Giữa cha và con không chỉ có tình yêu bất biến, kỷ niệm không thể quên mà còn vô vàn những cung bậc cảm xúc: tình cảm tri ân sâu nặng, nỗi ân hận muộn màng, niềm thương nhớ khôn nguôi, lòng tự hào không che giấu, sự kiêu hãnh thầm lặng, những niềm đau không dứt và cả những điều bí mật tưởng sẽ “đào sâu chôn chặt”… của những người nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội được gửi gắm qua cuốn sách “Cha và con”.
Là những dòng ký ức và cảm xúc của người con kể lại về cha mình, có những câu chuyện được viết ra trào dâng như cả khối kỷ niệm cùng tràn ùa về. Nhưng cũng có những câu chuyện mà người viết phải đắn đo, phải gồng mình lấy hết can đảm mới có thể bình tĩnh lục lọi lại trong những ngăn tầng kỷ niệm cố tình chôn chặt của mình bóng dáng người cha, để một lần nữa tự mình đối diện với nỗi đau chia xa vĩnh viễn mà thời gian trôi qua dù dài cũng không dễ nguôi ngoai.
“Còn nhiều ký ức nữa, nhưng viết ra lại buồn. Viết về kỷ niệm nghĩ thật dễ, nhớ gì viết đó, nhưng với tôi thật khó khăn, vì lại càng đau, phải chìm mình vào hình ảnh nhạt nhòa của ký ức thời gian. Tất cả, những kỷ niệm về một thời khốn khó” – nhà báo Lưu Minh Vũ xúc động trải lòng.
|
Lưu Minh Vũ (ngoài cùng bên phải) chụp cùng bố - nhà văn nhà thơ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và má - nhà thơ Xuân Quỳnh và em trai Lưu Quỳnh Thơ (tên thường gọi là Mí). |
Phải mất 30 năm sau tai nạn nghiệt ngã vào mùa hè năm 1988 cướp đi cùng lúc cả gia đình gồm bố, má và em trai, đến tận bây giờ nhà báo Lưu Minh Vũ mới lần đầu tiên dám lục lại những ký ức xưa để kể “Chuyện của bố” - những câu chuyện mà ở đó bóng dáng của nhà văn nhà thơ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hiện lên rất ấm áp, hóm hỉnh và đầy yêu thương trong mái ấm với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh cùng các con trai. Dù chỉ là những câu chuyện giản dị như bố trồng cây, bố vẽ truyện tranh, bố viết truyện, bố và xe máy… nhưng cũng khiến người đọc thấy cảm động và thích thú khi có cơ hội biết thêm được những chuyện rất đời của người nghệ sĩ nổi tiếng qua chính góc nhìn từ bên trong ngôi nhà.
Theo PGS.TS Lưu Khánh Thơ, những người cha và người con xuất hiện trong cuốn sách này là các nhân vật tiêu biểu, có vị trí nhất định trong các lĩnh vực đời sống dù khác nhau về tuổi tác, hoàn cảnh xuất thân, nghề nghiệp, địa vị xã hội… nhưng tất cả đều có chung ngọn nguồn sâu thẳm là tình nghĩa cha – con. Từ những câu chuyện riêng tư, những suy nghĩ, tình cảm cá nhân, qua hồi ức, kỷ niệm của một người mà thế hệ sau có thể phần nào nhìn thấy dấu tích của một thời.
Nỗi đau chia xa dù là vài chục năm hay vài năm thì vẫn khiến người ta ứa lòng khi nhớ về, như ca sĩ Bông Mai vẫn luôn đau đáu nhớ ba – nhạc sĩ An Thuyên: “Giờ khi Ba đã ra đi, tôi nghe "Ca dao em và tôi" để thấm thía những mong ước mãnh liệt đến độ phải cắt nửa vầng trăng, chặt đôi câu thơ để được về với người mình yêu. Hơn 20 năm "Ca dao em và tôi" ra đời... Tôi ở lại chốn này, day dứt khôn nguôi muốn được hỏi Ba một câu hỏi duy nhất: Một ngày bằng mấy trăm năm, hỡi Người?”.
Như cái cách mà NSƯT Quế Trân vẫn quen chào ba – NSND Thanh Tòng trước khi đi diễn: “Giờ bàn thờ có thêm hình ba. Lần nào đi diễn tôi cũng đứng thật lâu và ngậm ngùi: “Thưa ba, con đi hát!”… Cái chỗ ngồi trên xe bây giờ thiệt là trống. Những trích đoạn cũ, nhiều lúc ngó qua vẫn như thấy ba múa một đường vũ đạo chờ con gái đi gối đến. Trước khi mất, ba còn lạc quan bảo rằng: “Bên kia đang thiếu vai chờ ba qua hát tiếp”. Ba, như một tượng đài sân khấu để tôi tự hào”.
Là người biên soạn cuốn “Cha và con”, PGS.TS Lưu Khánh Thơ bày tỏ: “Tôi đã đọc các bài viết với tình cảm và hứng thú đặc biệt. Bởi ở đó, ta không chỉ được chứng kiến những suy nghĩ, cảm xúc riêng tư của một cá nhân, mà qua đấy, còn đọc thấy bao vấn đề nhân sinh, thế sự, thấy được mối dây gắn bó kết nối trong từng gia đình, những bước thăng trầm của số phận con người và rộng hơn là thấy được không khí của thời cuộc. Một đời sống của những ngày tháng đã qua hiển hiện thật gần gũi, sinh động từ những câu chuyện chân thật và sự rung cảm sâu sắc của tình cảm Cha – Con”.