Trong dân gian xưa nay vẫn lưu truyền những câu chuyện huyền bí mỗi khi các gia đình có việc hiếu, hỷ, đặc biệt là việc hiếu, người ta hay nhắc đến trùng tang. Theo cách lý giải truyền khẩu trong dân gian, trùng tang được cho là hiện tượng khi trong gia đình có người mất mà chưa hết tang đã kéo tiếp một, hoặc nhiều người thân. Vậy thực hư hiện tượng này như thế nào?
Những câu chuyện về trùng tang quả thực trong dân gian được lưu truyền quá nhiều và cho dù chưa có sự giải thích rõ dưới góc nhìn khoa học thì nó vẫn được lưu truyền trong dân gian, coi là có thật với nhiều kiểu trùng khác nhau.
|
Chùa Hàm Long ở Bắc Ninh chuyên để nhốt trùng. |
Những cái chết được cho là "trùng" sau khi lo xong hậu sự thì trong nhà, nội tộc lại tiếp diễn có người thân mất, hoặc lần lượt hai, ba người chết liền chỉ trong một thời gian ngắn. Khi người đầu tiên chết chưa hết tang thì người tiếp theo lại chết cho tới khi số người chết là đủ 3, 5 ,7, hay 9 người. Trên thực tế đời sống, cùng trong một gia đình, đã có nhiều trường hợp chết như vậy xảy ra khiến người ta nghĩ ngay là "dính" phải trùng tang.
Chúng ta đều biết khi ai đó mất đi, gia đình có người mất liền tiến hành tang lễ, trong đó không thể không có việc nhờ thầy xem giờ mai táng, xem người ra đi có sạch giờ không, có bị "trùng" không. Vậy thực chất "trùng" là thế nào?
Trùng Tang được dân gian truyền khẩu nôm na là một người chết vào thời điểm xấu nên không thể siêu thoát được, có thể không biết mình đã bị chết nên quay lại gọi những người thân của mình đi theo, gây nên cái chết cho những người thân của người quá cố. Vẫn có không ít người cho rằng "trùng tang" là một hiện tượng bí ẩn có thật trong đời sống và gia đình nào không may mắc phải thảm hoạ này thì chỉ còn nước cậy nhờ các pháp sư cao tay. Tuy nhiên, khi nhìn nhận dưới góc độ khoa học, bức màn này đang dần được hé mở.
Chống trùng tang trong dân gian
Trong cuộc sống, do quy luật sinh, tử nên cái chết là sự không thể tránh, nó lại thiên hình vạn trạng: Chết già, chết do bệnh tật, chết do tai nạn, chết do thiên tai, chết do chiến tranh, đói rét... Có người chết tại nhà, có người chết ở bệnh viện, có người chết đường, chết chợ. Có người thanh thản ra đi, có người "chết không nhắm được mắt".
Người chết đã đành người thân còn sống cứ băn khoăn, áy náy không hiểu người chết đã "đúng số" chưa, hay chết oan uổng... và ảnh hưởng của người chết với người sống như thế nào? Đây là những câu hỏi thường trực trong đời sống tâm linh và cũng là nguyện vọng của những người còn sống với vong linh người đã khuất và cũng để giải toả cho chính mình. Chính vì thế mà khái niệm về trùng tang, nhập mộ đã ra đời.
Từ quan niệm “trùng tang”, dân gian đã nghĩ ra nhiều cách để hoá giải dù chưa thật rõ bản chất của hiện tượng này là gì.
Theo kinh nghiệm dân gian, sau khi tính toán, phát hiện ra người chết phạm vào giờ trùng thì ngay lập tức phải áp dụng các phương pháp “điều trị”. Ngoài các phương pháp trấn yểm cắt trùng, còn 1 cách nhanh nhất là vào chùa xin nước cúng Phật trên Tam Bảo, sau khi chôn xong lấy nước ấy rưới đều xung quanh mộ để cắt trùng. Và còn nhiều cách giải trùng tang được dân gian kể như: Khi niệm, nhấc lên nhấc xuống 3 lần; Khi đậy nắp quan tài: nâng nắp 3 lần; Khi hạ huyệt nhấc lên nhấc xuống 3 lần. Nếu ở quê, đất rộng thì đào một huyệt giả bên cạnh, khi lấp quan tài thì lấp luôn huyệt giả; Đổ tỏi vào huyệt khi lấp đất…
Rồi có cả những phương pháp sử dụng các bài thuốc trấn trùng với các vị như thần sa, chu sa, sương luật, địa liền… cho vào túi rồi yểm trong quan tài. Hoặc có thể dùng các bộ linh phù để trấn bằng cách dùng linh phù để gối đầu người đã khuất, dán lên giữa ngực, hoặc lót dưới quan tài v.v và v.v…
Trong quan nệm dân gian, còn có việc gửi vong lên chùa để “nhốt trùng”. Những ngôi chùa được chọn phải là chùa có uy tín trong việc giữ vong. Thực ra, từ xa xưa đến nay, đã có không biết bao nhiêu vong linh được đưa đến chùa, theo sự suy nghĩ và tin tưởng của chúng sinh thì vong trùng tang trong nhà họ được đưa đến chùa là “Phúc”, gia đình không còn người chết trùng tang, vong được an nhàn tự tại.
Tuy nhiên không phải chùa nào cũng giữ được vong chết trùng. Nó phụ thuộc vào sự linh thiêng của chùa và mức độ cao tay của vị sư trụ trì. Người ta lưu truyền về một nơi "nhốt trùng" an toàn nhất là chùa Hàm Long (Quế Võ - Bắc Ninh). Chùa Hàm Long là ngôi chùa cổ mấy trăm năm nằm trên sườn núi, địa thế rất đẹp. Ngôi chùa u tịch, nằm gối đầu vào núi, xa là dòng sông.
Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, đây là nơi tu hành của Thiền sư Dương Không Lộ, một chân tu đắc đạo gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ. Từ ngàn xưa ấy, đồn rằng, nơi đây những vị cao tăng đã có phương pháp trấn yểm trùng huyền bí mà hiệu quả. Nơi đây còn có bộ ván in khắc phù giải "trùng tang liên táng" từ mấy trăm năm nay. Từ trong Nam ngoài Bắc trùng tang đều đem về đó gửi. Người nhà đưa di ảnh của người quá cố lên chùa sẽ được các sư hướng dẫn cụ thể cách kiêng kỵ. Những người sống trong gia đình được giữ lá bùa trong ba năm để đề phòng tai hoạ. Hàng ngày vào buổi sáng các nhà sư tụng kinh niệm phật cúng vong rất cẩn thận.
Chuyện ly kỳ như trên tại chùa Hàm Long được người dân lan truyền mà chẳng biết kiểm chứng thực hư như thế nào. Họ đồn đoán rằng, mỗi buổi những nhà sư phải nấu một nồi cháo to cúng thí, nếu hôm nào quên là gà vịt của người dân quanh vùng bị chết hàng loạt (!!!). Khi đưa vong lên chùa phải nhờ người không phải là họ hàng, nếu nhờ được bạn bè là tốt nhất, còn nếu không cũng phải nhờ người bên họ ngoại. Vì vong chết trùng thường rất khôn ngoan, nếu thấy người quen đưa đi thì thường nó sẽ đi theo về hoặc tệ hơn là nó đã biết trước và không đi theo. Thế nên sau khi nên mộ tròn tức là người chết đã về với tổ tiên, mới được thờ cúng lại bình thường.
Dù vậy, đây chỉ là những phương pháp hoá giải đầy huyền bí, không có cơ sở và thiếu tính thuyết phục. Về những chuyện trên, GS Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hoá) cho rằng: "Những chuyện như vậy, xét tính chân thật thì khó nói. Nhưng đó là tín ngưỡng dân gian, là niềm tin nên mặc nhiên người dân cứ người sau làm theo người trước và thành nếp như vậy. Và đã là tín ngưỡng thì không ai xem xét đến chuyện đúng sai, thực hư. Chỉ biết rằng, chùa Hàm Long là ngôi chùa cổ có giá trị văn hoá tâm linh được đông đảo người dân chiêm bái".
|
Tháp đá Như Trừng Lân Giác (để cứu sinh). |
Để hóa giải “trùng tang”, TS. Đỗ Kiên Cường cho rằng yếu tố tâm lý là nhân tố quyết định. Trên thực tế, sự cầu cúng, “nhốt vong”… mà nhiều gia đình thực hiện thực chất chỉ là hoạt động trấn an, để những người đang hoảng sợ sẽ tĩnh tâm trở lại, bình tĩnh hơn trong mọi tình huống. Và khi đã thư thái trở lại, tâm lý thoải mái, diễn tiến của các căn bệnh cũng có chiều hướng tốt hơn (yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng tới khoảng 9-40% người bệnh). Y học cho rằng niềm tin có thể giúp con người khỏe mạnh hơn về thể chất và tinh thần.