Hài nhảm vài người bán, vạn người mua: Nói tục cũng ra tiền

Google News

Nghệ sĩ mải chạy theo guồng quay của game show, diễn hài theo kiểu “ăn xổi”, lạm dụng việc giả trai, giả gái, tạo hình nhân vật xấu xí để gây cười.

Nói tục cũng được tiền (!?)
Đó là lời cảm thán của rất nhiều khán giả sau khi xem gala Thách thức danh hài mùa 3, lên sóng vào cuối tháng 2, với phần diễn hài “nhạt”, nhưng vẫn đăng quang quán quân, có được phần thưởng 150 triệu đồng của thí sinh Lê Tấn Lợi. Có người còn bức xúc nói rằng: “Hài gì mà dễ dãi thế?”.
Nhiều người bày tỏ sự thất vọng với Trấn Thành – giám khảo của chương trình - và cho rằng anh cười quá dễ dãi. Tại những vòng thi trước, khi mà Lê Tấn Lợi chưa kịp diễn gì, hay chỉ nói có một câu, cùng điệu bộ rụt rè, gãi đầu gãi tai, Trấn Thành đã cười nghiêng ngả, giúp Tấn Lợi giành được hàng trăm triệu đồng từ chương trình. Trong đêm gala chung kết, khi Trường Giang gần như vô cảm từ đầu đến cuối trong phần thi của Lê Tấn Lợi (đó cũng là biểu hiện của số đông khán giả) thì Trấn Thành lại liên tục cười.
Hai nham vai nguoi ban, van nguoi mua: Noi tuc cung ra tien
Nhiều khán giả kêu gọi cơ quan chức năng nên kiểm duyệt chặt chẽ và sàng lọc các game show trên truyền hình (ảnh: TL). 
Đương nhiên không ai có quyền ngăn Trấn Thành cười, vì đó là phản ứng tự nhiên của con người trước một việc gì đó. Nhưng vì fomat của chương trình Thách thức danh hài, ở vị trí giám khảo, nên tiếng cười của Trấn Thành lại được “quy ra tiền”. Và khi nụ cười đáng giá hàng trăm triệu, nếu không “đặt” đúng lúc, thì đương nhiên sẽ gây tranh cãi. Nhưng dù gì, với một chương trình thực tế, việc những người tham gia tạo được hiệu ứng truyền thông, gây chú ý với khán giả ở cả nghĩa tích cực và tiêu cực, đã được coi là một thành công. Khán giả cứ chỉ trích, thì thí sinh Lê Tấn Lợi vẫn cứ giành được tiền, Thách thức danh hài bỗng trở thành từ khóa hot và nhà sản xuất vẫn thu lợi.
Với vở diễn chuyên đề “gặp con rắn” ở Thách thức danh hài, Lê Tấn Lợi vượt qua ban giám khảo ở 4 vòng đầu, vòng thứ năm nếu nghiêm túc hơn, tiết mục gọi vợ chưa cưới dung tục sẽ bị cắt đi ở khâu kiểm duyệt. Còn đằng này nhờ từ đó mà thí sinh chọc cười được Trấn Thành và sau đó chính Trấn Thành lại nói: “Có ai lên truyền hình mà thả chữ đó như nó không”? Biết là không nên, nhưng Trấn Thành vẫn cứ cười và phần thi vẫn cứ lên sóng.
Những ngày qua khán giả bức xúc, nhưng nếu nhìn qua một loạt chương trình hài trên truyền hình thời gian qua, có thể thấy việc dùng yếu tố dung tục để gây cười đã trở thành thói quen. Và càng nguy hiểm hơn khi các diễn viên hài nói tục mà cứ như không, tục mà không biết là tục. “Bí mật đêm chủ nhật” mùa thứ hai có không ít cảnh sờ soạng nhau, giữa những nghệ sĩ Hồng Đào, Vân Sơn, Trấn Thành, Long Nhật. Rồi trong một chương trình hài, Trấn Thành còn hồn nhiên ví bạn diễn là chó. Khoảng cách giữa chân thực và dung tục trong hài kịch rất gần nhau. Nhất là hài kịch trên truyền hình, đối tượng khán giả đa dạng, không chỉ người trên tuổi vị thành viên mà cả trẻ em, người già đều theo dõi. Thử hỏi, người xem sẽ học được gì từ những game show gây cười bằng sự nhảm nhí đó? Nhiều khán giả còn kêu gọi cơ quan chức năng nên kiểm duyệt chặt chẽ và sàng lọc các game show truyền hình vô bổ, nhất là những chương trình hài có nhiều yếu tố dung tục, nhảm nhí để lấy chỗ cho những chương trình mang tính giáo dục.
Tục và thanh: Ranh giới mong manh!
Sự bùng nổ của game show hài trên sóng truyền hình có thể nói là mảnh đất màu mỡ giúp những gương mặt tiềm năng có cơ hội thể hiện bản thân. Nó cũng tạo đất diễn và tìm kiếm thêm những gương mặt mới cho đội ngũ những người mang tiếng cười đến cho khán giả. Cũng vì có nhiều đất diễn, tham show, mà đôi khi diễn viên không đủ thời gian để sáng tạo ra những tác phẩm chất lượng, nên cứ loanh quanh dùng những lối diễn cơ học, kịch bản cũ.
Nhiều năm nay, trong các sản phẩm hài của nghệ sĩ phía bắc, luôn thấy sự xuất hiện của những nhân vật có tạo hình xấu xí, răng hô, gương mặt biến dạng, hay lấy một tật xấu của người nông dân để gây cười. Những lối diễn này bị lạm dụng quá nhiều. Trong khi trước đây, hài chính luận, với những tình huống đả kích sâu cay đã trở thành “thương hiệu” của hài Bắc, nhưng hiện nay dần vắng bóng, hoặc cố làm nhưng chưa tới, chưa chuyển hóa nội dung thành tiếng cười sảng khoái.
Còn phía Nam, vì game show hài phát triển mạnh, khó khăn trong việc gây cười bằng những tình huống hài, các nghệ sĩ bắt đầu chuyển sang khai thác đời tư của nhau, lạm dụng việc giả gái, giả trai trong các tác phẩm. Hiện tượng này đã bị coi là một trong những tồn tại của văn hóa năm 2016. Sang năm 2017, việc lạm dụng lối diễn này vẫn chưa giảm, chưa kể các diễn viên, vì muốn diễn theo lối dân dã, gần gũi, mà dùng những lời lẽ dung tục, nhảm nhí.
Nghệ sĩ Hoài Linh từng cho rằng, hài mà không tục là mất gốc. Hoài Linh còn viện dẫn kho tàng truyện dân gian Việt Nam để chứng minh “hài hước truyền thống của người Việt luôn gắn liền với phong cách “đố tục giảng thanh”. NSƯT Xuân Hinh cũng cho rằng: “Tục hay không do cái đầu của mình nghĩ. Nó cũng giống như khi xem một bức tranh khỏa thân, nếu nhìn nó bằng con mắt tục thì nó sẽ tục. Ngược lại, nếu nhìn góc độ thẩm mỹ thì nó là một bức tranh nghệ thuật”. Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng có thể dung hòa được “tục” và “thanh”, để mang đến những tác phẩm sâu sắc, thâm thúy cho khán giả. Nó phụ thuộc vào tầm và tài của người nghệ sĩ.
Và vấn đề giới hạn của sự dung tục và tinh tế trong hài kịch vẫn là câu chuyện đang gây tranh cãi, khi mới đây danh ca Hương Lan đã bỏ về giữa chừng trong lễ cưới của một đồng nghiệp, vì cho rằng hai danh hài Hoài Tâm, Việt Hương diễn hài thô tục. Nhiều khán giả đồng tình với Hương Lan khi cho rằng: Hài Việt Nam thật sự rất mất điểm, các chương trình, game show hài đang đi vào lối mòn khi thường xuyên sử dụng câu chuyện, ngôn ngữ tục tĩu. Điều này chỉ khiến khán giả ấn tượng không hay về phông văn hóa, cũng như sự chuyên nghiệp của các nghệ sĩ.
Theo Bích Hà /Lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)