Vì sao “tâm ác” sinh bệnh, “tâm lành” khỏi bệnh?

Google News

(Kiến Thức) - Lý giải của các nhà nghiên cứu về vấn đề này sẽ mở ra một hướng nhìn khác trong quan điểm bệnh tật.

Hàng vạn người theo học các môn thiền, yoga, khí công, dưỡng sinh tâm năng, dưỡng sinh tâm thể...đều được “quán triệt” phải sống thiện để tâm lành và có niềm tin... mới khỏi được bệnh. Mất lòng tin, tham, sân, si trong cuộc sống không những không khỏi bệnh mà bệnh đã khỏi cũng tái phát. Vậy tại sao có chuyện, tâm ác “sinh” bệnh và sống lành “khỏi” bệnh?.
90% bệnh tật là do “tâm” sinh ra
Ông Lương Ngọc Xuất, chủ tịch Hội tâm năng dưỡng sinh – phục hồi sức khỏe (TNDS - PHSK) huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, cho biết, từ 1.000 năm nay, đông y đã đúc kết là bệnh tại tâm sinh ra. Khoa học ngày nay cũng xác định: bệnh của con người, 90% do tự con người sinh ra. Nguyên nhân bên ngoài như khí hậu, virus, vi khuẩn, môi trường, thức ăn ngộ độc... chỉ 10%.
KS vật lý Lê Văn Cường, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Trung Tâm TNDS – PHSK phân tích, con người được cấu thành bởi cơ thể vật lý gọi là thân (thể xác) và năng lượng tinh thần gọi là tâm (linh hồn). Thể xác có hình hài cụ thể mắt thấy tay sờ thì ai cũng biết, nhưng linh hồn hay tinh thần gọi là Tâm thì chẳng có hình tướng, chẳng có máy móc khoa học nào cảm nhận cân đong đo đếm được nên không ai hiểu cái tâm con người là gì.
Tâm có phải là vật chất hay không? Đây là câu hỏi khó mà khoa học thế giới hiện chưa thể trả lời. Bằng chứng là các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã bỏ ra hàng chục tỷ đô la chế tạo máy gia tốc khổng lồ nhằm chứng minh có “hạt của Chúa”, nhưng vẫn chưa có kết quả. Chưa có cơ sở khoa học chứng minh Tâm, tức linh hồn hay tinh thần con người là một dạng năng lượng siêu tinh thể tồn tại trong thế giới tự nhiên.
Từ xa xưa, khi y học hiện đại chưa phát triển, người ta chữa bệnh bằng nội tâm, bằng niềm tin và tâm linh, các đạo tôn giáo và các nhà hiền triết đều có khái quát chung là phải tu dưỡng cái tâm – tinh thần con người theo hướng thiện, để có một cuộc sống khỏe mạnh, an lành. Hải Thượng Lãn Ông đặt vấn đề nuôi dưỡng tinh thần là hàng đầu trong việc giữ gìn sức khỏe đã xác định: tinh thần và thể chất được luôn luôn tráng kiện, thì sẽ tận hưởng tuổi thọ 100 tuổi.
Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho, Giám đốc Trung tâm dưỡng sinh tâm thể cho biết, con người gồm có hai phần, phần tinh thần (siêu hình) và phần thể xác (hữu hình), hai phần này hòa quện vào nhau. Nó làm mạnh nhau lên hoặc làm yếu nhau đi, trong đó phần tinh thần dẫn dắt phần thể xác.
Nhà khoa học Galvani (Italia) đã tìm ra dòng điện sống trong cơ thể con người cũng là dòng điện sinh học. Năng lượng sinh học là khả năng thiên phú của con người, nó tiềm tàng nhưng cũng có thể cạn kiệt nếu chúng ta không luyện tập thường xuyên và sự sống con người kết thúc khi năng lượng không còn.
Luyện tâm giữ vai trò số một trong các môn dưỡng sinh. Bởi nếu tâm không lành thì luyện tập không có kết quả. Vì vậy, hàng vạn những người luyện tập tâm năng dưỡng sinh, thiền, yoga... luôn phải giữ Tâm yên lặng, thanh thản, sống thiện đầy tình yêu thương, không tham, sân, si, hờn giận, ganh ghét, tự cao tự đại, tự phụ, tự ái... để Tâm và Thân cùng một lúc được nuôi dưỡng, tưới tắm, con người sẽ khoẻ mạnh, vui sống yêu đời, yêu người, làm việc có ích...
Ảnh minh họa. 
Không có sự chia cắt giữa tinh thần và thể xác
TS.BS Đào Bội Hoàn, Nguyên Trưởng ban thực nghiệm khoa nghiên cứu lâm sàng Viện Sốt rét và ký sinh trùng TƯ, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này cho biết, hàng ngàn năm trước sách Nội kinh – một quyển sách kinh điển của y học cổ truyền Trung Hoa đã ghi nhận “bách bệnh giai sinh vu khí”. Người xưa cho rằng những cảm xúc thái quá của bảy loại tình chí (hỉ, nộ, ái, ố...) sẽ làm rối loạn khí hóa của những tạng phủ tương ứng. Chẳng hạn “Ưu thương Tỳ”; “Khủng thương Thận”; “Nộ thương Can”..., do đó những rối loạn này chính là nguyên nhân của những bệnh về nội thương.
Đôi khi những rối loạn khí hóa do cảm xúc có thể gây ra những triệu chứng bệnh lý có thể thấy được ngay. Chẳng hạn, thử quan sát một người đang bộc phát cơn tức giận: toàn thân nóng lên, mồ hôi vã ra, nhịp tim tăng, hơi thở gấp, các cơ bắp như tăng lên. Ở một số người khác, cơn nóng giận sẽ làm cho toàn thân ngứa ngáy, huyết áp tăng, đau thắt ngực hoặc như bị bóp chặt ở dạ dày.
Tương tự, y học cổ truyền Trung Quốc và Y học cổ truyền Ấn Độ cũng đã chỉ ra mối liên quan giữa các triệu chứng của cơ thể với trạng thái cảm xúc. Trong y học Trung Quốc thì tạng phổi là nơi chứa tâm u sầu; Tạng Can (gan) là nơi chứa sự giận dữ và tạng Thận là nơi chứa sự sợ hãi. Trong Y học cổ truyền Ấn Độ, thân hình gầy (kết hợp giữa ánh sáng và gió) liên quan đến chứng viêm khớp và sự lo lắng; thân hình vừa phải (kết hợp giữa lửa và nước) liên quan đến ung nhọt và sự giận dữ...
Trước giai đoạn lên ngôi của “đế chế” tân dược với hàng loạt những mời chào về khả năng điều chỉnh các trục trặc của cơ thể chúng ta, thì những nhà trị liệu chính là những thầy thuốc ngộ đạo, họ như là những người pha trò giải trí, giúp bệnh nhân cảm thấy vui vẻ trong một thời gian đủ lâu để thiên nhiên có thể chữa lành bệnh tật.
Tuy nhiên, khi y học hiện đại ra đời đã xuất hiện khái niệm và cách chữa khác nhau. Tây y dựa trên phương pháp chẩn đoán so với các phương pháp chữa bệnh cổ truyền chính là: sự chia tách giữa tinh thần và thể xác, tức là Tây y chỉ chữa trên khía cạnh thể xác còn y học cổ truyền cho thấy sự liên kết vốn có giữa tinh thần và thể xác. Bệnh tật không chỉ do các yếu tố trên cơ thể con người mà suy nghĩ và cảm xúc cũng là những nguyên nhân gây bệnh.
Tập thiền đòi hỏi phải có tâm trong sáng mới thu được năng lượng. 
Theo BS Hoàn, ý nghĩ chính là những rung động mạnh, có thể làm chúng ta khỏe mạnh hoặc bệnh tật. Suy nghĩ tiêu cực có thể làm cho người bị nhiễm bệnh. Suy nghĩ tích cực có thể làm chữa lành bệnh tật và thay đổi đời sống của chúng ta.
Trên thực tế, phần lớn nghiên cứu khoa học của những nhà vật lý và kỹ sư, cận tâm lý học nghiên cứu ảnh hưởng của tâm lý lên hệ miễn dịch với khái niệm: ý thức ảnh hưởng vật chất và ý thức ảnh hưởng thân xác con người đều có nhiều chứng minh để ủng hộ cho những nguyên tắc này.
Ý nghĩ tích cực làm giảm lượng đường trong máu của bệnh nhân tiểu đường, làm giảm các cơn hen, giảm các triệu chứng viêm kết tràng, cải thiện chức năng miễn dịch ở các bệnh nhân bị nhiễm HIV. Đặc biệt, không chỉ có những suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng đến bản thân, mà cũng có thể ảnh hưởng đến người khác. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả lâm sàng của việc cầu nguyện, đáng chú ý là ảnh hưởng tích cực của việc cầu nguyện tới các bệnh nhân thuộc khoa điều trị chứng tắc nghẽn động mạch vành.
Hải Thượng Lãn Ông đã viết: Các bậc hiểu sâu đạo lý tu dưỡng đời thượng cổ dạy “gặp hư tặc tà phong của ngoại giới phải xa lánh kịp thời, đồng thời tư tưởng cũng phải ổn định, yên tĩnh không có đầy tham vọng bậy bạ thì chân khí trong người được hòa thuận, tinh thần có thu mà không hao tán, bệnh tật không có ngõ nào để xâm nhập được. Nhờ vậy mà ý chí của họ rất an nhàn, ít có dục vọng, trong lòng của họ luôn luôn yên tĩnh, chẳng có sợ sệt, tuy lao động mà không mệt mỏi. Tâm không tham nên cái gì cũng thuận, lòng tự thấy đủ, dễ được mãn nguyện, không đòi hỏi nhiều nên cũng dễ đạt được”.
Xuân Hoài

Bình luận(0)