Trước vụ gia đình NS An Thuyên, VCPMC đã “nóng” chuyện thu tác quyền

Google News

(Kiến Thức) - Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) được thành lập vào năm 2002. Những năm gần đây, VCPMC vướng không ít ồn ào. Mới nhất, VCPMC trở thành tâm điểm khi gia đình nhạc sĩ An Thuyên rút toàn bộ ca khúc khỏi Trung tâm.

Mới đây, gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên bất ngờ chia sẻ đã rút toàn bộ ca khúc khỏi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Gia đình muốn tự bảo vệ, khai thác và phát triển các tác phẩm của cố nhạc sĩ.
Nghệ sĩ Huyền Lâm - vợ của nhạc sĩ An Thuyên tiết lộ khi còn ủy thác việc thu tác quyền ca khúc cho VCPMC, thường một quý, gia đình nhận được khoảng 12-13 triệu, quý cao nhất là 32 triệu, quý thấp là 8 triệu.
Tuy nhiên, nghệ sĩ Huyền Lâm cho hay gia đình không biết rõ số tiền tác quyền VCPMC đã thu như thế nào và từ nơi nào, những ai, đơn vị nào đang dùng tác phẩm của cố nhạc sĩ An Thuyên.
"Ngày trước gia đình đến tận nơi lấy tiền còn được cho xem danh sách tác phẩm. Nhưng từ khi trung tâm trả tiền qua tài khoản, họ nói gia đình xem trên web thì chúng tôi chịu", nghệ sĩ Huyền Lâm chia sẻ.
 Gia đình nhạc sĩ An Thuyên. Ảnh: VOV
Ca sĩ Bông Mai - con gái của nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ thêm từ trước đến nay, VCPMC chỉ làm mỗi việc thu tác quyền thông qua các tác phẩm có sẵn chứ không quan tâm đến những bản thu mới.
"Gia đình chúng tôi nghĩ rằng để khai thác tác phẩm tốt hơn thì phải có sự đầu tư mới. Chính vì không thỏa đáng với cách làm hiện nay của phía VCPMC trong việc khai tác tác phẩm nên chúng tôi quyết định dừng việc hợp tác", Bông Mai nói.
Sau thời gian dài bàn bạc, gia đình nhạc sĩ An Thuyên quyết định rút các ca khúc khỏi VCPMC. Theo gia đình, kể từ ngày 17/1/2018, VCPMC không còn là đại diện quản lý, khai thác quyền tác giả đối với các tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên.
>>>> Mời quý độc giả xem clip "Gia đình nhạc sĩ An Thuyên tuyên bố quyết định rút toàn bộ ca khúc của cố nhạc sĩ khỏi VCPMC". Nguồn: Youtube: 
Việc gia đình nhạc sĩ An Thuyên quyết định rút toàn bộ ca khúc của cố nhạc sĩ khỏi VCPMC để tự bảo vệ, quản lý và phát triển tác phẩm khiến dư luận chú ý. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên VCPMC gây ồn ào.
Năm 2014, VCPMC trở thành tâm điểm của dư luận khi vướng lùm xùm với Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao. Cụ thể, tháng 8/2014, Đồng Đao là đơn vị tổ chức liveshow cho ca sĩ Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Cả 2 liveshow của Khánh Ly đều sử dụng các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được gia đình nhạc sĩ ủy quyền cho VCPMC. Tuy nhiên, Đồng Đao và VCPMC đã xảy ra tranh cãi liên quan đến phí tác quyền các ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Còn nhớ, chỉ ít giờ trước liveshow Khánh Ly tại Hà Nội (2/8), nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC bất ngờ đến tận nơi tổ chức show để đòi tiền tác quyền. VCPMC và Đồng Đao sau đó đã có buổi làm việc riêng với nhau.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đại diện cho VCPMC đưa ra phí 170 triệu đồng chưa bao gồm thuế và Đồng Đao ký cam kết đồng ý trả hơn 170 triệu tiền tác quyền đồng thời hẹn 4/8 có mặt tại VCPMC để đàm phán thêm.
Ồn ào VCPMC và Đồng Đao tiếp tiệc gây xôn xao dư luận khi tối ngày 8/8, ngay trước giờ liveshow Khánh Ly tại Đà Nẵng, nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng trưởng văn phòng đại diện VCPMC ở Đà Nẵng đòi ban tổ chức (BTC) trả tiền tác quyền.
Tuy nhiên, đại diện BTC cho rằng VCPMC không đủ tư cách để đòi tiền tác quyền cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo Đồng Dao, VCPMC thiếu những giấy tờ hợp pháp chứng minh tư cách đại diện của VCPMC với những sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Về lý do chưa thực hiện trả tiền tác quyền sử dụng ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Đồng Dao cho hay mức phí VCPMC đưa ra cao so với thực tế. Về phía nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông khẳng định theo vụ việc đến cùng.
 Nhạc sĩ Phó Đức Phương và đại diện Đồng Đao tranh cãi. Ảnh: Zing
Vụ tranh cãi giữa Đồng Dao và VCPMC phải nhờ đến Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch vào cuộc. Cuối cùng, sau buổi họp, Đồng Dao đồng ý trả 250 triệu đồng cho VCPMC số tiền tác quyền sử dụng ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
VCPMC cũng từng gây ồn ào khi thu tác quyền âm nhạc qua tivi. Cụ thể, vào tháng 5/2017, chi nhánh phía Nam của VCPMC ban hành văn bản đề nghị các khách sạn tại Đà Nẵng trả tiền quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh.
Một loạt chủ khách sạn ở Đà Nẵng lên tiếng phản đối. Các chủ khách sạn cho rằng họ đã trả tiền cho các dịch vụ truyền hình nên đương nhiên sẽ được sử dụng các kênh âm nhạc trên tivi.
Bị dư luận phản đối gay gắt, VCPMC đã quyết định tạm dừng thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi để xây dựng rõ biểu giá thu, đồng thời tuyên truyền để chủ các khách sạn hiểu rõ hơn về cách thức thu tác quyền này.
Tuy nhiên, sau một thời gian tạm ngừng, việc thu phí âm nhạc qua ti vi tiếp tục được triển khai từ tháng 10/2017. VCPMC khẳng định việc làm này là đúng quy định và từ hơn 10 năm nay đã thực hiện tại Hà Nội và TP HCM.
Ngoài ồn ào thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi, VCPMC còn trở thành tâm điểm của dư luận khi tiến hành thu tiền với quán cà phê. Theo đó, không ít chủ quán cà phê yêu cầu VCPMC phải đưa giấy ủy quyền của tác giả thì mới hợp tác.
Trước ồn ào thu phí tại quán cà phê, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho hay trung tâm đại diện cho gần 4000 tác giả trong nước, ký hợp đồng song phương với hơn 60 tổ chức nước ngoài (khoảng 4 triệu tác giả trên thế giới).
Nếu mỗi lần đi thương lượng, ai cũng đòi cho xem giấy ủy quyền thì điều đó là không thể. Tuy nhiên, nếu đơn vị quán cà phê nào có ý kiến thì VCPMC sẵn sàng để họ tiếp cận, có thể mời đến VCPMC để xem giấy ủy quyền.
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, thực tế, VCPMC bắt đầu thu tiền tác quyền đối với các quán cà phê từ năm 2002. Nguyên nhân nhiều chủ quán cà phê không chịu hợp tác là do chưa hiểu rõ quy định.
VCPMC được thành lập vào năm 2002. Đây là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả âm nhạc, cụ thể là đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền âm nhạc đã ký ủy thác quyền cho Trung tâm. Những năm gần đây, VCPMC liên tục vướng ồn ào.
Thu Cúc

>> xem thêm

Bình luận(0)