Sân khấu Trịnh Kim Chi ra đời chỉ vài tháng trước Tết 2016, nhưng ngay lập tức đã gây chú ý từ công chúng qua hai vở kịch đồng tính tính là Một nửa đàn bà, và Một nửa đàn ông.
|
NSƯT Trịnh Kim Chi diễn xuất rất tốt trong vở Một nửa đàn ông |
Nếu vở Một nửa đàn bà, bà bầu Trịnh Kim Chi gây hiệu ứng mạnh khi đưa người chuyển giới lên sân khấu, thì vở Một nửa đàn ông khai thác sâu vào tâm tư của những chàng bóng kín.
Nhân vật chính trong Một nửa đàn ông là Phong (Tân Nhã), một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Anh yêu và tiến tới hôn nhân với một nữ diễn viên tên tuổi (NSƯT Trịnh Kim Chi thủ vai). Ngay trong lễ tân hôn của mình, anh đã ngã vào lòng một chàng trai miền núi 18 tuổi. Người vợ phát hiện ra sự thật phũ phàng trong tận cùng đau khổ. Phong đã ra đi với chàng trai nhưng anh vẫn dõi theo cuộc sống của người vợ và đứa con sơ sinh của mình.
Cái hay của vở Một nửa đàn ông là cái kết rất cảm động của tác giả và đạo diễn Hữu Tiến. Cái kết này khiến cho câu chuyện khởi đầu có vẻ như cũ kỹ trở nên hấp dẫn và lắng đọng. Sức hấp dẫn của vở diễn còn được cộng thêm qua diễn xuất rất tinh tế của NSƯT Trịnh Kim Chi trong vai người vợ. Vở diễn có sự tham gia của NSƯT Tú Sương và diễn viên gạo cội Tấn Thi.
Trong năm 2015, sân khấu kịch Hồng Vân địa điểm Supperbowl cũng khá thành công với vở Phòng trọ 3D. Từ hiệu ứng khá tốt này, dịp Tết 2016, bà bầu Hồng Vân tung ra phần hai của Phòng trọ 3D với sự tham gia của Minh Nhí, Long Nhật, Minh Dũng, Tấn Thành, Hòa Hiệp cùng dàn diễn viên trẻ. Vở diễn có nhiều tình huống cười thú vị, các nghệ sĩ cũng tung ra nhiều miếng hài bất ngờ. Tuy nhiên, điều đọng lại trong tâm trí người xem là tình người thấm đẫm trong cộng đồng những người đồng tính nam.
|
Nghệ sĩ Minh Nhí, Minh Dũng và Long Nhật vừa khiến khán giả cười vừa làm rơi nước mắt trong vở Phòng trọ 3D phần hai. |
Ở đó, cho dù có sự tị hiềm, ganh ghét nhưng sau cùng họ biết yêu thương và hết lòng bảo vệ nhau hơn cả tình máu mủ. Do đó, xem vở diễn khán giả không bị phản cảm bởi việc mượn hình ảnh đồng tính để chọc cười kiểu rẻ tiền mà cảm nhận được khát khao sống tốt đẹp của con người.
Năm nay sân khấu Idecaf dựng lại vở kịch Tấm Cám. Trong vở diễn này, NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu cải trang phụ nữ. Việc đàn ông cải trang đàn bà trên sân khấu vài năm qua được báo chí mổ xẻ, bình phẩm khá nhiều. Lý do là trong các vai diễn phụ nữ ấy diễn viên nữ vẫn có thể đảm nhiệm tốt chứ không nên lạm dụng đàn ông giả gái. Tuy nhiên, trong vở Tấm cám ra mắt trong dịp Tết của Idecaf việc NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu ngoài việc tạo nên tiếng cười còn chuyển tải một thông điệp mà khi xem khán giả sẽ nhận ra.