Lời giải nào cho hiện tượng “thần giao cách cảm“?

Google News

- Có nhiều khuynh hướng giải thích về hiện tượng linh cảm và mỗi giả thuyết lại có một luận thuyết khoa học khác nhau, mở ra một cái nhìn đa chiều về những khả năng đặc biệt của con người.

Bản chất của sự linh cảm

ThS Vũ Đức Huynh cho biết, bản chất của sự linh cảm là sự tác động của phần hồn, đặc biệt thành tố thần thức (vòng trường sinh học) thu nhận thông tin vào phần xác. Theo đó, một con người sống luôn có hai phần. Phần hồn là linh hồn của con người. Phần xác là thân vật lý thực hiện mọi chỉ đạo của phần hồn.

Phần hồn con người có 3 thành tố: Thần thức, vía và phách. Thần thức chính là vòng trường sinh học (vòng hào quang của con người) chỉ gồm các hạt điện năng lượng sinh học dương liên kết với nhau thành mạng lưới vòng đứng sát vòng mang điện tích âm của thành tố vía phía bên trong. Thần thức là bộ áp giáp tàng hình bảo vệ con người khỏi các hạt sóng xâm phạm vào, đồng thời tiếp nhận các xung động của vòng trường sinh khác bên ngoài.

Người và động vật khi còn sống đều có một vòng trường sinh học - tổ hợp các hạt điện sinh học âm bao quanh cơ thể. Vòng trường sinh học bị phụ thuộc vào năng lượng sinh học của cá thể riêng biệt. Năng lượng sinh học mạnh thì vòng trường sinh học rộng và đậm đặc. Trường sinh học vận động đa chiều và hướng nội, không tách khỏi vòng phạm vi. Sóng sinh học là dòng hạt điện sinh học lan truyền trong không gian. Con người có khả năng phát và thu sóng sinh học ấy. Sóng sinh học có thể tương tác với nhau hoặc giao thoa. Chính nhờ có vòng trường sinh học và sóng điện sinh học phát và thu mà con người và động vật có được cái gọi là "linh cảm".

Linh cảm xảy ra khi có sự "va chạm" giữa hai vòng trường sinh học hoặc giữa vòng trường sinh học với các sóng hạt điện sinh học. Ví dụ, linh hồn nào đó có năng lượng mạnh tiếp cận gần người - người âm về báo mộng hoặc có sự tương tác giữa hai nguồn sóng sinh học - những người đang còn sống.

GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu, tác giả bộ sách "Khoa học và vấn đề tâm linh" cho biết, dưới ánh sáng của cận tâm lý học, các khả năng đặc biệt của con người như ngoại cảm, linh cảm, thần giao cách cảm... đã có cách giải thích. Theo đó, ngoài trí thông minh, sự khéo léo kỹ thuật, con người còn có những khả năng đặc biệt trong lĩnh vực thông tin từ xa. Đó là quan hệ giữa các cơ thể sống, là quan hệ của trường sinh học, có thể truyền từ xa, rất xa mà không bị cản. Trường sinh học ở dạng hào quang mang thông tin về con người phóng chiếu ra không gian vũ trụ để giao tiếp từ xa gọi là thần giao cách cảm.

Osaoa là một nhà khoa học của Nhật Bản có giải thích hiện tượng này bằng cách ví von như sau: Cơ thể con người giống như một máy vô tuyến truyền hình hay một máy FAX có khả năng thu phát. Điều này giải thích cho việc đứa con ngoài mặt trận hy sinh hoặc bị thương thì "báo mộng" về và cha hay mẹ nhận được ngay.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giao cảm đánh thức người thân bị hôn mê sâu

Giải thích lý thuyết về trường hợp này, GS.TSKH Đoàn Xuân Mượu cho rằng, trong các dạng hoạt động của não, ngoài dạng ý thức đặc trưng của con người, thì còn dạng vô thức đã tồn tại từ xưa ở động vật có não. Loài người mặc dù đã tiến hóa như ngày nay vẫn kế thừa một phần đáng kể từ tổ tiên động vật những bản năng và những dạng hoạt động vô thức. Có điều lúc bình thường người ta ít biết đến dạng hoạt động này và cũng vì thế gọi là vô thức.

Việc con người linh cảm, thấy trước sự việc là do hệ thần kinh thực vật nằm ở đáy não là cơ cấu của vô thức. Con người ta khi chết cơ cấu tiếp tục hoạt động lâu nhất chính là thần kinh phó giao cảm của hệ thần kinh thực vật.

Ví dụ, khi hôn mê người ta sống bằng hệ thần kinh thực vật. Thần kinh giao cảm chủ yếu hoạt động ban ngày và phát thông tin, còn thần kinh phó giao cảm chủ yếu hoạt động ban đêm và nhận thông tin. Cứ tưởng tượng đứa con hy sinh ngoài mặt trận, hệ thần kinh giao cảm phát đi tin dữ và người mẹ ở nhà nhờ phó thần kinh giao cảm tiếp nhận tin dữ ấy - đó chính là thần giao cách cảm. Hay khi một người bệnh hôn mê lâu ngày (5 - 10 ngày không tỉnh) thì người ta dùng con vật thân hoặc người thân gọi cho tỉnh lại, cái đó không phải là vô căn cứ.

Chính thần kinh giao cảm (thần kinh thực vật) hoạt động trong giai đoạn đó và thần kinh phó giao cảm tiếp nhận thông tin ấy khi nhắc đến kỷ niệm xưa yêu quý thì người ta có thể tỉnh lại được. Cho nên mới có những chuyện người vợ có thể đánh thức người chồng bị hôn mê. Hoặc một đứa bé bị hôn mê, người ta đưa con chó thân yêu đến và đứa bé tỉnh lại. Trường sinh học thiêng liêng và cơ chế của nó tinh vi đến như vậy.

Vẫn mãi là những bí ẩn

Theo BS Nguyễn Thế Dân, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, có nhiều khuynh hướng giải thích về hiện tượng linh cảm. Căn cứ vào các trường phái duy tâm và duy vật khác nhau, người ta đã đưa ra rất nhiều giả thuyết:

Thứ nhất, đây chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên: Giả thuyết này phù hợp với những người theo luận thuyết "khoa học". Tuy nhiên, xác suất trong trường hợp này là rất nhỏ nên không đủ thuyết phục để giải thích những trường hợp tương tự thường xuyên xuất hiện và được ghi nhận trong thực tế đời sống.

Thứ hai, do những kinh nghiệm thực tế được lưu trữ trong tiềm thức, khi được khơi dậy bởi một hoàn cảnh cụ thể nào đó sẽ phát sinh ra hành động. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng, có một sức mạnh nào đó từ bên ngoài "mách bảo" (Thượng đế, Chúa, Thần hộ mệnh...) tác động vào ý thức của đối tượng thông qua những kênh thông tin đặc biệt. Hoặc đối tượng là một người có năng lực ngoại cảm bẩm sinh có thể biết trước được một điều gì đó (đối tượng có thể có nhận biết hoặc không có nhận biết về khả năng này).

Đặc biệt, có một kênh thông tin nằm ngoài giới hạn của năm giác quan thông thường mà chỉ một số người cảm nhận được. Chẳng hạn, về âm thanh, người bình thường không thể nghe được những âm có tần số siêu âm nhưng một số động vật như loài dơi, chó lại nghe được. Rắn nghe được hạ âm bằng bụng. Cá voi, hươu cao cổ và voi giao tiếp bằng sóng hạ âm.
 
Y học hiện đại cũng đã chứng minh có nhiều người không nghe được đủ những âm thanh trong giải tần số chung nghe được là từ 1,5 - 20kHz... Tuy nhiên, cho đến nay những giả thuyết trên vẫn chưa được kiểm chứng bởi các nghiên cứu khoa học chính thống. Đó vẫn mãi là những bí ẩn của con người.

Linh cảm hay còn gọi là linh tính là giác quan thứ 6, nhờ nó người ta có khả năng tiếp nhận những thông tin từ khoảng không vũ trụ, từ thế giới vô hình. Linh cảm sớm mách bảo con người việc nên làm hoặc nên tránh. Rất tiếc nhiều người cố tình làm ngơ hay cưỡng lại những điều mách bảo của linh tính để khỏi hồi hộp, lo âu, ném chặt nó vào tiềm thức, và thế là cái vũ khí trời cho cổ xưa nhất để tự vệ, mà con vật nào cũng có, bị chôn sâu, lèn chặt và trở lên vô dụng.

Xuân Hoài

Bình luận(0)