Trên Thần Đồng Việt Nam có xuất hiện hoa văn chữ S. Thực tế, loại hoa văn này hầu như có ở tất cả các dân tộc ở các châu lục. Nó là mô típ hoa văn trang trí tìm thấy từ thời tiền đồ gốm, sang thời đồ đồng và truyền nối lại đến ngày nay. Từ lâu, người ta đã tìm cách giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa ẩn chứa trong mô típ hoa văn biểu tượng này, song mỗi vùng lại có mỗi cách giải thích khác nhau.
Các cách hiểu khác nhau
Có tác giả cho rằng: Mô típ đường xoáy ốc đơn và kép thường được gắn với các vòng quấn của thân mình rắn, là một biểu tượng cho tính hai chiều của sự vận động của sự sống, nước, mưa, dông, mặt trăng. Mô típ này cũng thường được thấy trong văn hóa thời đồ đồng. Một biến thể của nó, tương ứng với bánh xe luân hồi Pháp Luân của đạo Phật, với đường cong chữ ''S'' trong vòng tròn thể hiện Âm Dương Thái Cực của Kinh Dịch.
Ở vùng biển Thái Bình Dương thì cho rằng, mô típ chữ S được khắc trên nhà và thuyền gợi nhớ tới các cơn lốc, và dòng biển ở Bắc bán cầu theo chiều thuận và ở Nam bán cầu theo chiều nghịch kim đồng hồ. Còn các nhà nghiên cứu ở vùng Ấn Độ cho rằng, các đường xoáy ốc lên và xuống xuất phát từ hai cực của quả trứng Vũ trụ (ảnh dưới).
Ở Trung Quốc dựa trên cơ sở cổ tự và hoa văn trên hiện vật đồng thau thời Thương Chu người ta cho rằng nguồn gốc của mô típ hoa văn chữ S có cơ sở từ sấm chớp: chữ vân = mây và lôi = sấm - tia chớp.
Còn GS Hà Văn Tấn, qua khối lượng hoa văn khảo cổ trong kho tàng văn hoá Phùng Nguyên đã cho rằng, hoa văn chữ ''S' có thể có nguồn gốc từ mầm của quả cây.
Một vấn đề cốt tử ở đây, đó là hoa văn chữ S chúng có hình thức gần giống nhau ở các dân tộc, hẳn chúng được sinh ra từ một nguồn cội, nhưng các cách lý giải thì ở từng vùng chúng có nguồn cội khác nhau. Hơn nữa người ta chỉ mới giải mã về hàm nghĩa của chữ S còn hoa văn dây cuộn thừng (Tơ hồng) thì chưa ai nói đến, trong khi đó hai hiện vật biểu tượng ấy, chúng được hiện diện trong đời sống của các vùng cư dân. Có nghĩa, đó là hai nhánh của một gốc, nhưng người ta chỉ mới tìm cách khám phá hàm nghĩa của một nhánh (chữ S), còn nhánh kia (dây cuộn thừng) vẫn thấy nó hiện diện ra trước mắt, nhưng người ta không nói đến.
Vì thế, việc giải mã hàm nghĩa của nhánh kia - tức là hoa văn hình chữ S cũng chỉ là sự cảm nhận tức thì, không có một quá trình đúc kết từ tiên niệm đến trải nghiệm và kết luận. Cho nên, đã coi nguồn gốc của hoa văn chữ S là tia chớp của sấm sét = lôi văn, hoặc biến thể của hính chữ S thành hoa văn hình tròn có chấm ở giữa là hình con rắn cuộn tròn có một mắt ở phía trên... tức là giải mã theo lối cảm nhận trực quan, cho nên người ta đã lờ đi, không nói đến hoa văn dây cuộn thừng (Tơ hồng).
|
Những hiện vật biểu tượng có nguồn gốc từ hai dường máu ở quả trứng của người mẹ đã thụ tinh. |
Nguồn gốc của biểu tượng?
Qua nghiên cứu hoa văn thổ cẩm ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng, sự hình thành của hoa văn chữ S (âm dương), dây cuộn thừng (Tơ hồng), đó là những hiện vật biểu tượng có nguồn gốc từ hai dường máu ở quả trứng của người mẹ đã thụ tinh. Còn hoa văn hình tròn có chấm ở giữa, đó là lòng đỏ của quả trứng có một chấm trắng, dân gian gọi là con người - tức là con mắt của quả trứng - lấy quả trứng gà làm vật đối chứng.
Ở người Việt, tâm thức này được truyền nối trong ý niệm tâm linh, chủ yếu là trong các lễ thức cúng tế, như quả trứng trên bát cơm cúng của người quá cố. Ngoài ra tâm thức ấy còn được thể hiện trong các hình thái sinh hoạt khác nhau trong đời sống của xã hội, như hội tranh cướp quả cầu: Quả cầu đặt dưới một cái hố ngay giữa cái sân rộng trước cửa đình. Tại sao quả cầu không đặt ở mặt sân mà phải đặt xuống dưới cái hố, đó là có dụng ý của bậc tiền nhân, khi sáng tạo ra cuộc tranh cướp quả cầu này; còn nữa, cuộc chơi đánh phết cũng là đánh vào một cái hố. Cái hố ấy phải chăng là nơi của người mẹ Âu Cơ đã sinh ra quả trứng và, quả trứng được biểu tượng thành quả cầu; tâm thức về quả cầu còn biến thể xa đến độ không ai nghĩ tới, đó là cuộc chơi ô ăn quan của các con trẻ... Các hình thái sinh hoạt này các nhà khoa học gọi là “phồn thực”. Một sự liên tưởng không thể nói là không có căn cứ.
Ý thức đó, cũng được quán triệt trong toàn bộ đời sống tâm linh của các dân tộc ở Việt Nam: Thầy mo người Mường trong lễ thức bói toán đã dùng quả trứng gà đã thụ tinh (trứng lộn), soi hai đường máu trong đó để gieo quẻ, người Thái ở Tây Bắc, trong cỗ cúng của thầy mo có đặt 2 quả trứng trong một cái đĩa, gọi là “xay Po Me đẳm” (trứng Tổ phụ và Tổ mẫu). Đó cũng là hình ảnh xưa kia trong thuật gieo quẻ của thầy pháp, thầy bói ở người Kinh và nay là hai đồng tiền sấp ngửa.
Tâm thức nhìn hai đường máu trong quả trứng còn được truyền nối trong dân gian đến ngày nay, đó là những người bán trứng gà vịt ngoài chợ, họ cũng vòng hai ngón tay cầm quả trứng soi, để phát hiện những quả trứng đã ấp dở có hai đường máu, sẽ bị ung thối. Do đó, những mô típ hoa văn thổ cẩm ấy là bắt nguồn từ hai đường máu trong quả trứng của người mẹ đã thụ tinh phát triển thành Hài nhi, được người xưa ghi thành hoa văn, phát tán. Khi chúng tôi tập hợp lại thì được mô hình cấu trúc, hoặc một mô hình hoa văn trên Thần Đồng Ngọc Lũ. Hoa văn chữ S còn biến thái thành hoa văn chữ S gẫy khúc và hoa văn hình tròn có tiếp tuyến.
Tóm lại, quả trứng của người mẹ thụ tinh có hai đường máu tạo ra hai kí hiệu biểu tượng là dây cuộn thừng – Tơ hồng và chữ S - Âm dương. Hai biểu tượng này được sử dụng rộng rãi ở các dân tộc, trong đó đặc biệt, dây Tơ hồng được trang trí ở bộ quân phục của đội Cận vệ của các quốc gia, còn chữ S được kết hợp tạo thành chữ Vạn trong Phạn ngữ.
Thời khởi nguyên đã thấy ở nhiều nền văn hóa, còn Ấn Độ Phật giáo, Bà La Môn giáo, Kỳ na giáo, đều sử dụng kí hiệu này.
Hàm nghĩa của chữ Vạn rất phong phú, với đạo Phật đó là điều tốt lành và một trong 32 tướng tốt, vẹn toàn của đức Phật… Khi hai hình chữ S âm dương kết hợp tạo thành chữ Vạn đó là hình ảnh của vũ trụ, hai chất âm dượng kết hợp, tương tác tạo nên hai phạm trù: Nhu và Cương. Nhưng thực hiện được đúng hai phạm trù này không dễ. Nếu Nhu quá thành nhu nhược, yếm thế, nếu Cương quá - già néo đứt dây: Đạo Phật thực hiện đúng chữ Nhu nên thu hút được tín đồ ở Đông Tây, nhưng Hitler không sử dụng đúng chữ Cương nên bị thất bại. Còn Việt Nam trong những tình thế éo le mà thực hiện đúng chữ Cương nên một ngàn năm Bắc thuộc không bị đồng hóa lại thường xuyên nổi dậy giành lại chính quyền và cuối cùng giành được nền độc lập.