“Kế hoạch khủng bố 11/9” táo bạo của Hitler

Google News

Ít ai ngờ, 56 năm trước khi vụ 11/9 xảy ra, nước Mỹ suýt nữa phải hứng chịu một vụ tấn công đẫm máu tương tự do phát xít Đức thực hiện.

Với những hồ sơ tìm thấy, người ta phát hiện cả một âm mưu được chuẩn bị công phu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của trùm phát xít Adoft Hitler.
Kỳ 1: Âm mưu đen tối
Trong trí tưởng tượng của mình, trùm phát xít Hitler nhìn thấy cảnh tượng tòa tháp Manhattan rực cháy như một ngọn đuốc khổng lồ, các tầng nhà đổ sụp xuống, người dân chạy trốn trong hoảng loạn. Và khi đó, ngay cả những vị thần mà người dân Mỹ vẫn tôn thờ cũng không thể nào cứu được họ.
 Hitler tưởng tượng cảnh tòa tháp cao tầng Manhattan tại New York bốc cháy như một ngọn đuốc.
Điều này có lẽ cũng giống với trí tưởng tượng thúc đẩy trùm khủng bố Osama bin Laden và những cố vấn thân tín của mình vạch ra kế hoạch tấn công liều chết vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại New York năm 2001.
Mặc dù mục tiêu cách xa Berlin tới 4.000 dặm nhưng Hitler vẫn yêu cầu các nhà khoa học và kỹ sư nghiên cứu cách thức đánh bom theo đúng những gì hắn tưởng tượng.
 Osama bin Laden đã lấy cảm hứng tấn công WTC từ kế hoạch của Hitler?
Kế hoạch được chốt lại - sử dụng các máy bay liều chết lao thẳng vào trung tâm tòa nhà Manhattan, với mục tiêu gây ra nhiều thương vong và tạo sự phá hủy lớn nhất - và oái oăm thay lại cũng được chọn đúng ngày 11/9. Mặc dù kế hoạch này chưa xảy ra, nhưng khi đọc hồ sơ về những nỗ lực chuẩn bị cũng như những sự trùng hợp ngẫu nhiên, người ta không khỏi sửng sốt.
Trước đó nhiều năm, Hitler luôn tỏ ra thận trọng trong quan hệ với Mỹ, cố gắng không khiêu khích và tỏ ra hài lòng với việc Mỹ không dính líu vào chính trị của châu Âu. Về công khai, Hitlert thậm chí còn khẳng định rằng Đức không có tham vọng vượt Đại Tây Dương và là một người bạn của Mỹ.
Tuy nhiên, về mặt cá nhân, Hitler coi thường cấu trúc dân chủ, sự tôn thờ tự do cá nhân, xã hội đa chủng tộc và có nhiều chủ ngân hàng giàu có người Do Thái tại Mỹ, bởi tất cả đều trái ngược với tư tưởng Đức Quốc xã. Hắn cũng tính toán rằng sẽ có một ngày phải tính sổ với nước Mỹ.
 Mô hình chiếc máy bay Me 264. 
Với tiên lượng của mình, Hitler cho rằng ngày đó sẽ đến khi hắn hoàn thành mục tiêu trước mắt là chinh phục châu Âu và hủy hoại Liên Xô, lúc đó sẽ chỉ còn lại hai siêu cường trên thế giới - Đức và Mỹ. Một cuộc chiến khẳng định vị trí thống trị giữa hai bên là không thể tránh khỏi, và hắn rắp tâm chuẩn bị cho ngày đó.
Đầu năm 1937, Hitler đã rất phấn khích khi Willy Messerschmitt, một kỹ sư chế tạo máy bay thiên tài của Đức, báo cáo về mô hình máy bay ném bom tầm xa đang được phát triển tại nhà máy của mình ở Augsburg, miền nam nước Đức. Chiếc máy bay có 4 động cơ, được đặt tên là Me 264, được nghiên cứu với ý định sẽ dùng để hỗ trợ các chiến dịch của tàu ngầm Đức tại Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Messerschmitt cũng nói với Hitler rằng những chiếc máy bay này đủ khả năng bay tới bãi biển Mỹ. Hitler ngây người trong giây lát. “Chế tạo ngay lập tức”, hắn ra lệnh.
Chỉ 34 năm sau khi anh em nhà Wright chế tạo thành công chiếc máy bay đầu tiên, công nghệ đã được cải tiến vượt bậc với những chiếc máy bay ngày càng to hơn, bay nhanh hơn, ở trên không được lâu hơn và bay được những quãng đường xa hơn. Tuy nhiên, để chế tạo một chiếc máy bay có khả năng mang 3 tấn bom, bay một mạch không nghỉ từ Đức tới tận New York và quay trở lại dường như là một nhiệm vụ bất khả thi đối với khả năng công nghệ vào thời điểm đó. Những kỹ sư xuất sắc nhất của Messerschmitt đã dành cả năm sau đó để tìm cách chế tạo chiếc máy bay nói trên.
Lúc này, châu Âu đang trong giai đoạn chiến tranh, khi quân đội Đức đánh phá và xâm lược cả ở mặt trận phía tây và phía đông, nhằm thực hiện mục tiêu thống trị toàn cầu của Hitler. Tới năm 1941, Anh, Pháp đã bị đánh bại, Liên Xô thì bị bao vây. Ngày tính sổ đối với Mỹ cũng đến gần.
Để có thể thực hiện được ý đồ đó, vũ khí là yếu tố tiên quyết. Chiếc Me 264, tỏ ra là một vấn đề rắc rối. Chiếc máy bay này đòi hỏi phải có trọng lượng rất nhẹ mới có thể bay vượt Đại Tây Dương, nhưng cũng phải đủ vững chắc để có thể chở được một khối lượng bom đủ sức công phá, và cũng phải bay đủ nhanh để tự bảo vệ. Chỉ riêng vấn đề cân bằng khí động lực giản đơn thôi cũng chưa được giải quyết rốt ráo.
Một biện pháp rút ngắn quãng đường bay được đưa ra, đó là tìm điểm dừng chân giữa đường bay để Me 264 nạp nhiên liệu và sửa chữa. Do đó, Hitler đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch hải quân đánh chiếm Iceland - nằm giữa châu Âu và châu Mỹ.
Tuy nhiên, điều này đã được Mỹ dự đoán trước. Vào giữa năm 1941, Mỹ mặc dù trung lập và không tham chiến nhưng vẫn nhìn thấy âm mưu của Đức. Mỹ đã ra sức bảo vệ Iceland, không để quân Đức chiếm làm căn cứ. Toan tính bị thất bại, nhiệm vụ lúc này lại quay về với các kỹ sư của Messerschmitt. Chiếc máy bay của họ sẽ phải có khả năng bay xuyên Đại Tây Dương.
Cuối năm đó, nhiệm vụ tấn công Mỹ lại được thôi thúc khi mà - đáp trả cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật - Mỹ chính thức tham chiến. Hitler lúc này đã lộ rõ thái độ thù ghét nước Mỹ, nguyền rủa rằng: Mỹ là "một quốc gia thiếu văn hóa, được lãnh đạo bởi lòng tham", Tổng thống Roosevelt và “những đám lâu la người Do Thái xung quanh” là những tên dối trá, hiếu chiến.
Hitler không ngừng nói về trận chiến với kẻ thù mới, và khi Dự án Đánh bom người Mỹ vẫn chưa diễn ra, hắn cố gắng thử nghiệm một chiến thuật khác đối với chú Sam.
Đón đọc kỳ cuối: Nỗ lực bất thành
Theo Báo tin tức

Bình luận(0)