Nghe kể, cách đây gần trăm năm về trước, thân sinh ra cụ Nguyễn Thị Giới (80 tuổi, Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội) thường hay mơ thấy vùng đất nơi mình sinh sống có chôn rất nhiều vàng, bạc do giặc ngoại xâm phương Bắc để lại. Người báo mộng là bà Tiền Chủ - chỉ mới lên 7 tuổi nhưng dáng hình đẹp đẽ vô cùng...
|
Con đường dẫn vào ngôi đền kỳ lạ. |
Tóc bà dài quá gối, da trắng như tuyết, môi đỏ như son, mặc áo dài hồng, quần trắng. Nhân tiện một dịp làm nhà, các cụ thân sinh của bà Giới quyết định đào sâu xuống để tìm vàng…
Kho vàng bị trấn yểm?
Không ít người dân biết về câu chuyện kho vàng bị trấn yểm ở Phú Lương. Họ cứ truyền khẩu cho nhau nghe, nhưng chuyện kho vàng có thật hay không thì không ai xác định được. Theo đó, trước đây khi giặc phương Bắc sang xâm chiếm, chúng vơ vét rất nhiều vàng bạc, của cải của dân ta. Sau đó, chúng đem tất cả vàng bạc vơ vét được chôn dưới một hố sâu rồi trấn yểm, không cho ai xâm nhập. Đến mãi sau này, những người dân sống ở nơi kho vàng bị trấn yểm mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ liên quan đến khu vực chôn giấu, họ mới bảo nhau đào bới, tìm kiếm tung tích.
Cụ Nguyễn Thị Giới kể lại: “Ngày ấy các cụ thân sinh của tôi hay mơ thấy bà Tiền Chủ về báo mộng rằng nơi này được chôn cất rất nhiều vàng bạc. Người cai quản chính là bà Tiền Chủ và năm quan. Thấy bà Tiền Chủ báo mộng, các cụ nhà tôi vui mừng, tin rằng là có vàng thật. Nhân một dịp làm nhà, các cụ bảo nhau đào sâu xuống đất để tìm. Nhưng càng đào, hố đã sâu như ngọn tre mà vẫn chẳng thấy vàng đâu, chỉ thấy đất đá với tổ kiến đen. Mọi người thất vọng đành phải lấp lại. Thế nhưng sau đó, mọi người vẫn mơ thấy giấc mơ kỳ lạ đó. Ngay cả tôi cũng không ít lần mơ thấy bà Tiền Chủ”.
|
Nơi kho vàng bị trấn yểm. |
Theo lời cụ Giới, rất nhiều lần cụ mơ thấy hình ảnh về con trâu vàng đi từ ngoài ngõ vào đến gốc cây nhãn, chính là cổng điện Anh Linh bây giờ. Ngày xưa, con ngõ không san sát nhà cửa, lát bê tông như bây giờ mà được rào bằng bụi cây duối, cây râm bụt. Con trâu vàng sáng loáng, lững thững đi từ đầu ngõ đến gốc cây nhãn thì biến mất. Lần nào mơ thấy, con trâu cũng chỉ đi đến gốc nhãn là biến mất.
Người báo mộng không ai khác chính là bà Tiền Chủ. Cạnh gốc cây nhãn có hai kiêu gạch, một kiêu có 5 đôi hoa cuốn, 1 đôi đỏ, 4 đôi vàng, một kiêu xếp đầy vàng cốm to như bao diêm. Người báo cho cụ lựa chọn lấy đôi nào tùy thích, cụ chỉ dám xin lấy đôi nhỏ. Sau khi nhận lễ cụ lại nằm mơ và được báo rằng ngày ấy nếu tham lấy đôi to thì chết từ năm 8 tuổi rồi, chứ không sống được tới bây giờ?
Ngoài cụ Giới, một số người dân khác sống ở gần đó cũng mơ thấy những giấc mơ kỳ lạ tương tự. Đó là giấc mơ về con vịt vàng xuất hiện ở góc sân trong nhà. Người này nhìn thấy vội vàng ra bắt, nhưng cứ ra đến nơi, đưa tay ra chực bắt là con vịt lại biến mất không dấu vết. Một người dân còn cho biết: “Giấc mơ là điềm báo, nếu trong giấc mơ mình bắt được thì từ đó về sau sẽ ăn lên làm ra, giàu có vô cùng”.
Rồi một người dân khác, cứ đêm đến nhắm mắt ngủ là mơ thấy một đoàn binh lính vào trong bếp nhà mình nổi lửa nấu cơm, nấu cỗ rồi ăn linh đình. Sáng dậy thì lại chẳng thấy dấu tích gì.
Chuyện liêu trai về ngôi đền thờ bà Tiền Chủ
Cùng với những câu chuyện liêu trai về kho vàng bị trấn yểm, người dân Phú Lương còn hay bàn tán về ngôi đền thờ bà Tiền Chủ, người quản lý kho vàng bí ẩn đó. Ngôi đền này được xây dựng cách đây 67 năm, người xây dựng chính là các vị thân sinh của cụ Giới.
Về nguyên do xây đền, cụ Giới cho biết: “Trước khi xây đền, các cụ nhà tôi hay mơ thấy bà Tiền Chủ và kho báu bị trấn yểm. Dù đào lên không thấy nhưng các cụ vẫn tin có vàng chôn sâu dưới đất. Sau khi làm nhà, các cụ đem trả cho người hàng xóm một món tiền đã vay từ trước đó. Tiền đã trả rồi nhưng người hàng xóm này lại điêu ngoa bảo rằng các cụ nhà tôi chưa trả. Uất ức quá, cụ nhà tôi mới kêu xin đến bà Tiền Chủ nhờ đứng ra minh chứng".
"Cụ nhà tôi vừa kêu xong thì cũng đúng lúc nhà bên kia gặp chuyện lạ. Mẹ của người hàng xóm đã cầm số tiền mà kêu chưa trả ấy nhảy lên ngồi trên ban thờ rồi lấy hai tay tự vả miệng, tự đấm ngực mình. Họ sợ quá phải cầu xin bà Tiền Chủ tha tội, cụ nhà tôi cũng xin bà Tiền Chủ dừng tay thì mọi chuyện mới dừng lại. Kể từ sau sự việc đó, các cụ nhà tôi thấy sự linh thiêng của bà Tiền Chủ liền xây lên ngôi đền để thờ bà trong chính mảnh đất của gia đình và lấy tên là Anh Linh Điện. Khi còn sống, mẹ tôi luôn thờ phụng đèn nhang. Đến khi chết đi thì đến lượt tôi thờ cúng trông nom”. - cụ Giới cho biết thêm.
|
Cận cảnh ngôi đền thờ bà Tiền Chủ trông coi kho vàng. |
Tính đến nay, ngôi đền thờ bà Tiền Chủ đã xây được 67 năm. Đền nằm sâu trong con ngõ nhỏ, đối diện ngay với cổng nhà cụ Giới hiện giờ đang sống. Vì ít có người ra vào và cũng tránh cho trẻ con nghịch ngợm nên người trông nom đã xây tường cao kín mít. Khách lạ nào muốn vào đền mà không có người chỉ thì rất khó tìm ra.
“Ngôi đền này linh thiêng lắm, có cả phần âm đi theo. Ai gặp chuyện gì mà thành tâm đến dâng lễ cũng đều được bà Tiền Chủ độ trì phù hộ cho tai qua nạn khỏi. Ngược lại, những kẻ nào mà có hành động vô lễ thì sẽ bị quở phạt. Nhẹ thì đau ốm, nặng thì điên dại. Lúc ấy, lại phải đem lễ vật đến cầu xin bà thì mới được tha tội”, cụ Giới chia sẻ.
Được biết, ngoài thờ bà Tiền Chủ, ngôi đền còn thờ thêm 5 quan. Theo một số người dân trong vùng, năm quan này cùng tham gia cai quản kho vàng cùng bà Tiền Chủ. Năm quan này trước đây chính là 5 người bị giặc phương Bắc chôn sống cùng với kho vàng để trấn yểm?
Không rõ những thông tin có phần liêu trai mà cụ Giới và một số người dân chia sẻ ấy hư hay thực, nhưng có một điều chắc chắn là suốt bao nhiêu năm nay những câu chuyện nhuốm màu huyễn hoặc đó đã đi sâu vào tiềm thức và cuộc sống của người dân địa phương.
Ngôi đền cũng vẫn còn đó, được cụ Giới và một số người dân nhang đèn, hương khói quanh năm. Một số người không tin có ma quỷ, thần thánh, cho rằng những câu chuyện trên là bịa đặt, là do sự tưởng tượng quá mức của một số người. Sự tưởng tượng quá mức đó dễ gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và cuộc sống của người khác.
Trước thông tin nửa thực, nửa hư về kho vàng bị trấn yểm do bà Tiền Chủ và năm vị quan quản lý ở Phú Lương, không ít người đã tìm về đây khám phá. Thế nhưng, tất thảy trâu vàng, vịt vàng… chỉ là những đồn đoán trong cơn mộng mị. Và lời đồn thổi về “núi của” nơi đây cứ thế âm ỉ lan truyền mà chẳng biết đến khi nào mới được lý giải rõ ràng. Dù vậy, đến đất Phú Lương, Phú Lãm thời điểm này, có thể dễ dàng thấy được một “báu vật” nhãn tiền là cây bồ đề di sản ngàn năm tuổi, kích thước chục người ôm không xuể. “Báu vật” này luôn được người dân địa phương hết lòng bảo vệ như một phần máu thịt của vùng đất này.