Nhà hát Kịch Hà Nội vừa hoàn thành 2 buổi diễn miễn phí chùm hài kịch Oái oăm đời trước khi tổng duyệt và bán vé chính thức.
Khán phòng không được lấp đầy vì lịch diễn thử của chương trình không được thông báo rộng rãi. Nhưng tất cả khán giả có mặt đều ở lại đến phút cuối cùng vì không thể rời mắt trước những tình huống dở khóc, dở cười mà các nghệ sĩ mang lại.
Oái oăm đời là chùm hài kịch do “giáo sư Cù Trọng Xoay” Đinh Tiến Dũng viết kịch bản, NSND Lê Hùng - người được mệnh danh là “quái kiệt của sân khấu đương đại" - dàn dựng.
Chương trình gồm 4 tiểu phẩm là Hiệp hội những người khôn, Phòng tìm duyên, Mày là bố tao và Người giàu cũng khổ với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ hài như: Công Lý, Thu Huyền, Điền Viên, Quân Anh...
|
Một cảnh trong tiểu phẩm Hiệp hội những người khôn. |
Châm biếm “Đêm 7 ngày 3 vào ra chưa kể”
Thời gian gần đây, hài kịch thường xuyên gây cười bằng cách nhắc lại từ khóa được nhiều người sử dụng trên mạng hoặc những câu nói mà dư luận quan tâm, bàn tàn như: “mình thích thì mình làm thôi”, “cạn lời”, “chúng ta không thuộc về nhau”, “tha thu”,…
Mức độ xuất hiện của những câu từ này trong tiểu phẩm hài thậm chí được nhận xét là "dày đặc". Mới đây, trong Quẫn, đạo diễn Trần Lực cũng cho diễn viên thoại một vài từ khóa quen thuộc trong năm để tác phẩm hài kinh điển trở nên gần gũi hơn với khán giả trẻ.
Tuy nhiên, khi dàn dựng chuỗi hài kịch Oái oăm đời, NSND Lê Hùng lại hạn chế tối đa “thủ pháp” này. Trong 4 tiểu phẩm do ông dàn dựng chỉ có duy nhất một “từ khóa” được nhắc lại đầy châm biếm đó là câu nói “đêm bảy, ngày ba, vào ra chưa kể” của tỷ phú Hoàng Kiều.
Đây là một câu nói trong dân gian để ví von chuyện "yêu". Thành ngữ này vốn đã ít được nhắc đến nhưng khi tỷ phú Hoàng Kiều sử dụng để minh họa cho sự hòa hợp với Ngọc Trinh, câu nói bỗng dưng được nhiều người chia sẻ trên mạng, dù báo chí đều không buồn nhắc đến vì “quá nhảm”.
Thế nhưng, khi “từ khóa” này xuất hiện trên sân khấu hài kịch, qua bàn tay của Lê Hùng, nó bỗng từ tầm thường trở nên hóm hỉnh.
Trong tiểu phẩm Hiệp hội những người khôn với nội dung nói về sự giả dối. Diễn viên Điền Viên vào vai một bà nuôi vịt, lợn và câu nói “đêm bảy, ngày ba, vào ra chưa kể” hóa ra là một “thủ thuật” vỗ béo động vật, gia cầm bằng hóa chất.
“Quy trình chăn nuôi của nhà em là đêm bảy, ngày ba, vào ra chưa kể”, khán giả cười ồ.
Nữ nhân vật nói tiếp “Đêm bảy là mỗi đêm em mang đàn vịt ra sấy 7 lần. Ngày thì em tiêm 3 lần hóa chất, còn vào ra chưa kể là cứ rảnh lúc nào là em lại cho ăn cám tăng trọng”, khán giả vẫn cười nhưng sau đó không khỏi ngỡ ngàng.
Sau khi nhắc lại câu nói của Hoàng Kiều để lên án vấn nạn thực phẩm bẩn và sự giả dối trong việc nuôi trồng, ở tiểu phẩm thứ 2 với tên gọi Phòng tìm duyên, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, tên nhân vật nữ chính là Ngọc Trinh.
Ngọc Trinh là một cô gái xinh đẹp với dáng đi đầy quyến rũ. Thế nhưng, “ma xui quỷ khiến” thế nào, cô lại chẳng có nổi một tấm chồng. Trinh đến Phòng tìm duyên – một địa chỉ chuyên môi giới tình cảm, hôn nhân – với mục đích “thoát ế”.
Trinh được giới thiệu hết người này đến người khác nhưng không thành. Cuối cùng, nữ nhân vật nhận ra, người hợp với mình nhất không phải đại gia hay chàng trai 6 múi mà là cậu bạn “khố rách áo ôm” từ thưở học trò. Cảnh cuối, hai người ôm nhau khóc.
Điểm sáng của sân khấu hài thủ đô
Khán giả cười sảng khoái với các tình huống dở khóc, dở cười mà các nghệ sĩ mang lại. Lâu lắm, sân khấu thủ đô mới lại có một chùm hài kịch không những cân bằng được tính giải trí mà còn gửi gắm những thông điệp xã hội sâu sắc.
Oái oăm đời vừa không nặng nề về nội dung như một số tác phẩm hài miền Bắc mắc phải, vừa không nhảm nhí như một số kịch bản đang chạy theo.
Cả 4 tiểu phẩm đều không có nhân vật nào gây cười bằng tạo hình răng vẩu, nói ngọng hay giả gái - điều quá quen thuộc ở thị trường hài hiện nay. Các diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội tỏ ra văn minh trong việc diễn xuất và hóa trang. Nghệ sĩ không cần gồng mình hay tọc mạch đời tư người nổi tiếng vẫn cuốn hút được người xem.
|
Một cảnh trong tiểu phẩm cuối Người giàu cũng khổ với sự tham gia của NSƯT Công Lý. |
Trong bối cảnh đìu hiu của sân khấu miền Bắc, chùm hài kịch Oái oăm đời được xem là một điểm sáng. Những vấn đề đặt ra trong các tiểu phẩm như Hiệp hội những người khôn hay Người giàu cũng khổ đầy tính thời sự.
Khán giả cười ngay tại rạp. Nhưng chưa hết, họ vẫn có thể để dành về nhà suy ngẫm và tiếp tục cười – đúng kiểu quen thuộc của hài kịch miền Bắc.
“Một thời gian dài, tôi không đi xem kịch hài tại các nhà hát. Nhưng khi xem Oái oăm đời, tôi rất thích thú. Đó là một chùm hài kịch hấp dẫn trong thời điểm sân khấu khan hiếm kịch bản và thưa vắng khán giả. Tôi cười từ đầu đến cuối và đặc biệt yêu thích cách châm biếm nhẹ nhàng mà sâu sắc của Lê Hùng”, một khán giả bình luận.