"Tôi có cảm giác Xuân Bắc đang tát vào mặt khán giả xem Táo quân..."

Google News

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng: "Giải quyết việc này không khó, quan trọng là cái tôi của người nghệ sĩ có được đặt lên trên sự tôn trọng và tình yêu thương của khán giả hay không".

Trao đổi với PV Dân Việt về việc NSƯT Xuân Bắc bóng gió "mắng" khán giả chê chương trình "Táo quân", chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng: "Giải quyết việc này không khó, quan trọng là cái tôi của người nghệ sĩ có được đặt lên trên sự tôn trọng và tình yêu thương của khán giả hay không".

Đoạn viết "Cái tát của mẹ" của NSƯT Xuân Bắc đang gây xôn xao mạng xã hội trong những ngày Tết do nhiều người cho rằng, đây là cách nghệ sĩ thủ vai Nam Tào mắng khán giả xem Táo Quân "ăn cháo đá bát"; chê bai nhưng vẫn ăn "lụt mồm". Đọc chia sẻ của Xuân Bắc, cảm nhận của anh như thế nào?

- Nói một cách công bằng thì chúng ta không thể tuỳ tiện suy diễn và "kết tội" bất cứ ai khi họ thể hiện quan điểm thông qua hình thức "ngụ ngôn", vì nội hàm của câu chuyện là do mỗi người tự soi chiếu đấy thôi. Nhưng việc Xuân Bắc đăng tải một câu chuyện "ngụ ngôn" mà để người đọc dễ dàng suy ra Xuân Bắc đang "đá xoáy" họ, thì họ cũng có quyền đối xử với Xuân Bắc theo đúng cái cảm giác mà họ đang đón nhận. Mà cái cảm giác được tạo ra ở dòng trạng thái của Xuân Bắc không dễ chịu một chút nào, tôi có cảm giác Xuân Bắc đang tát vào mặt khán giả xem "Táo quân", vốn là những người ủng hộ anh, ê-kíp của anh, và tập thể những người làm "Táo quân" nói chung.

Dàn nghệ sĩ tham gia chương trình "Táo quân 2023". (Ảnh: VTV)

Không ít người xem phản ứng lại bài viết của Xuân Bắc và cho rằng, nghệ sĩ là nghề làm dâu trăm họ, thay vì là "bố mẹ" của khán giả, như cách viết của nam nghệ sĩ. Không những vậy, lời lẽ trong bài viết này mang tính trịch thượng, thiếu văn hoá và thiếu tôn trọng khán giả - những người góp phần tạo nên vị trí của nghệ sĩ trong xã hội. Theo anh, quan điểm của họ đúng hay sai?

- Tôi hoàn toàn có cùng cảm nhận rằng lời lẽ trong bài viết (kể cả không gắn nó vào với một sự việc cụ thể) có phần trịch thượng với người đọc. Nó giống như là lời đe nẹt sâu cay, một tiếng rít lên trong cơn nóng giận chứ không phải bài học thâm thuý và ý nghĩa.

Xét về phương diện truyền thông, theo anh, chia sẻ này có gây tác động mạnh tới hình ảnh của một nghệ sĩ hài gạo cội trong lòng công chúng?

- Tất nhiên là có và có rất nhiều. Bài viết của Xuân Bắc, nếu hiểu theo hướng "đá xoáy" những người nhận xét về "Táo quân", thì cách phản ứng ý kiến khen chê như vậy là quá dở, quá cực đoan. Còn nếu dùng nó để soi chiếu với hình ảnh, phong cách từ trước đến giờ của Xuân Bắc thì đã không còn nhất quán. Một Xuân Bắc thông minh, sắc sảo nhưng từ tốn, điềm đạm đã không còn.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, nghệ sĩ Xuân Bắc nên đưa ra lời xin lỗi. (Ảnh: NVCC)

Theo anh, việc đông đảo khán giả phản ứng và đòi tẩy chay Xuân Bắc sau chia sẻ trên có phải là "làm quá", hay đây là cách làm đúng, giúp nghệ sĩ Việt bớt ảo tưởng quyền lực – như chính anh có lần từng chia sẻ?

- Khán giả phản ứng là điều đương nhiên. Nhưng tôi lại thấy không tới mức phải tẩy chay. Vì nếu đúng là Xuân Bắc quá nóng giận khi "Táo quân" bị chê bai, thì cái sự nóng giận đấy, dù không đồng tình, nhưng vẫn có thể đồng cảm dựa trên thấu hiểu. Nếu sau tất cả những phản ứng từ dư luận và báo chí mà Xuân Bắc vẫn kiên quyết chọn cách giữ nguyên quan điểm và hành xử thì khi ấy khán giả cũng sẽ tự ra quyết định có còn cần thiết phải ủng hộ Xuân Bắc nữa hay không.

Việc một nghệ sĩ không giữ được bình tĩnh trước lời khen chê của cộng đồng mạng liệu có thể hiện rằng anh ta không chuyên nghiệp? Hay nó phần nào phản ánh một thực tế rằng: Mạng xã hội với những người ngồi phía sau màn hình đang gây sức ép nặng nề tới các nghệ sĩ?

- Tôi nghĩ là cả hai lý do đều đúng, nếu người nghệ sĩ đó không phải là Xuân Bắc. Bởi vì đây không phải lần đầu tiên nam nghệ sĩ đối diện với những cơn bão khen chê trên internet. Ở tất cả những lần trước, tôi thấy cách xử lý của Xuân Bắc rất điềm đạm và bình tĩnh, cho nên nói rằng nghệ sĩ chịu sức ép tâm lý nặng nề từ mạng xã hội có vẻ không thuyết phục.

"Táo quân" đã có tuổi đời 20 năm, và dù nhận nhiều lời chê bai hàng năm, đây vẫn là chương trình kéo dài, phát sóng trên tất cả các kênh sóng của VTV trong đêm 30 Tết. Liệu sự thiếu đổi mới này có phải là nguyên nhân thổi bùng mâu thuẫn giữa nghệ sỹ và khán giả?

- Tôi chưa từng thấy khán giả có mâu thuẫn gì với các nghệ sĩ góp mặt ở "Táo quân". Đồng ý rằng sau mỗi chương trình sẽ có khen chê, nhưng người ta khen chê chương trình, hoặc khả năng diễn xuất của nghệ sĩ chứ không ai lại vì điều đó mà mâu thuẫn với cá nhân nghệ sĩ. Ở sự việc lần này, sự ghét yêu nếu có dành cho cá nhân Xuân Bắc cũng đến từ chính phát ngôn tạo ra cảm giác dạy bảo một cách trịch thượng của anh, chứ chương trình "Táo quân" không có tội.

Theo anh, sự việc này nên kết thúc như thế nào?

- Nếu là Xuân Bắc, tôi sẽ rút bài và xin lỗi khán giả vì "Việc đăng tải một status dưới dạng thức ngụ ngôn trong thời điểm nhạy cảm sẽ gây ra sự khó chịu không đáng có". Thực ra, giải quyết việc này không khó, quan trọng là cái tôi của người nghệ sĩ có được đặt lên trên sự tôn trọng và tình yêu thương của khán giả hay không thôi.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Theo Yến Linh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)