Những ngày qua, sự việc Lưu Thiên Hương bị đồng nghiệp ở Nhạc viện TP.HCM ném điện thoại đang thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và tranh cãi trên mạng xã hội. Bàn luận về câu chuyện này, Tiền Phong có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hoá, chuyên gia truyền thông Ngô Hương Giang.
Ông Ngô Hương Giang cho biết xét một cách khách quan ở góc nhìn dư luận, ồn ào ở Nhạc viện TP.HCM đang thiếu các thông tin từ phía NSƯT Minh Huyền, chỉ có từ phía nhạc sĩ Lưu Thiên Hương. Vì vậy, chúng ta cần bình tĩnh, lắng nghe thêm thông tin từ phía nghệ sĩ Minh Huyền.
Hành vi ném điện thoại là sai nhưng Lưu Thiên Hương chưa chắc đã đúng
Chuyên gia cho rằng câu chuyện giữa hai nghệ sĩ xuất phát từ bất đồng quan điểm về chuyên môn hơn là mâu thuẫn đời tư hay nghề nghiệp. Mà chuyên môn thì rất khó để một cuộc tranh luận ngã ngũ và thuyết phục cả hai bên, nếu không được giải quyết bởi hội đồng chuyên môn.
Theo chuyên gia, mấu chốt ở đây không phải là câu chuyện quan điểm của nhạc sĩ Lưu Thiên Hương về việc “sinh viên dùng laptop xử lý âm thanh, hát beat đã master” đúng hay sai, cũng không phải là sự phủ quyết từ phía nghệ sĩ Minh Huyền là sai hay đúng. Mà theo quy định của nhà trường, hội đồng đánh giá chuyên môn đối với sinh viên có cho phép thí sinh được sử dụng “âm thanh đã được xử lý, hát beat đã master” để đánh giá kết quả học tập của sinh viên hay không?
Có thể nhạc sĩ Lưu Thiên Hương muốn đưa công nghệ, kỹ thuật âm nhạc hiện đại vào môi trường học tập, song nếu nhà trường không có quy định này, mà sinh viên cần phải dựa vào beat nền cơ bản để rèn luyện kỹ năng ứng phó linh hoạt trong các tình huống âm nhạc như nghệ sĩ Minh Huyền nói, thì cũng không thể khẳng định quan điểm của Lưu Thiên Hương đúng được.
Rõ ràng thi cử trong nhà trường và biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp là hoàn toàn khác nhau. Những kỹ thuật sản xuất âm nhạc hiện đại có thể phù hợp với biểu diễn trên sân khấu nhưng chưa hẳn đã phù hợp với việc đào tạo nơi trường quy định. Ngược lại, nếu nhà trường cho phép sử dụng công nghệ, sử dụng beat đã master vào quá trình đánh giá năng lực sinh viên thì sự bác bỏ của nghệ sĩ Minh Huyền đi ngược với quy định của nhà trường.
“Tôi cho rằng với sự việc này cần có tiếng nói từ phía hội đồng chuyên môn trường”, chuyên gia nhận định.
|
Lưu Thiên Hương và NSƯT Minh Huyền trong ồn ào ném điện thoại.
|
Dư luận cần tỉnh táo
Chuyên gia Ngô Hương Giang phân tích thêm mạng xã hội là một kênh truyền thông hữu hiệu. Tuy nhiên nó mang tính cá nhân hóa, đôi khi dẫn dắt dư luận hiểu không toàn diện, thậm chí một chiều, có lợi cho người phát ngôn. Trong câu chuyện này, dư luận cần rất tỉnh táo.
Theo chuyên gia, một sự việc xảy ra trong môi trường giáo dục ngoài việc giữ uy tín nghề nghiệp, thì mỗi cá nhân làm nghề cũng cần phải nghĩ cho học sinh của họ đang học trong môi trường đó.
“Các em học sinh sẽ nghĩ gì khi giáo viên của họ không thể giải quyết được bất đồng chuyên môn trực tiếp mà phải phơi bày nhau lên mạng xã hội? Liệu những em học sinh này sau khi ra trường có học và làm theo các cô giáo của họ? Việc của Lưu Thiên Hương và Minh Huyền không phức tạp đến mức không thể giải quyết nội bộ thông qua hội đồng chuyên môn của trường. Vì nguồn cơn là bất đồng quan điểm chuyên môn.
Còn hành vi ném điện thoại của Minh Huyền cũng không thể chấp nhận được, nhưng cần phải hiểu đây là hành vi tự phát chứ chưa thể kết luận cô giáo này có yếu tố bạo lực học đường như truyền thông phản ánh. Việc Lưu Thiên Hương đưa clip cô giáo Minh Huyền ném điện thoại lên mạng xã hội ngoài việc làm rối tung vấn đề, tạo dư luận xấu, còn có yếu tố ‘triệt hạ’ nhau về danh dự. Điều này cũng phản cảm không kém so với hành vi ném điện thoại”, ông Ngô Hương Giang nhấn mạnh.
|
Chuyên gia Ngô Hương Giang.
|
Sự xấu xí từ hành vi các nghệ sĩ đang ‘ném’ vào nhau
Chuyên gia chỉ rõ việc ném điện thoại về phía đồng nghiệp từ nghệ sĩ Minh Huyền xảy ra trong môi trường giáo dục dù nguyên nhân xuất phát từ đâu cũng vi phạm chuẩn mực của một nhà giáo. Việc Nhạc viện TP.HCM triệu tập cuộc họp xử lý hành vi thiếu chuẩn mực của nghệ sĩ Minh Huyền là có cơ sở.
Tuy nhiên, hội đồng trường cũng cần có một cuộc tra xét về nguồn gốc của vấn đề bất đồng giữa hai nghệ sĩ để công bố cho dư luận. Nếu như cô giáo Minh Huyền đưa ra quan điểm đúng với quy chế thì rõ ràng hành vi giải quyết vấn đề cũng như đăng tải clip của Lưu Thiên Hương chưa phù hợp với quy định nhà trường và mang tính cá nhân.
Còn nếu nhà trường có quy định được sử dụng nhạc beat đã master để đánh giá, phân loại năng lực học sinh thì quan điểm cũng như hành vi của nghệ sĩ Minh Huyền là khó chấp nhận được.
“Theo tôi, dù bất đồng quan điểm chuyên môn hay mâu thuẫn đời tư mà hai phía không tìm được cách giải quyết cần tìm đến đơn vị trọng tài (người thứ 3 có thể là cơ quan chức năng hoặc người có ảnh hưởng, có uy tín về chuyên môn) hơn là phơi bày hành vi của nhau lên mạng xã hội. Ở góc nhìn của tôi, việc kết luận ai sai, ai đúng còn phụ thuộc vào quyết định của Học viện Âm nhạc Quốc gia TP.HCM song sự xấu xí từ hành vi các nghệ sĩ đang ‘ném’ vào nhau trên mạng xã hội là điểm trừ thẩm mỹ trong mắt công chúng rồi”, chuyên gia Ngô Hương Giang nói.
Về hình thức khiển trách với giảng viên, NSƯT Minh Huyền, chuyên gia cho rằng việc kỷ luật một viên chức, một nhà giáo không thể và không nên chỉ dựa vào ý kiến công kích một chiều trên mạng xã hội mà còn là quá trình tìm hiểu các nguyên nhân, động cơ dẫn đến hành vi (nếu có) đó, vì đây là danh dự của một con người, phía sau họ còn có gia đình, nhà trường.
Cần sớm ban hành các chế tài mang tính “phong sát”
Chuyên gia cũng nhấn mạnh sự vụ ồn ào nào rồi cũng sẽ khép lại nhưng ảnh hưởng xấu trong cách ứng xử của các nghệ sĩ với nhau thì mãi ghim ấn tượng không tốt trong lòng công chúng.
“Gốc của nghệ thuật là cái thiện, còn biểu hiện ra bên ngoài là cái đẹp. Những người nghệ sĩ là biểu hiện cao nhất của cái đẹp và cái thiện. Song các biểu hiện ứng xử giữa các nghệ sĩ với nhau mất đi ‘cái đẹp’ rồi thì cái gốc thiện đâu còn nữa. Giới tinh hoa của nghệ thuật không còn ‘thiện’, không còn ‘mỹ’ thì nghệ thuật sẽ phục vụ công chúng như thế nào?
Những nghệ sĩ công kích nhau trực diện, phô bày mọi thói hư tật xấu, ném vào nhau những ngôn từ chát chúa thì sản phẩm họ biểu diễn trên sân khấu sẽ làm đẹp hay phục thiện cho xã hội kiểu gì?”, chuyên gia đặt câu hỏi.
Ông Ngô Hương Giang bày tỏ lo ngại “tấm gương” của các nghệ sĩ trên sẽ ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến những lớp nghệ sĩ trẻ. Họ sẽ xem việc công kích nhau hay nhân danh nghệ thuật để hạ thấp, triệt đường nghề của nhau sẽ là “chuyện thường ngày”. Vậy thì nghệ thuật Việt Nam sẽ đi về đâu nếu được sáng tạo và thể nghiệm bởi những lớp người như vậy?.
“Đã đến lúc cơ quan chức năng cần cứng rắn hơn nữa đối với những hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ. Ngoài việc nhắc nhở, khiển trách thì những cơ quan quản lý văn hóa cần sớm ban hành các chế tài mang tính ‘phong sát’ trên diện rộng đối với các nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn.
Mặt khác, công chúng cũng cần phát huy vai trò của mình trong việc quay lưng lại với những sản phẩm nghệ thuật phản cảm, cũng như với những hành vi ứng xử lệch lạc của nghệ sĩ. Cần trả lại cho nghệ thuật Việt Nam môi trường trong lành, dành đất diễn cho những nghệ sĩ chân chính, tâm huyết với nghề”, chuyên gia nói.
Ngày 12/1, Lưu Thiên Hương đăng tải clip cô bị giảng viên, NSƯT Minh Huyền ném điện thoại vào người khi cả hai tranh cãi vấn đề chuyên môn. Cụ thể, theo Lưu Thiên Hương kể sự việc diễn ra trong đợt thi cuối kỳ của Khoa âm nhạc công nghệ Jazz Pop Rock, NSƯT Minh Huyền không đồng ý việc sinh viên dùng laptop xử lý âm thanh, hát beat đã "master".
Lưu Thiên Hương cho biết cô đã giải thích chuyên môn với NSƯT Minh Huyền nhưng không nhận được sự đồng ý. Do thấy có những câu nói xúc phạm, sai căn cứ nên cô dùng điện thoại quay bảo vệ bản thân. “Chị H. có hành vi ném điện thoại vào người tôi, may mắn tôi tránh được", Lưu Thiên Hương nói.
Trước đó, Lưu Thiên Hương liên tục đăng bài viết bàn về chuyên môn của giảng viên thanh nhạc với ý: "Thật nguy hiểm khi thời nay vẫn có giảng viên thanh nhạc, thậm chí nhạc nhẹ không hiểu master là gì và cấm học sinh thi hát beat đã master".
Cô cũng đăng bài phân tích chuyên sâu về vấn đề nhạc master trên trang cá nhân rồi nhấn mạnh: "Khoa âm nhạc công nghệ Jazz Pop Rock không thể có giảng viên không hiểu về công nghệ như vậy được”.
Hiện, giảng viên, NSƯT Minh Huyền chưa lên tiếng về sự việc. Trong khi đó, Nhạc viện TP.HCM họp khẩn và thống nhất hình thức xử lý giảng viên Minh Huyền là khiển trách.