD&ĐT toàn diện, phải đổi mới từ chương trình giảng dạy; SGK; đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chế độ đối với nhà giáo... tức là phải căn cơ, có lộ trình với những bước đi bài bản. Trong đó, đội ngũ giáo viên phải được tập trung sàng lọc, có chính sách đãi ngộ thích đáng. Tạo ra động lực cho giáo viên chủ động làm giàu kiến thức để giảng dạy cho học sinh. Quyết liệt loại bỏ những giáo viên không đủ trình độ và tư cách đạo đức.
Trong cuốn "Triết lý Giáo dục Việt Nam và Thế giới", GS.TS Phạm Minh Hạc cho rằng, "Giáo dục nước nhà thiếu hẳn một triết lý. Nước ta có triết lý giáo dục nhưng sai, không phù hợp với thực tế". Nguy hiểm hơn, ngành giáo dục trên thực tế lại phụ họa cho triết lý giáo dục bảo thủ của xã hội, từ SGK đến phương pháp dạy học... Điều đó dẫn đến tâm lý học để đi thi và "cả xã hội đi thi". |
BÀI ĐỌC NHIỀU