Lê Tuấn Anh nói gì về chuyện bị đào thải khỏi showbiz?

Google News

Theo lời kể của Lê Tuấn Anh, việc rút khỏi showbiz hoàn toàn là lựa chọn cá nhân, chứ không hề có chuyện "đào thải".

Cùng thời với Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh... Lê Tuấn Anh là một trong những cái tên đình đám của màn ảnh Việt những năm 90.
Anh tham gia hầu hết trong các phim nổi tiếng thời bấy giờ như: Riêng chỉ có anh, Hải đường trắng, Em lại về với biển, Vị đăng tình yêu 1,2, Người về từ nghìn trùng, Nhịp đập trái tim,…
Thời đó, tên tuổi anh gắn liền với dạng vai công tử đẹp trai, hào hoa, lãng tử nhưng lạnh lùng và tàn nhẫn.
Đóng xong bộ phim "Gió qua miền tối sáng" năm 1998, anh lặng lẽ giã từ màn ảnh. Sau đó, tiếp tục cống hiến với vai trò đạo diễn nhưng chỉ trong một thời gian ngắn và sau đó rút hoàn toàn khỏi giới showbiz.
Le Tuan Anh noi gi ve chuyen bi dao thai khoi showbiz?
 Vẻ ngoài lãng tử nhưng lạnh lùng của Lê Tuấn Anh thời trẻ.
Gần đây, những bức ảnh già nua hiện tại của "chàng lãng tử" nổi tiếng một thời này chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng vì ngoại hình hiện tại Lê Tuấn Anh đã thay đổi khá nhiều.
Đồng thời, cũng xuất hiện những thông tin cho rằng rằng nam diễn viên này đã bị "đào thải" trước quy luật khắc nghiệt của nghệ thuật.
Đối diện với những lời bình luận và những thông tin thiếu chính xác đó, Lê Tuấn Anh cảm thấy khá buồn và chọn cách trút tâm sự trong một status dài trên trang cá nhân.
Theo lời kể của nam diễn viên, thì việc anh rút khỏi showbiz hoàn toàn là lựa chọn cá nhân, chứ không hề có chuyện "đào thải".
Chính bản thân anh đã từ bỏ hào quang, danh vị "sao" và mức cát-xê cao ngất ngưởng đó. Vậy nên, anh muốn giãi bầy tâm sự của mình khi bị "đụng đến cái góc nhỏ mà trong sâu thẳm mình tự hào".

Le Tuan Anh noi gi ve chuyen bi dao thai khoi showbiz?-Hinh-2
 Lê Tuấn Anh hiện nay.
Lê Tuấn Anh viết: "Cuối năm 1996, sau khi kết thúc bộ phim "Gió qua miền tối sáng" (phim sitcom đầu tiên của truyền hình Việt Nam), mình quyết định giã từ nghiệp diễn, bẻ nhánh cuộc đời mình sang một hướng khác.
Khi đó mình 27 tuổi (tới năm 2003, mình mới lập gia đình ).
Giã từ màn ảnh, mình chỉ muốn khán giả lưu giữ những khoảng khắc đẹp về mình. Khi xét mình không còn có thể cống hiến được bằng khả năng một cách tốt nhất thì mình dừng lại.
Mình vì khán giả, những người yêu mến mình, không muốn họ phải thất vọng... Đó không phải là minh chứng cho sự tôn trọng khán giả hay sao?
Mình ra Hà Nội, làm từ trợ lý, đến phó đạo diễn, ăn cùng mâm, ngủ nhờ nhà dân, hoà nhịp với anh chị em trong đoàn phim, rũ bỏ sạch hình ảnh "ngôi sao", làm một người như mọi người.
Dưới sự dìu dắt của người anh, người thầy đạo diễn NSND Khải Hưng (người đã chuyển hướng rất sâu sắc đến nhận thức, tư duy của mình) mình làm bộ phim đầu tay "U Thỏn" với sự đam mê, nghiêm túc.
Bộ phim nhận được sự đồng cảm của số đông khán giả trung niên, làm mình vô cùng hạnh phúc.
Sau đó mình chính thức học đạo diễn, cùng lớp với mình một số anh chị giờ đã làm ở vị trí lãnh đạo các đài tỉnh, một số là đạo diễn nổi tiếng hiện nay.
Vào học được các thầy bổ sung thêm cho nhiều kiến thức, mình cảm thấy thật sự trưởng thành nhờ những năm tháng học và làm nơi đất Bắc.
Năm 1998, mình bắt tay vào làm bộ film thứ hai "Dấu chân thầm lặng" (lúc đang học năm thứ 2). Mình may mắn có được một ê kíp ăn ý.
Dù điều kiện làm việc thuở đó rất kham khổ, nhưng anh em đều chung đam mê, cháy lửa với đứa con tinh thần.
Bộ phim này sau khi phát sóng cũng được nhiều sự ủng hộ của khán giả và anh em đồng nghiệp.
Những năm cuối học đạo diễn, mình làm bộ phim "Chung một mái nhà". Đây là bộ phim mình tâm huyết, kì vọng.
Tuy nhiên, vì những lý do chủ quan và khách quan, mình ko thật sự ưng ý khi làm xong, dù phim sau khi chiếu vẫn được khán giả khen ngợi.
Phim này mình tự đánh giá là một thất bại của mình. Mình ghét kiểu một số đạo diễn khi làm phim dở là đổ thừa hoàn cảnh, đổ thừa diễn viên.
Diễn viên không có lỗi, họ chỉ là nguyên liệu, còn việc chế biến là do anh, anh làm cái bánh không ngon là do anh chứ ko phải do bột.
Mỗi một phim mình làm mình đều xem đó là đứa con tinh thần, làm với sự đam mê cháy bỏng, hết sức nghiêm túc.
Thời bao cấp làm một phim có khi mất một đến hai năm, có ngày ra quay chỉ một cảnh rồi về. Dòng phim thị trường lúc mình còn làm diễn viên thì hơn một tháng đến hai tháng.
Lúc mình làm đạo diễn thì một phim giai đoạn tiền kỳ mất khoảng 8 đến 10 ngày. Do tánh mình cẩn thận và hay chau chuốt từng cảnh nên mất ít nhất là 12 đến 15 ngày. Gần gấp đôi người ta.
Thương anh em đồng đội cùng đi làm vất vả, lẽ ra quay nhanh hơn thì họ có thể nhận phim khác. Điều đó làm mình day dứt, dù phim nào cũng thế, ngoài tiền đạo diễn, mình còn bù thêm.
Mình có điều kiện kinh tế để đam mê, nhiều anh em khác còn gia đình, cuộc sống... thù lao lúc đó rẻ mạt, khó buộc họ phải giống như mình được.
Làm ào ào cho xong thì mình không làm được, mình làm không phải vì tiền, mà vì đam mê. Làm nhanh mà phim vẫn hay thì khả năng mình quá kém nên ko thể làm được.
Day dứt đó cộng với sự thất vọng về bộ phim thứ 3 dẫn đến quyết định là mình tạm rút lui, ẩn dật và nhảy ra làm ăn.
Và từ đó đến nay, mình gần như xa hẳn giới showbiz. Sau khi sân khấu của vợ mình hoạt động ổn định, mình chỉ âm thầm góp ý cho tốt hơn, chứ cũng không lui tới trừ những lúc quá cần thiết.
Cũng có rất nhiều lời mời, từ việc đóng phim đến đạo diễn, biết bao nhiêu lần báo chí, chương trình truyền hình, muốn gặp để viết bài, mời tham gia show mình đều từ chối khéo.
Nhiều bạn bè đồng nghiệp cũ muốn thắp lửa nghề nghiệp lại cho mình, nhưng mình có lẽ đã nguội mất rồi.
Nghe nói thời bây giờ, làm phim quay một ngày xong một tập. Đạo diễn "giỏi" ngày làm tới hai tập, quá siêu, mình kính phục, mình không thể làm được.
Lẽ ra những chuyện này không bao giờ mình kể, mình đã im lặng trước bao thị phi, chẳng quan tâm đến những lời khen chê sau lưng.
Mình không hoàn toàn là người tốt nhưng luôn cố gắng sống tốt, đàng hoàng, luôn cố gắng làm ăn chân chính, hạnh phúc bên gia đình, tình nghĩa với họ tộc, với huynh đệ bằng hữu, dư dả thì tìm đến sẻ chia với những người bất hạnh.
Nói chung là mình bằng lòng với cuộc sống hiện tại.
Mình đã từng nổi tiếng nên không có nhu cầu nổi tiếng nữa, nếu không nói là mình sợ nổi tiếng. Và cũng 50 tuổi, già xấu đối với mình cũng chẳng quan trọng, mình chẳng để ý chăm chút đến ngoại hình từ lâu lắm rồi.
Đi ra đường nếu không có việc quan trọng thì cứ quần sooc, dép lê là thoải mái nhất. Mình đọc dòng chữ "đào thải" mà cười nhếch mép.
Ngược lại đó chứ, mình tự hào vì mình đã dám từ bỏ hào quang cám dỗ với bao nhiêu quyền lợi, cát xê cao ngất, từ bỏ danh vị "sao" mà nhiều người ham muốn khi mình còn rất trẻ".
Theo Trí thức trẻ

Bình luận(0)