Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với ông Huỳnh Minh Hưng, tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Theo đó, mức phạt được đưa ra là 27,5 triệu đồng và đình chỉ hoạt động biểu diễn 9 tháng.
Kết luận của Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM thẩm định ngày 12/6/2024 nêu rõ, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật mang chủ đề "Ngày em thắp sao trời", ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã sử dụng trang phục có gắn các phụ kiện trên ngực áo biểu diễn trước khán giả, vi phạm điều lệ: "Biểu diễn nghệ thuật sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội".
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và trang phục vi phạm theo kết luận của Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM. (Ảnh: FBNV)
Trước Đàm Vĩnh Hưng, một số nghệ sĩ Việt từng bị cấm biểu diễn, đình chỉ hoạt động. Năm 2013, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có văn bản gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cả nước về việc tạm dừng cấp phép cho Lê Ngọc Phương Trinh (nghệ danh là Angela Phương Trinh) tham gia biểu diễn bởi những bộ đồ hở hang, hành vi phản cảm của cô trên các sân khấu. Năm 2014, ca sĩ Hương Tràm bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội xử phạt 10 triệu đồng và cấm diễn 3 tháng tại Hà Nội do trang phục bị cho là trái thuần phong mỹ tục.
Với riêng Đàm Vĩnh Hưng, đây cũng không phải lần đầu tiên anh lĩnh án phạt. Vào năm 2012, nam ca sĩ từng bị Bộ VHTTDL xử phạt 5 triệu đồng bởi hành vi hôn môi nhà sư trong đêm nhạc từ thiện. Tháng 2/2020, anh tiếp tục bị Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM đưa ra văn bản xử lý vì chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch Covid-19.
"Cần đưa ra những quyết định kịp thời về phong sát, cấm sóng nghệ sĩ sai phạm"
Sau khi quyết định đình chỉ hoạt động biểu diễn trong 9 tháng đối với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được đưa ra, chủ đề "có nên "phong sát", "cấm sóng" nghệ sĩ một lần nữa "nóng" lên trên các diễn đàn, thu hút đông đảo các ý kiến tranh luận. Nhiều người cho rằng, nên có những biện pháp cứng rắn hơn đối với các nghệ sĩ vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, hoặc vi phạm nhiều lần. Thay vì chỉ cấm biểu diễn hoặc xử phạt hành chính một số tiền nhỏ, cần cấm sóng/cấm phát ngôn với những người này trên mạng xã hội hoặc các phương tiện đại chúng trong một thời gian, hoặc vĩnh viễn.
Trao đổi với PV Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang khẳng định quyết định của UBND TP.HCM là đúng đắn, kịp thời: "Là một ca sĩ nhiều tai tiếng và chiêu trò, việc Đàm Vĩnh Hưng sử dụng trang phục biểu diễn hoặc có hành động lố bịch trên sân khấu đã xảy ra nhiều lần, bị dư luận lên án, song ca sĩ này vẫn tái diễn. Đặc biệt, với sự kiện ca sĩ họ Đàm sử dụng trang phục gắn huy hiệu mang phong cách quân đội nước ngoài, đây không còn là hành vi mang tính chiêu trò nữa mà hoàn toàn có thể là cố ý, xuất phát từ ý đồ chủ quan".
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang. (Ảnh: NVCC)
Ông Ngô Hương Giang cho rằng, là một ca sĩ có tiếng ở Việt Nam, Đàm Vĩnh Hưng cần lan tỏa những giá trị tích cực của nghệ thuật và văn hóa Việt Nam đương đại, thay vì có những biểu hiện không thích hợp, phản cảm: "Việc cấm diễn 9 tháng có thể xem là biện pháp ngăn chặn tạm thời. Nếu trong quá trình xác minh, các cơ quan chức năng đủ cơ sở kết luận những hành vi khi biểu diễn của Đàm Vĩnh Hưng là có ý đồ thì cần thực hiện "phong sát", cấm sóng vĩnh viễn cũng như có biện pháp chế tài xử lý nghiêm minh".
Trước câu hỏi về việc "phong sát/cấm sóng nghệ sĩ sai phạm", ông Ngô Hương Giang nêu quan điểm: "Với những nghệ sĩ có hành động, phát ngôn vi phạm quy tắc ứng xử, thuần phong mỹ tục của dân tộc, rất cần thực hiện "phong sát" để nghệ sĩ đó không có cơ hội truyền bá văn hóa xấu độc, cũng như kích động những hành vi tiêu cực đối với khán giả. Qua sự kiện ca sĩ họ Đàm, có lẽ các cơ quan quản lý văn hóa cần đưa ra những quyết định kịp thời về vấn đề "phong sát" để phù hợp với thực tiễn khách quan của đất nước".
Ông Ngô Hương Giang nhận định, có ba vấn đề cần cân nhắc khi "phong sát" một nghệ sĩ. Thứ nhất, phải có điều tra và kết luận rõ ràng về các hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc một cách cố ý, thực hiện nhiều lần, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục tái diễn.
Thứ hai, cần tuyên truyền rộng rãi về các hành vi biểu diễn lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc trong môi trường biểu diễn nghệ thuật cũng như trên các nền tảng không gian mạng. Việc "phong sát" này cần manh tính khách quan và tất cả là để phục vụ lợi ích của khán giả, đảm bảo môi trường văn hóa văn nghệ lành mạnh.
"Thứ ba, khi một nghệ sĩ bị yêu cầu phong sát nghĩa là nghệ sĩ đó có dư luận không tốt, khán giả phản ứng và quay lưng. Vậy nên các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tiếp cận và lắng nghe dư luận để có cơ sở đưa ra các quyết định phong sát hay không phong sát một nghệ sĩ nào đó. Việc phong sát một nghệ sĩ lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc chính là cách để làm "trong sạch" môi trường nghệ thuật, từ đó các nghệ sĩ thực tài sẽ có không gian văn hóa lành mạnh để sáng tạo. Hành động "phong sát" không ảnh hưởng gì tới sự sáng tạo của các nghệ sĩ thực tài có đam mê, có đạo đức làm nghề. Thậm chí, việc làm này còn là động lực để các nghệ sĩ tâm huyết có "đất" sáng tạo, họ sẽ không bị những "ca - nghệ sĩ thị trường, nghiệp dư lắm chiêu nhiều trò" phù phép khiến "vàng thau lẫn lộn", các giá trị nghệ thuật đích thực sẽ được chọn lọc và phát triển", ông Ngô Hương Giang chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn từ chối chia sẻ thêm về câu chuyện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, cho rằng đây là việc UBND TP.HCM đã đưa ra kết luận. Trước đó, trong một cuộc trò truyện, ông khẳng định: "Các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng phải được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện tại, Bộ VHTTDL, Bộ Công an và Bộ TT&TT đang cùng làm việc nhằm đưa ra những biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Việc quản lý nhà nước được thực hiện thông qua các văn bản pháp quy, triển khai, giám sát, thậm chí áp dụng quy định pháp luật".
Tuy nhiên, ông Trần Hướng Dương cũng cho rằng, không nên dùng từ "phong sát", "cấm sóng" đối với nghệ sĩ Việt: "Quan điểm của tôi là không dùng từ phong sát, cấm sóng với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp văn hóa, điều kiện đất nước. Chúng tôi có nghiên cứu, tham khảo cách làm việc của nước ngoài nhưng áp dụng tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn".
Những năm qua, tại Trung Quốc, Hàn Quốc, việc cấm sóng, "phong sát" các nghệ sĩ vi phạm đạo đức, pháp luật đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". "Chính phủ và khán giả nhiều nước châu Á rất khắt khe với người nổi tiếng. Họ quan niệm nghệ sĩ phải sống chuẩn mực, làm gương cho khán giả trẻ. Cũng bởi vậy, không ít nghệ sĩ dính scandal, vướng bê bối bị cấm sóng, cấm phát ngôn trên mạng xã hội, trong đó có cả những gương mặt đình đám, tầm ảnh hưởng vượt qua ranh giới quốc gia. Quy định này ít nhiều tạo nên những tranh cãi, nhưng cũng phần nào giúp các nước này "thanh lọc" thị trường giải trí, răn đe những nghệ sĩ trẻ, hạn chế những nội dung độc hại lan truyền trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ", chuyên gia truyền thông Trần Hoài Linh khẳng định.