Vân Dung: Chưa bao giờ dám nhận mình xinh

Google News

Bởi với tôi, điều quan trọng nhất khi bước lên sân khấu là mang lại tiếng cười cho khán giả, không phải mình xinh đẹp ra sao.

Từng lọt top 15 "Hoa hậu Việt Nam" nhưng nữ nghệ sĩ hài xứ Bắc chưa bao giờ tự nhận mình xinh đẹp, ngược lại, cô còn hóa trang xấu xí hơn để khán giả phải bật cười mỗi lần xuất hiện trên sân khấu.

Tôi chưa bao giờ dám nhận mình xinh

Bất ngờ khi đọc thông tin cũ, nhưng có lẽ không nhiều người biết, là chị từng lọt vào top 15 cuộc thi "Hoa hậu Báo Tiền Phong 1992", chị có thể chia sẻ thêm những kỷ niệm hồi dự cuộc thi này?

Hồi đó là chị gái tôi đi thi, nhưng chị là người rất hiền lành và nhút nhát, còn tôi bạo dạn hơn nên mẹ bảo hai chị em cùng tham dự để ủng hộ cho chị. Thực ra, tôi đi để hậu thuẫn cho chị nhưng tính tình phấn khởi, tham gia nhiệt tình nên chị lọt vào top 10 còn tôi cũng rinh về top 15 (cười).
 
Chị có bất ngờ khi mình lọt vào top 15 không?

Không, tôi hoàn toàn không bất ngờ bởi tôi đi thi để ủng hộ chị gái nên có điều gì xảy ra cũng không bất ngờ. Nếu tôi đi thi mà xác định là vì yêu thích hoặc đam mê, giải thưởng sẽ khiến tôi bất ngờ lắm. Còn khi tôi nghĩ đơn giản là một buổi giao lưu văn hóa mọi chuyện sẽ trở nên bình thường.
Nghệ sĩ Vân Dung (ngoài cùng bên phải) từng lọt top 15 Hoa hậu Việt Nam.
Nghệ sĩ Vân Dung (ngoài cùng bên phải) từng lọt top 15 Hoa hậu Việt Nam.

Bước ra khỏi một cuộc thi sắc đẹp lớn, thứ hạng giành được cũng không quá nhỏ, vì sao chị không có bất cứ hoạt động nào liên quan đến nhan sắc?

Lúc đó tôi đi thi chỉ để hậu thuẫn cho chị gái, không có ý định sau cuộc thi sẽ làm người mẫu hay làm bất cứ công việc gì liên quan đến nhan sắc. Nguyên nhân là chiều cao của tôi khiêm tốn, tôi cao có 1m60, thứ hai là tôi có ý định đi làm diễn viên, không phải những lĩnh vực đó. Không biết khán giả sẽ tưởng tượng như thế nào về một Vân Dung không đứng trên sân khấu hài, lại đứng trên sàn catwalk với chiều cao 1m60 (cười). Nói vui, ngày ấy tôi đăng ký tham gia vì các thí sinh dự thi chiều cao cũng bình thường lắm, chưa như bây giờ, ví dụ như là Bùi Bích Phương, Diệu Hoa…

Không chỉ sở hữu một vẻ đẹp tự nhiên mà còn rất có duyên, nhưng chị lại sẵn sàng làm mình xấu khi bước lên sân khấu?

Tôi lại thấy vui, tự tin và sung sướng khi được hóa trang như thế, bởi với tôi, điều quan trọng nhất khi bước lên sân khấu là mang lại tiếng cười cho khán giả, không phải mình xinh đẹp ra sao. Khán giả cứ nhìn thấy tôi là cười, vui, thấy sảng khoái là tôi thấy thích.

Nhưng phụ nữ ai cũng muốn mình đẹp, vì sao chị làm điều ngược lại?

Ngoài đời phụ nữ mới mong muốn điều đó, không phải ai lên sân khấu cũng muốn đẹp long lanh, hơn nữa nó còn do đặc thù nghề nghiệp. Khi tôi quyết định sẽ theo đuổi nghề nghiệp này, tôi đã biết chấp nhận hy sinh cái đẹp, lúc nào cũng xinh đẹp làm sao làm cho mọi người cười được. Có một điều khá vui là ai gặp tôi cũng nói: "Sao Vân Dung khác trên sân khấu nhiều thế, đẹp hơn khi làm nghệ sĩ hài nhiều". Nghe mọi người nói thế tôi thấy vui, thích lắm, hóa ra mình đâu có xấu (cười).
 

Chị đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của nhan sắc trong xã hội ngày nay? Chị có thể thấy ngay chính trong nghề nghiệp của mình, nhiều bình hoa di động được mời đóng phim chỉ để làm đẹp cho màn ảnh?

Tôi nghĩ rằng diễn viên có nhan sắc đương nhiên là có lợi thế hơn những người kém nhan sắc. Có một điều là khi lên sân khấu hay lên màn ảnh cũng thế, người nào có được diễn xuất hay, năng khiếu và tài năng thực sự sẽ nhận được sự cổ vũ của khán giả. Một người đã xinh lại diễn xuất giỏi còn gì bằng, lúc ấy ai chẳng muốn xem, muốn ngắm. Còn xinh mà tẻ nhạt, không có năng khiếu diễn xuất, đương nhiên không có đất diễn nhiều.

Chị tự đánh giá nhan sắc của mình trên thang điểm 10 là bao nhiêu?

Tôi nghĩ điểm để dành cho khán giả, tôi lúc nào cũng tự nghĩ mình xấu, chưa bao giờ tôi dám nhận mình xinh. Tôi tự khen mình xinh nghe buồn cười lắm, đúng là hài kịch đấy.

Hài lòng với cuộc sống và công việc hiện tại

Khi mới bước chân vào nghề, chị có nghĩ mình sẽ trở thành nghệ sĩ hài như bây giờ?

Khi mới bước chân vào nghề, tôi không nghĩ là mình chỉ đóng những vai diễn hài, chỉ muốn đóng những vai mình thích và hợp với cá tính. Đến với hài kịch là một cái duyên trời cho mà tôi may mắn có được.

Sau 15 năm đứng trên sân khấu, chị muốn nói gì với những người muốn bước chân vào con đường nghệ thuật, một nghề đòi hỏi sự khổ luyện và nhiều đam mê?

Tôi muốn nói rằng, tất cả mọi người nếu có niềm đam mê hãy thử đến với nghề diễn. Nếu được trời cho cái duyên, hãy đến với sân khấu hài. Còn nếu cảm thấy mình không có năng khiếu, hãy dừng lại, vì muốn trở thành diễn viên đều cần năng khiếu.  Nếu như bạn không có năng khiếu hãy rẽ sang ngả khác, như vậy vừa không thành công, vừa không kiếm được tiền nuôi gia đình. Còn những người nói họ đi theo nghiệp diễn vì niềm đam mê, không cần tiền ít lắm.
 

Như vậy, nghệ sĩ để sống được bằng nghề không dễ?

Nghệ sĩ để sống với nghề rất khó. Thứ nhất, họ phải có niềm đam mê, thứ hai phải có năng khiếu, thứ ba phải có lòng kiên trì, nếu không sẽ rất khó sống được bằng nghề.

Nhiều người không khỏi hoài nghi về lớp thế hệ kế tiếp cho những nghệ sĩ hài "vàng" trên sân khấu như Vân Dung, Xuân Bắc, Tự Long, Quang Thắng, lớn hơn có Chí Trung, Minh Vượng. Chị nghĩ sao?

Tôi nghĩ có lẽ các bạn trẻ chưa mạnh dạn, hoặc hài kịch chưa đủ hấp dẫn họ. Hoặc người trẻ có sở thích, niềm đam mê khác. Riêng trong lĩnh vực hài, mỗi người phải thể hiện được đặc trưng riêng, không trộn lẫn với ai. Nếu như chính kịch ai cũng có thể khóc, cười giống nhau, hay buồn là khóc, vui là cười, thì diễn viên hài khác. Người diễn viên có thể buồn sẽ cười, càng buồn càng cười to nhưng phải làm sao cho ra sau tiếng cười là những giọt nước mắt chua chát.

Tôi hy vọng sẽ có những cuộc thi tìm kiếm tài năng để những người trẻ có cơ hội bộc lộ tố chất hài hước. Nếu không có những cuộc thi, làm sao chúng ta biết những hạt vàng, hạt kim cương đang ẩn đâu đó. Cụ thể là nếu không có Gặp nhau cuối tuần, ai biết đến Vân Dung, Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Hiệp Gà… Có những cuộc chơi như thế mới chọn ra được những gương mặt như vậy.

Chị đã có sự nghiệp và cả cuộc sống kinh tế khá đầy đủ, khi nào chị muốn dừng lại để gần chồng, con, không phải cảnh chồng Nam vợ Bắc như thế này?

Tôi nghĩ cuộc sống là những quy luật, ai cũng phải ăn, ngủ, chơi và làm. Nếu công việc là niềm vui, đam mê, hạnh phúc của con người, lý do gì mình phải vứt bớt hạnh phúc làm gì? Cuộc sống không chỉ có gia đình, con cái, chúng ta còn có công việc, cống hiến, chỉ đơn giản là lớn lên, ăn, ngủ, đi chơi có lẽ chúng ta đang sống vô trách nhiệm quá. Mọi thứ nên hài hòa với nhau, chúng tôi tuy chồng Nam vợ Bắc nhưng tôi cảm thấy bây giờ là hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Theo VTC News
[links()]

Bình luận(0)