Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Hường sinh năm 1967 ở xã Cách Bi (Quế Võ, Bắc Ninh). Chị được biết đến là một trong những nghệ sĩ hát quan họ được nhiều người yêu mến bởi giọng hát tự nhiên mộc mạc và đầy sức sống.
Được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 45
Năm 2012, Thúy Hường được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 45. Chị cũng là NSND trẻ nhất trong 74 NSND của cả nước được phong tặng danh hiệu năm 2012.
Được phong danh hiệu NSND nhưng theo chị, giữ được tình cảm, sự yêu mến của khán giả mới là điều quan trọng nhất. Chính vì thế, chị luôn giữ mình trong khuôn phép, cố gắng để mang đến công chúng hình ảnh một người nghệ sĩ không chỉ có tài năng, nhan sắc mà còn là một nghệ sĩ có đạo đức trong lòng khán giả.
Cũng trong năm 2012, NSND Thúy Hường làm giảng viên thuộc khoa Dân ca quan họ tại Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh.
NSND Thúy Hường đã ra mắt một số album như: Người ở đừng về; Lúng liếng; Nhớ mãi khôn nguôi; Cắp nón đón đò; Bạn tình ơi; Lý giao duyên; Cây trúc xinh.
|
Nghệ sĩ Thúy Hường được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân năm 45 tuổi. Ảnh: FBNV
|
Dù không đào tạo về diễn xuất nhưng chị đã có tới 3 vai chính điện ảnh, trong đó đáng kể nhất là vai chính của Thương nhớ đồng quê - một tác phẩm thuộc loại kinh điển của điện ảnh Việt Nam.
Chuyện đời giống hệt Ngữ trong Thương nhớ đồng quê
Chính những trải nghiệm của bản thân đã giúp NSND Thúy Hường "đóng như không diễn" vai Ngữ trong phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Chị từng tâm sự: "Hường là hồng nhưng chưa chắc hồng đã sướng, nhiều khi truân chuyên lắm".
Theo NSND Thúy Hường từng cho biết, chị "mê" vai Ngữ trong phim Thương nhớ đồng quê từ khi đọc kịch bản. Đặc biệt, chị thấy Ngữ có nhiều điểm chung với mình: "Tôi không diễn giỏi như người ta nghĩ, mà chỉ vì vai Ngữ ấy quá giống tôi. Cầm kịch bản trên tay, tôi đã giật mình, không hiểu sao cuộc đời, sự truân chuyên, cam chịu đàn bà và nỗi bất hạnh của Ngữ lại giống mình thế. Cảm giác như đạo diễn Đặng Nhật Minh đang viết về chính cuộc đời của mình.
Khi đóng phim, hầu như tôi không phải quay đúp hai, kể cả đúp khó nhất đạo diễn chọn quay khi khai máy là cảnh Ngữ khóc trong bếp, nói với mẹ chồng: “Anh ấy lừa con, anh ấy bỏ con, giam chân con ở nhà để đi lấy vợ hai”. Đang quay, bất ngờ anh Minh hô cắt và nói: “Không còn gì để nói, không quay lần thứ hai nữa!”.
|
NSND Thúy Hường trong phim Thương nhớ đồng quê. Ảnh: FBNV
|
NSND Thúy Hường cho biết thêm, thời điểm đó, không ai trong đoàn làm phim biết chị đã khóc với cuộc đời của chính chị.
Kể lại kỷ niệm khi đóng phim Thương nhớ đồng quê, mới đây, NSND Thúy Hường cho hay, trong những cảnh quay đầu, đạo diễn Đặng Nhật Minh không cho chị cầm bất cứ gì, kể cả gương. Hồi đó, đạo diễn bảo nhân viên đoàn phim hóa trang cho NSND Thúy Hường "già hơn, môi thâm, đen" nhưng không cho soi gương.
Tò mò không biết mặt mũi mình ra sao, NSND Thúy Hường đã soi gương trộm, thấy mình xấu quá. Khi ấy còn trẻ, chị đã sốc và khóc vì thấy mình xấu quá. Lúc ấy, quay phim đi qua thấy nữ nghệ sĩ khóc nên đã tận dụng luôn tâm trạng của chị để thực hiện cảnh khóc đưa vào phim.
Đó là cảnh cô Ngữ ngồi nấu cơm dưới bếp với mẹ và nói chuyện chồng có người khác: "Không có lửa làm sao có khói, anh ấy có vợ hai, anh ấy bỏ con rồi mẹ ạ…" Lúc đó, Thúy Hường khóc nức nở. Ê-kíp quay đúng một lần "ăn" ngay.
NSND Thúy Hường cho biết, khi được đạo diễn Đặng Nhật Minh chọn chị đóng vai Ngữ phim Thương nhớ đồng quê là một niềm vinh dự và tự hào lớn trong cuộc đời chị. Nữ nghệ sĩ cũng cho biết, cuộc đời Ngữ trong phim có phần nào đó gắn liền với chị trong cả đời thực.
Những năm gần đây, người ta lại gặp Thúy Hường ở một “sân chơi” khác, đó là khi chị tận dụng lợi thế của mạng xã hội để đưa những chương trình biểu diễn và hướng dẫn cách hát một số bài hát quan họ lên kênh YouTube của mình. Kênh YouTube của chị hiện nay có hơn 8 nghìn người đăng ký và mỗi clip chị đăng lên có hàng trăm người bình luận.
Cùng với kênh YouTube, chị sử dụng Facebook của mình như một kênh thông tin hữu hiệu để lan tỏa tình yêu, trách nhiệm với quan họ. “Đi biểu diễn ở nhiều nơi, tôi được biết nhiều khán giả rất muốn tìm hiểu sâu về quan họ, được hát thành thạo một vài bài hát quan họ nhưng chưa có ai hướng dẫn cụ thể. Bởi thế, tôi đã lập kênh YouTube để không những biểu diễn mà còn truyền đạt lại cách hát một số bài hát quan họ quen thuộc. Thật xúc động là nhiều người đã để lại bình luận ở kênh, rằng cách dạy của tôi thật dễ đi vào lòng người và họ đã tập theo được”, nữ Nghệ sĩ Nhân dân trải lòng.
Tâm huyết, đắm đuối với quan họ, Thúy Hường không còn nhớ mình đã thực hiện bao nhiêu buổi biểu diễn, đến bao nhiêu nước và được gặp gỡ, trò chuyện với bao nhiêu khán giả. Chỉ biết rằng, mỗi lần biểu diễn là chị được làm công việc mà mình vô cùng yêu thích, đó là lan tỏa tình yêu quan họ tới mọi người. Nhưng cũng có trường hợp chính khán giả đã tiếp thêm niềm tin, trách nhiệm với quan họ cho nghệ sĩ Thúy Hường.
|
NSND Thúy Hường tại LHP châu Á Đà Nẵng vừa qua. Ảnh: FBNV
|
Gần 40 năm làm nghề, NSND Thúy Hường đã trải qua công việc ở nhiều đơn vị. Khi ở Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc, khi chị lăn lộn khắp nơi để học hỏi và biểu diễn. Khi về dạy ở Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh, chị dốc hết vốn liếng để truyền đạt lại cho các học trò. Chị luôn ý thức được rằng, để quan họ trường tồn và lan tỏa thì cần gây dựng một đội ngũ nghệ sĩ kế cận hùng hậu. Bởi vậy, thời gian công tác tại trường, chị đã nghiên cứu cách dạy và truyền lửa để học trò dễ hiểu, dễ cảm thụ nhất.
Hiện nay, ở cương vị Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, chị không còn nhiều cơ hội để biểu diễn, giảng dạy quan họ nhưng trách nhiệm thì vẫn vẹn nguyên. Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Hường đóng vai trò cầu nối giữa các hội viên nhằm tạo nên một tổ chức hội nghề nghiệp thật sự gắn bó, đoàn kết, yêu thương.