Cuộc cạnh tranh khắc nghiệt bên trong lớp đào tạo ca sĩ

Google News

Những mô hình đào tạo thần tượng Hàn Quốc nhân rộng ở nhiều quốc gia châu Á, họ được học từ cách hát, nhảy, tạo dáng, ứng xử… nhưng chưa chắc đã có cơ hội lọt vào mắt xanh của các công ty giải trí xứ củ sâm.

Fung (20 tuổi, Hong Kong, Trung Quốc) tự nhận là người nhút nhát, nhưng khoảnh khắc ca khúc Shut down của BlackPink vang lên, cô như biến thành người khác. Bốn năm trước, Fung không nghĩ rằng bản thân có thể tự tin nhìn vào gương tập nhảy. Ước mơ trở thành thần tượng Kpop nung nấu, thôi thúc cô thay đổi mình.

Để bắt đầu từng bước biến ước mơ thành hiện thực, Fung tìm đến chương trình thực tập sinh thần tượng Kpop tại Friends Junction Dance Company, một trong số ít các phòng tập nhảy cung cấp các khóa học.

Chương trình đào tạo bắt đầu năm 2013, dạy học viên cách trở thành nghệ sĩ biểu diễn toàn năng, từ cách nhảy, hát, cách biểu cảm, hành xử trên sân khấu…

“Tôi nghĩ tham gia khóa học này rất vui. Nó giúp tôi tự tin về vũ đạo và ca hát, đồng thời không ngại thể hiện bản thân với người khác” - Fung chia sẻ.

Những học viện này mọc lên ở Hong Kong (Trung Quốc) và các nhiều quốc gia khác, đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo thần tượng, nhất là khi các công ty giải trí lớn của Kpop ngày càng mở rộng phạm vi tìm kiếm tài năng.

Áp dụng cách đào tạo của Hàn Quốc

Mỗi lớp có không quá sáu học viên, bốn giờ/buổi hàng tuần. Các lớp học tập trung vào vũ đạo, bên cạnh đó họ cũng được huấn luyện cách tạo dáng chụp ảnh, hát và nói bằng tiếng Hàn trong các buổi thử giọng.

Hầu hết họ đều ở độ tuổi thanh thiếu niên - người trẻ nhất tham gia mới 8 tuổi. Theo giám đốc của FJDC, Kenny Ng Ka-wai, hơn 100 học viên đã được đào tạo hơn một năm qua.

Cuoc canh tranh khac nghiet ben trong lop dao tao ca si

Kenny Ng Ka-wai (giữa), giám đốc Friends Junction Dance Company, cùng các học viên tại studio FJDC ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày 21/3. Ảnh: The Korea Herald.

FJDC có bốn chi nhánh trên khắp thành phố và 20 giảng viên, từng làm việc với 1Million Dance Studio, nơi có các vũ công đã biên đạo cho EXO, Twice, hợp tác với RBW Entertainment - công ty quản lý nhóm nhạc nữ Mamamoo, cũng như tiến hành các buổi thử giọng cho học viên của họ với những “ông lớn” trong ngành công nghiệp Kpop: SM Entertainment, JYP Entertainment và YG Entertainment.

Học tập mô hình của các công ty giải trí Hàn Quốc, Kenny Ng (39 tuổi) áp dụng cho học viên của mình, kết hợp với FJDC đánh giá, phân tích điểm mạnh và điểm yếu của từng học viên nhằm giúp họ cải thiện.

“Các công ty Hàn Quốc có phương pháp đào tạo hệ thống và có mục tiêu. Đó là rèn luyện thể chất, kỹ thuật thở và cùng một số kỹ năng” - Kenny Ng nói.

Anh chia sẻ thêm: “Chúng tôi tham khảo quá trình đào tạo của họ, nhưng không yêu cầu học viên thực hiện đúng quy chuẩn luyện tập 9-10 giờ/ngày như các thần tượng Hàn Quốc. Họ phải đi học văn hóa nữa”.

Các khóa học ở trung tâm này đạt được một số thành công khi những học viên tốt nghiệp sẽ trở thành thực tập sinh ở Hàn Quốc, một số đã ra mắt ở Trung Quốc và hai người là ca sĩ hoạt động tại thị trường quê nhà.

Ho Sze-ching, học viên của trung tâm, đồng thời là một thí sinh Hong Kong (Trung Quốc) tham gia show sống còn của Mnet Girls Planet 999. Ho là một trong số 99 người - được chọn từ 13.000 ứng viên - cạnh tranh vị trí trong nhóm nhạc nữ gồm 9 thành viên. Cô bị loại trong tập 5.

Xu hướng tuyển dụng toàn cầu

Các công ty giải trí Hàn Quốc bắt đầu tuyển dụng thực tập sinh từ nhiều quốc gia, tổ chức các buổi thử giọng trên khắp thế giới. Super Junior, ra mắt năm 2005, có ba thành viên là người Trung Quốc, hai trong số ba người hoạt động ở nhóm nhỏ Super Junior M, đánh mạnh vào thị trường tỷ dân. Mô hình này tiếp tục được nhân rộng, có thể thấy ở Twice, Seventeen, NCT…

Gần đây, nhóm nhạc nữ Blackswan ban đầu bao gồm các thành viên người Hàn và nhiều quốc tịch khác. Sau một thời gian hoạt động, nhóm liên tục đổi thành viên và chỉ còn bốn người đến từ Senegal, Brazil, Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Theo The Korea Herald, trong số bốn công ty lớn ở Hàn Quốc, SM, JYP và YG từ chối tiết lộ tỷ lệ thực tập sinh nước ngoài với lý do bảo mật. Tại HYBE, số thực tập sinh ngoại quốc chiếm 28%, số liệu tổng hợp từ 8 công ty con dưới trướng HYBE tính đến năm nay.

“Mặc dù chúng tôi không có chiến lược cụ thể nhằm tăng tỷ lệ thực tập sinh nước ngoài, HYBE hỗ trợ việc lựa chọn và phát triển các thực tập sinh bất kể quốc gia hay khu vực, vì chúng tôi cần những nghệ sĩ tài năng sẽ hoạt động trên toàn cầu theo hệ thống đa nhãn hiệu” – đại diện của HYBE cho biết qua email.

Lisa (BlackPink) sống xa gia đình, gia nhập vào YG năm 14 tuổi. Cô mất một năm để thích nghi với cuộc sống ở Hàn Quốc. “Tôi phải sống một mình, tự quản lý tài chính… những điều tôi chưa bao giờ tự làm trước đây. Nhiều lúc mệt mỏi chỉ muốn ôm mẹ vào lòng nhưng tôi không thể. Chúng tôi chỉ có thể thực hiện các cuộc gọi video. Rào cản ngôn ngữ thật khó khăn, tôi không thể giao tiếp với mọi người khi đó” – Lisa kể.

Cuoc canh tranh khac nghiet ben trong lop dao tao ca si-Hinh-2
Lisa (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên BlackPink tại phòng tập ở YG. 

Lee Gyu Tag, phó giáo sư tại Đại học George Mason Hàn Quốc chuyên về toàn cầu hóa Kpop cho biết các công ty đang đẩy mạnh tìm kiếm đội hình quốc tế, tận dụng sự phổ biến của Kpop bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc, đặc biệt là ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc).

“Thực sự không dễ để tìm thấy ban nhạc Mỹ với những người không phải là công dân Mỹ. Còn Jpop thì sao? Khi nhìn thấy nhóm nhạc Nhật Bản, không có nhiều người nước ngoài, cả ở Trung Quốc cũng vậy” - ông Lee nói.

Ông cho rằng sự nở rộ của các học viện dạy nhảy Kpop trên khắp châu Á có thể do họ đang hy vọng tái tạo thành công mô hình đào tạo Kpop để xây dựng các nhóm nhạc pop của riêng tại quê nhà.

Cơ hội nhiều, cạnh tranh khốc liệt hơn

Cả ông Lee Gyu Tag và Kenny Ng đều cho biết ngày càng có nhiều công ty giải trí Hàn Quốc tìm kiếm nguồn nhân lực mới ở nước ngoài, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho những ai muốn có sự nghiệp âm nhạc trong ngành công nghiệp Kpop.

Megan Leow Su Lynn (15 tuổi) đã không đếm được số lần thử giọng từng tham gia và thất bại.

“Mục tiêu và ước mơ lớn nhất của tôi tất nhiên là được ra mắt với tư cách là thần tượng. Nhưng cần thực tế hơn. Bạn có thể rất giỏi nhưng không có nghĩa bạn lọt vào mắt xanh của họ” - Leow chia sẻ.

Cô nói chu kỳ thử nghiệm và từ chối lặp đi lặp lại khiến cô nản lòng nhưng cũng là bài học kinh nghiệm.

T.O.P (cựu thành viên Big Bang) từng thừa nhận mình may mắn vì chỉ mới là thực tập sinh trong một năm, nam thần tượng cho rằng đó là hành trình này quá khắc nghiệt đối với những người muốn thành công trong Kpop.

“Họ được bảo phải làm gì và được đào tạo giống như người máy. Họ có thể trở nên nổi tiếng, nhưng ở khía cạnh người ngoài không thể nhìn thấy, họ đang bị cô lập và trống rỗng trong lòng” - T.O.P chia sẻ.

Nhận lại được gì từ những khóa đào tạo Kpop?

Mỗi công ty giải trí có những tiêu chí khác nhau tùy vào từng thời điểm. Tất nhiên họ không tiết lộ và luôn tìm kiếm ứng viên tiềm năng.

Tại Hong Kong (Trung Quốc) đã sản sinh ra một số ngôi sao Kpop trong những năm qua, cụ thể là Jackson Wang (GOT7), Lucas (NCT) và Elkie Chong (CLC).

Đại diện FJDC hy vọng trong quá trình thực tập, các thực tập sinh có thể đạt được những mục tiêu họ đặt ra, bất kể đó là gì, việc xây dựng được sự tự tin là điều quan trọng.

Các học viên Leow và Fung nhận thức được việc trở thành thần tượng Kpop có thể là giấc mơ viển vông, nhưng niềm đam mê âm nhạc và vũ đạo chính là động lực giúp họ tiếp tục. 

Theo Hà Trang/Tiền phong

>> xem thêm

Bình luận(0)