Một ngôi làng kỳ lạ ở Lào Cai lọt thỏm giữa núi rừng mà không biết mùi thịt chim. Một ngôi làng ăng ẳng tiếng chó sủa mà dân “mù tịt” vị cầy tơ. Một xứ sở mà con trâu, con ngựa chưa bao giờ bị con người làm tổn hại.
Đó là thôn Sán Chá, xã Thào Chư Phìn (huyện Si Ma Cai, Lào Cai), nơi có 100% dân số là đồng bào Thu Lao.
Truyền thuyết về những loài vật
Đường bê tông đã chọc thẳng vào trung tâm thôn Sán Chá, nhưng những nếp nhà cổ của người Thu Lao với tường trình đắp đất vẫn giữ được vẹn nguyên.
Trưởng thôn Vàng Sáng Mìn khoe với tôi rằng số đầu trâu và ngựa cộng lại gần tương đương với số đầu người trong bản (335 nhân khẩu). Thế nhưng, từ bé đến giờ chưa thấy ai dám “xé rào” lệ làng giết chúng.
|
Thôn Sán Chá của người Thu Lao có thể xem như xứ sở hạnh phúc của trâu, ngựa |
Người già lý giải bằng một truyền thuyết đầy thú vị: Thuở ban sơ con người, con ngựa và con trâu đều ăn cỏ. Cuộc chiến sinh tồn giữa ba loài vô cùng khốc liệt.
Tuy nhỏ bé, nhưng bằng trí khôn và bàn tay khéo léo, loài người đã phát minh ra con dao cắt cỏ nhanh gấp vạn lần hàm răng trâu, ngựa. Sau khi vơ vét toàn bộ cỏ trên mặt đất, con người vác lên ngọn cây tích trữ ăn dần.
Không còn thức ăn, bọn trâu, ngựa đói lả lắt, chấp nhận phục vụ con người đời đời kiếp kiếp…
… Có lần, đàn chim di cư cắp những hạt lúa mọc hoang qua cánh rừng của người Thu Lao thì đánh rơi. Con chó nhìn thấy biết là giống cây trồng quý nên tha về cho chủ. Nhờ sức kéo của trâu, con người từ hái lượm chuyển sang cày bừa vỡ hoang trồng lúa.
Mùa thu hoạch, con ngựa thồ thóc về nhà. Đáp lại công lao của các loài vật đã mang đến no ấm, hạnh phúc, người Thu Lao thề không săn bắn chim rừng và sát hại chó, trâu, ngựa ăn thịt. Ai không tuân thủ sẽ bị đuổi ra khỏi làng hoặc mổ 3 con lợn béo cúng tạ lỗi và mời cả làng đến ăn trong 3 ngày.
Truyền thuyết và lời thề ấy không được ghi trong sách vở (vì người Thu Lao không có chữ viết riêng), nhưng được dân làng Sán Chá tạc vào dạ, răm rắp chấp hành.
Không chỉ cấm tiệt mọi hành vi săn bắn và ăn thịt chim, người Thu Lao còn tìm mọi cách để gìn giữ khu rừng cấm rộng bạt ngàn của làng. Không ai được bẻ một nhành cây, lấy một nhánh củi khô. Người nào muốn vào rừng phải xin phép trưởng thôn, sau đó quỳ gối dập đầu vái lạy ba lần trước cửa rừng.
Nhờ đó, những thân nghiến u thớ nổi cuồn cuộn như những vận động viên thể hình khổng lồ vẫn đứng hiên ngang sát nơi cư ngụ của con người qua hàng thế kỷ, trở thành “thánh địa” của các loài chim.
Sáng sớm, chim thoát rừng xuống khu dân cư dạo chơi. Chim chuyền từ cành vông sang cành đào, hót véo von ríu rít. Có khi, chim luồn lên gác xép mổ thóc, nhặt ngô. Chủ nhà không đuổi mà hể hả vui sướng vì hôm ấy nhà có phước, gặp may mắn.
Lễ cúng chim, cúng chó
Có lẽ, trên hành tinh này khó tìm đâu ra những lễ cúng dành riêng cho loài chim và loài chó như người Thu Lao ở huyện Si Ma Cai.
Lễ cúng chim được tổ chức hai lần trong năm vào ngày cuối cùng của tháng Giêng và ngày cuối cùng của tháng 6 âm lịch ở trước cửa rừng cấm, nơi có số lượng lớn cá thể chim cư trú.
Trước đó vài ngày, dân bản hùn tiền để sắm lễ cúng gồm 1 con lợn trọng lượng khoảng 100 kg, 2 con gà một trống, một mái, thóc, ngô, rượu, vàng giấy và hương.
Lễ cúng được chia làm 2 phần, phần cúng sống và phần cúng chín. Phần cúng sống họ không mang con vật lên nơi cúng mà chỉ cần cắt tiết con vật, sau đó lấy giấy vàng quệt vào bát tiết đặt dưới bàn thờ.
Nội dung phần cúng sống cốt để thông báo cho chim rừng biết hôm nay dân bản tổ chức lễ tết trong rừng.
Đến phần cúng chín, thầy cúng sẽ đặt con vật (đã được trần qua nước sôi, hoặc thui rơm) lên bàn thờ và cầu mong thần chim che chở cho dân bản luôn mạnh khỏe, vạn sự bình yên, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Sau khi mọi việc hoàn tất, thầy cúng sẽ hạ xương chân gà trống (được cho là nơi thần linh điềm báo) để xem vận hạn tốt - xấu cho cả làng trong 6 tháng tới.
|
Người Thu Lao thích ở trong những ngôi nhà trình đất |
Nếu xương gà tốt, cả bản kiêng không đi làm trong 3 ngày, còn xương gà xấu kiêng từ 5 đến 7 ngày mới được đi làm.
“Trong thời gian lệnh cấm làng có hiệu lực, nếu phát hiện thấy ai đi lên nương rẫy hoặc ra khỏi bản, trưởng thôn sẽ nhân danh cộng đồng phạt người vi phạm phải nộp toàn bộ lễ cúng để tổ chức lại lễ tết”, trưởng thôn Vàng Sáng Mìn chia sẻ.
Ngoài lễ cúng chim, lễ cúng chó được người Thu Lao tổ chức vào tháng 9 khi mà thóc vụ lúa mới đã đầy bồ nhưng dứt khoát phải là ngày con chó. Những chú chó sẽ được gia chủ tắm rửa thơm tho, bắt chấy, bới rận.
Sau khi hạ lễ cúng cơm mới gồm cơm, rau, thịt gà, thịt lợn..., gia chủ sẽ bớt một phần cho chú chó trong nhà ăn mỗi món ăn 1 đĩa. Nếu con chó chọn ăn món nào trước, thì năm ấy gia chủ sẽ đẩy mạnh tăng gia sản xuất cây trồng, vật nuôi đó. Bởi, họ tin rằng sản phẩm đó sẽ bán được giá cao.
Theo thầy cúng Thiền Sào Si ở thôn Sán Chá, ở một số thôn bản khác có người Thu Lao sinh sống, lễ cúng chim còn được gọi với tên khác là lễ cúng rừng. Còn lễ cúng chó được gọi là tết cơm mới.
Tệ nạn ư? Không bao giờ!
Mới đây, có ông Khẩu Khái Dèn 47 tuổi đang đi chăn trâu ở đất làng bên, gần về đến cổng làng Sán Chá bỗng đột quỵ rồi chết. Gia đình phải hớt hải khiêng cái quan tài rỗng ra đựng thi thể, xin đất làng bên rồi làm lý chôn luôn.
Lệ làng đã định, bất cứ ai tử vong ngoài địa phận của làng, dù đi bệnh viện, tai nạn giao thông hay thiên tai, dịch họa đều phải chôn ở đất làng khác. Cấm không được tổ chức tang ma trong nhà.
Thầy cúng Si lý giải: “Con ma chết ngoài làng là con ma dữ, nếu cho vào sẽ khiến dân làng tai ương”.
Theo quy ước của thôn, gia đình nào có đám ma, mỗi hộ trong làng giúp 1 lít rượu, 2 kg gạo, 0.5 kg đậu phụ. Gia đình nào có đám cưới, mỗi hộ giúp 4 kg gạo, 4 kg thịt, 1 lít rượu.
Bên cạnh đó, quy ước cũng quy định không được để trâu, bò, ngựa của nhà mình ăn hoa màu của nhà khác. Nếu vi phạm sẽ phạt gấp 10 lần số hoa màu thiệt hại. Nếu phát hiện những người trộm cắp tài sản của gia đình khác cũng bị phạt gấp 10 lần tài sản đã lấy.
Hằng tháng, trưởng thôn tuyên truyền người dân không đi sang Trung Quốc vì thôn gần biên giới, phụ nữ, trẻ em rất dễ bị lừa bán sang đó.
Tôi hỏi trưởng thôn Vàng Sáng Mìn, xưa nay có nhiều người vi phạm quy ước của làng không? Anh trả lời ngay: “Không bao giờ. Không tin, nhà báo cứ bỏ xe máy, đồ đạc ở ngoài mép đường trước cửa nhà, sáng mai mà không thấy tôi sẽ đền toàn bộ".
Hiện nay, đồng bào Thu Lao chỉ có vài trăm hộ sinh sống nơi rừng sâu dọc dải đất biên giới phía bắc thuộc hai huyện Si Ma Cai và Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Trong đó, huyện Mường Khương chỉ có xã Tả Gia Khâu có đồng bào Thu Lao. Còn ở Si Ma Cai có 3 xã: Nàn Sán, Thào Chư Phìn, Bản Mế. Do sống xa trung tâm, nên nét văn hoá cổ truyền của người Thu Lao còn đậm đà, phong phú.