Những cuộc hành quân chết chóc trong lịch sử hiện đại

Google News

(Kiến Thức) - Vụ diệt chủng người Armenia năm 1915 - 1918 là một trong những sự kiện lịch sử đau thương, khiến hơn 1 triệu người thiệt mạng.

Diệt chủng người Armenia năm 1915 - 1918
Kể từ năm 1915, 1,5 triệu người Armenia bị chính quyền Ottoman giết hại nhằm xóa sổ dân tộc thiểu số này. Đây được coi là một trong những cuộc diệt chủng đầu tiên trong lịch sử hiện đại. Khi đó, người Armenia gọi sự kiện tồi tệ này là "Medz Yeghern" có nghĩa là tội ác kinh hoàng nhất. 
Trong giai đoạn đầu, chính quyền Ottoman đã sát hại nam giới Armenia. Đến giai đoạn thứ hai, người ta nhìn thấy phụ nữ và trẻ em Armenia buộc phải bỏ trốn, đào thoát qua sa mạc của Syria. Năm 1915, tờ New York Times đã mô tả cách người Armenia đã buộc phải rời khỏi các thị trấn xung quanh Cilicia để tiến tới sa mạc phía nam Aleppo. Nhiều người dân thường Armenia bị cướp bóc, hãm hiếp hoặc bị giết hại. Những tội ác này do chính những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước gây ra.
Thậm chí, chính quyền Ottoman còn mở nhiều cuộc hành quân nhằm càn quét người Armenia. Tờ New York Times đã đăng tải bài viết mô tả việc người Armenia bị bỏ đói và đánh đập trên đường đi. Nhiều người trong số đó buộc phải ăn cỏ, thảo dược, châu chấu, thậm chí là xác động vật chết và người chết để vượt qua cơn đói.
Thảm sát tại thành phố Chelm năm 1939
Thành phố Chelm nằm ở miền Đông Ba Lan đã chứng kiến cuộc thảm sát kinh hoàng người Do Thái. Năm 1648, sau một thời gian dài bạo lực bùng phát lên đến đỉnh điểm, 400 người Do Thái đã bị sát hại trong các vụ thảm sát Chmielnicki. Những người may mắn sống sót phải tiếp tục đối mặt với sự đàn áp và bị tịch thu tài sản. 
Đến tháng 10/1939, một cuộc hành quân chết chóc đã xảy ra ở Chelm. Sự kiện này xảy ra sau khi lực lượng Liên Xô rút khỏi thành phố theo một thỏa thuận với Đức quốc xã. Ngày 1/12/1939, Đức quốc xã đã huy động toàn bộ nam giới người Do Thái ở đây và buộc họ phải hành quân đến sông Bug. Hơn một nửa số người Do Thái trên đã thiệt mạng trên đường đi. Khi đến sông Bug, nhiều người đã buộc phải nhảy xuống sông rồi bơi qua bờ bên kia. 
Blima Lorber - người sống sót sau sự kiện tồi tệ trên đã viết trong cuốn tự truyện của mình: "Đức quốc xã đã gọi và lấy đi tất cả mọi tài sản của chúng tôi. Những con người độc ác ấy đã đánh đập và giết chết những người dân phản kháng. Chúng tôi phải xếp thành hàng và lần lượt đi ra khỏi thành phố rồi chạy. Nếu như người nào đó không làm theo lệnh thì sẽ bị bắn chết. Không ai nói gì cũng không ngoảnh đầu nhìn lại hoặc cố gắng nhìn vào người bên cạnh mình. Người Đức nói với chúng tôi rằng, nếu người nào vi phạm quy định thì sẽ bị giết ngay lập tức. Khi đến một số nơi, chúng tôi được lệnh dừng chân. Khi đó, một số người đàn ông được chúng chọn phải tự đào hố làm mộ chôn chính mình. Và chúng tôi, những người đàn ông còn lại tiếp tục phải chạy theo lệnh của chúng".
Theo ước tính, khoảng 2.000 nam giới và trẻ em trai Do Thái đã rời khỏi thành phố Chelm. Tuy nhiên, theo ước tính, chỉ có khoảng 150 người may mắn sống sót.
Cuộc hành quân chết chóc Stutthof năm 1945
Trại tập trung Stutthof được thành lập vào năm 1939. Nơi này giam giữ khoảng hơn 100.000 tù nhân, trong đó có nhiều người Ba Lan không phải là người Do Thái đã buộc phải vượt qua hàng rào điện. Giáo sư Rudolf Spanner được cho là đã thu thập những xác chết của tù nhân để tạo ra loại xà phòng khủng khiếp làm từ thịt người. 
Sau khi thực hiện cuộc sơ tán, trại tập trung Stutthof chỉ còn khoảng 50.000 tù nhân. Trong cuộc sơ tán lần đầu tiên, 5.000 tù nhân đã di chuyển đến vùng biển Baltic. Họ bị buộc phải đi bộ ra giữa biển rồi bị bắn chết cho đến người cuối cùng. Sau đó, số tù nhân còn lại bị di chuyển đến Lauenburg nhưng sau đó bị lực lượng của Liên Xô chặn lại. Điều này buộc họ phải quay trở về trại tập trung Stutthof - nơi hàng ngàn người bị giết.
Ngày 25/1/1945, lực lượng Liên Xô đã đóng cửa trại tập trung trên sau khi Đức quốc xã đã hoàn thành việc sơ tán tù nhân. Hơn 25.000 tù nhân bị ép hành quân trong vòng 10 ngày nhưng chỉ được nguồn cung cấp lương thực đủ dùng trong 2 ngày. Binh lính SS của Đức quốc xã đã thẳng tay giết hại bất cứ tù nhân nào bị tụt lại so với các thành viên khác trong đoàn. Ngoài ra, Đức còn thực hiện những cuộc di chuyển tù nhân quy mô nhỏ bằng đường biển, khiến hàng ngàn tù nhân khác thiệt mạng. Hồng quân Liên Xô đã giải phóng Stutthof vào tháng 3/1945.
Tâm Anh (theo LV)

Bình luận(0)