Giai thoại về những cao thủ luyện thành nội công thượng thừa

Google News

(Kiến Thức) - Trong các câu chuyện về võ thuật, có lẽ không có gì hấp dẫn và cũng gây tranh cãi nhiều như chuyện về khí công, nội công.

Trong giới võ thuật luôn truyền tụng câu: “Luyện quyền chẳng luyện công, về già cũng như không”. Đại khái thì câu này có nghĩa là người luyện võ mà không luyện nội công thì đến già cũng không còn gì, không hơn gì người không luyện.
Câu chuyện về nội công luôn là một chủ đề gây hứng thú và tranh cãi trong giới luyện võ. Bởi lẽ môn nào phái nào cũng có những bài bản nhất định để rèn tập nội công. Tuy vậy, sự giống nhau là ở bất kỳ môn nào, đồ đệ chỉ được rèn luyện nội công khi đã luyện tập đến một trình độ nhất định. Đó là chưa kể dù có được luyện tập cũng chưa chắc đã thành tựu được. Chính bởi vậy mà các cuộc tranh luận về nội công thường rất sôi nổi thậm chí không có hồi kết.
  Võ sư Hàng Thanh biểu diễn nội công để cho xe cán qua lưng qua bụng mà không cần ván gỗ lót bên trên. Ảnh in trên bìa cuốn sách "Tự luyện nội công Thiếu lâm Sơn Đông" của võ sư Hàng Thanh, xuất bản năm 1974.
Nguyên do của nó, như võ sư Hàng Thanh từng viết trong cuốn “Tự luyện nội công Thiếu lâm tự” là: “ Nhiều bậc sư phụ tân thời đã bày vẽ cho môn đồ của họ những nguyên tắc luyện nội công một cách quá đơn giản, để rồi những môn đồ yêu quý có gia công hàng nhiều năm tháng cũng chẳng đến đâu. Cũng theo chiều hướng nhằm giản dị hóa những bài giảng về phép tu luyện nội công, nhiều tác giả chỉ trình bày sơ lược vài phép tập luyện đơn sơ, rồi những người tự luyện tưởng chừng như mình lãnh hội được chân truyền… mà thật ra mọi người đã hàm hồ không ai nắm được yếu quyết về cách tu luyện… Con số quá lớn những người không thành tựu công phu lần lần đi vào đường mất tin tưởng những bí quyết”.
Vì nội công là võ học thượng thừa mà đến nay phần nhiều vẫn còn được truyền thụ theo dạng “khẩu truyền tâm ấn”, chỉ người dạy và người học ấn chứng được. Bởi thế ở đây chúng tôi không dám mạn đàm mà chỉ xin nêu ra một vài câu chuyện, sự tích về các khả năng của những bậc danh sư võ học được cho là thành tựu về nội công.
Âm kình đánh chết thú dữ
Theo Phương Thái Không đại sư viết trong cuốn “Tự luyện Thiết sa chưởng”: Vào năm Dân quốc thứ 17 (1929), một danh sư võ học tên Cố Mi Chương, một hôm dạo chơi xứ Quảng Đông gặp một lực sĩ người Nga to lớn đang bày trò mãi võ tại đất Quảng với một con ngựa.
Người Nga đại lực sĩ rất tự đắc dẫn con thần mã giới thiệu với quần chúng đây là con thựa thần rất hung dữ, không ai có thể hàng phục nó được mà chỉ có đại lực sĩ Nga là khống chế nó dễ dàng dù là ngay trong lúc nó nổi điên. Thật ra thì ngựa nào chủ nấy, hắn đã huấn luyện con ngựa dữ này theo ý mình. Con ngựa biết tránh né và phản kích với đối thủ của nó và luôn tỏ ra hung hăng ngoại trừ chủ nó.
Cho tới buổi trưa hôm đó tại đất Hồ Quảng đã có rất nhiều võ sư bị ngựa đá trọng thương. Cố Mi Chương mang mối bất bình vì tự ái quê hương nên đã vào đấu với con ngựa dữ.
Con ngựa quả tinh khôn và kiêu dũng đã quần thảo với Cố Mi Chương đến vài ba phút. Nhưng trong một thoáng nhanh như điện, vị võ sư đã phát vào lưng ngựa một chưởng làm nó hí lên một tiếng khủng khiếp rồi ngã khụy xuống đất. Chẳng bao lâu sau nó sùi bọt mép và chết hẳn.
Người Nga biết mình không địch lại vị võ sư này nên nhân lúc nhốn nháo đã thu gọn hành trang lẩn đi mất dạng.
Người ta xem xét xác ngựa thì bên ngoài chẳng thấy thương tích gì nhưng khi mổ phanh ra mới hay là gan ruột con ngựa đã bị nát bấy vì phát chưởng của Cố Mi Chương. Bấy giờ người ta mới biết vị võ sư đã dùng môn võ học âm kình thượng thừa để giết con ngựa, bảo vệ danh dự xứ Quảng. Trong trường hợp này, nếu dùng Dương kình đả thương ngựa thì bên ngoài tất có dấu vết dập bể mà bên trong xương cốt ngựa cũng bể nát. Xem thế mới biết âm kình rất đỗi lợi hại khó đo lường.
Những chứng nghiệm nội công ở Việt Nam
Cũng tài liệu nói trên có kể chuyện võ sư Hàng Thanh từng để mềm cánh tay mà 6, 7 người có sức lực cũng không bẻ gập lại được: “Một ví dụ là Giáo sư Hàng Thanh, đệ nhị đại đồ đệ của Thiện Tâm Thiền sư, hiện mang đẳng cấp đệ thất đẳng huyền đai, lúc gặp chân sư thì đã gần 30 tuổi, thế mà sau 6 năm tu tập môn khí công đã chứng nghiệm được kết quả đáng kinh ngạc: cánh tay của Giáo sư đưa ra mềm mại không dẫn lực thế mà 6, 7 người có trình độ vẫn không thể làm cho cánh tay gập lại. Chúng tôi đã được Giáo sư biểu diễn cho xem trong kỳ đại hội của Tổng hội Dịch Lý Việt Nam năm 1972”.
Một câu chuyện khác do võ sư Lý Băng Sơn kể đã được đăng lên báo. Đó là câu chuyện ông đến thử cố võ sư Trần Công. Nghe tiếng cụ Trần Công là người có nội công thâm hậu, có thể phóng khí chữa bệnh, võ sư Băng Sơn chủ tâm đến thử xem sao.
Vào một ngày, ông lấy côn tự đập vào tay trái mình cho bầm tím rồi đến nhờ cụ Trần Công chữa trị cho. Nhìn vết thương, cụ Trần Công cũng đoán được ý nên bảo: “Ông muốn ta phóng khí chữa vết thương phải không, được rồi, ông cứ ngồi nguyên đó, ta sẽ chữa cho”.
Sau khi vận khí, lão võ sư Trần Công đặt tay cách chỗ sưng của võ sư Băng Sơn khoảng 1 gang tay và bắt đầu phóng khí chữa bệnh. Chỉ sau 3 phút, võ sư Băng Sơn thấy tay mình không còn đau đớn nữa như thể chưa hề có cú đập. Ông hết sức kinh ngạc về điều đó.
 Võ sư Trần Công.
Ngoài ra, ở Việt Nam còn có một huyền thoại nội công nữa là cố võ sư Hà Châu với khả năng nằm cho xe lu gần 20 tấn cán qua. Với khả năng ấy, võ sư Hà Châu được xếp vào 1 trong 3 kỳ nhân võ thuật thế giới. Trong những năm của thập kỷ 70, võ sư Hà Châu đã nhiều lần biểu diễn khả năng đặc dị của mình ở miền Nam Việt Nam.
Những câu chuyện kể trên, nhất là các câu chuyện ở Việt Nam, thời gian không xa xôi gì và cũng còn cả ảnh, video hoặc các nhân chứng vẫn còn. Do vậy, có thể thấy là chuyện nội công hoàn toàn là một năng lực của con người chứ không phải chỉ có trong phim ảnh. Dĩ nhiên để luyện thành tựu nội công thì còn cả một quá trình gian khổ trần ai.
Khánh Nam

Bình luận(1)

Minh Hiền

minh

Bây giờ rất hiếm người còn có thể luyện được những võ công thượng thừa (mà vốn dĩ chúng ta tưởng chỉ có thể có trong truyền thuyết - còn những người có chút thành tựu võ công hiện nay mà chúng ta ngưỡng mộ tôi tin là cũng chưa đạt được mức mà cha ông đã đạt), theo tôi có những nguyên nhân chính: - Do thất truyền: Để luyện được võ công cao siêu đòi hỏi cả hai yếu tố: thày giỏi và trò có năng khiếu và chuyên cần. Tuy nhiên để hai yếu tố này gặp nhau thì không đơn giản, nhiều khi phải có cơ duyên. - Ngày trước người giỏi võ là có công cụ quan trọng để phòng thân (chưa kể còn có thể lập nghiệp). Ngày nay tuy vẫn có tác dụng phòng thân nhưng với những công cụ hiện đại như súng đạn thì rõ ràng võ thuật không còn là biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất. Còn lập nghiệp thì may ra chỉ mấy vận động viên thể thao là còn cơ hôi (nhưng đó cũng chỉ thuần túy thể thao còn để họ đạt được trình độ võ công cao thì là mơ).