"Ngày 5/8/1967, tôi nhập ngũ tại công ty với khoảng 1.000 thanh niên khác. Sau đợt huấn luyện, tôi được phân về đơn vị vận tải của Quân khu Việt Bắc. Thế nhưng tôi và một số đồng đội nữa không muốn tiếp tục lái xe mà thích tham gia bộ binh rồi vào chiến trường. Chúng tôi làm đơn và được biên chế về Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 250 rồi hành quân đi B" - Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại.
|
Trung tướng Phạm Xuân Thệ.
|
Những ngày này Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên tư lệnh quân khu I, người đã áp giải Tổng thống Dương Văn Minh đến đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện cách đây 40 năm trước, luôn tất bật đón khách, những đoàn phóng viên, nhà báo, đồng đội cũ đến thăm, và những cuộc giao lưu, gặp gỡ cựu chiến binh và thế hệ trẻ. Rất may mắn cho PV vì đã liên hệ được với Trung tướng Phạm Xuân Thệ khi ông vừa mới có cuộc giao lưu ở tỉnh đội Hà Nam về Hà Nội.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ sinh năm 1947 ở Khả Phong (Kim Bảng, Hà Nam), trong một gia đình có truyền thống cách mạng, vùng quê yêu nước nồng nàn đã thấm vào trong tiềm thức cũng như ý chí của thanh niên Phạm Xuân Thệ ngày đó.
Tiếp chúng tôi trong một căn nhà ấm cúng trên con phố Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, phòng khách của gia đình ông cũng giống như một phòng trưng bày nhỏ các hiện vật chiến tranh, những tấm ảnh đồng chí đồng đội, chiến trường khốc liệt khói lửa, đạn, bom đã vượt thời gian 40 năm mà ông còn giữ lại làm kỷ kiệm. Đối với ông, đó là những kỷ vật vô giá không thể để lãng quên.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ đến nay đã 68 tuổi. 68 mùa xuân đi qua trong đời, 40 lần kỷ niệm ngày tháng 4 lịch sử, kể từ khi ta toàn thắng cuộc nội dậy mùa xuân năm 1975. Dường như trong ông vẫn tồn tại hoàn toàn chất lính, chất bộ đội cụ Hồ: hài hước, hóm hình, khiêm nhường, và đặc biệt là sự nhanh nhẹn, dõng dạc trong giọng nói, ông nói to rõ ràng; đặc biệt khi nói về khí thế cách mạng, kháng chiến, giọng điệu tự hào tuôn chảy trong con người vị tướng đã đi qua chiến tranh.
Ông bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời binh nghiệp cũng như năm tháng khói lửa cùng anh em chiến sỹ, đồng đội và giờ phút làm nên lịch sử bắt sống tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, chiến dịch toàn thắng.
Xung phong đi bộ đội khi chưa đủ tuổi nhập ngũ
Năm 1964, sau khi học hết lớp 7, cậu thanh niên Phạm Xuân Thệ xung phong vào bộ đội nhưng không được tuyển vì chưa đủ tuổi, khi nhà nước mở nhà máy thủy điện Thác Bà, Xuân Thệ xin vào làm công nhân của tại nhà máy, làm được một thời gian rồi đi học lái xe chở đất đá để thi công công trình.
Trong thời gian làm việc tại công trường, ông chứng kiến muôn vàn gian khổ của công nhân. Trong khi đó, chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt, thủy điện bị đánh phá, nhiều thanh niên hy sinh. Thậm chí, khi chở đất đá từ trong nhà máy thủy điện Thác Bà sang để xây dựng sân bay, nhiều tài xế hy sinh ngay khi đang lái xe.
Trong công trường làm việc, người thanh niên Phạm Xuân Thệ đã nung nấu ý chí và quyết tâm sẽ trở thành một chiến sỹ cách mạng, cầm súng đấu tranh. Ý chí ấy càng nhân lên gấp bội khi ông biết tin anh trai mình hi sinh trong chiến trường.
“Đến tháng 8/1966, tôi nhận được tin anh hy sinh. Mất đi người thân trong gia đình, tôi như đứt từng khúc ruột, một cú sốc lớn đối với tôi và gia đình. Khi ấy, cộng với lòng hận thù, tôi càng khao khát được tham gia chiến đấu” - Trung tướng Phạm Xuân Thệ buồn nhớ lại.
Sau bao năm chờ đợi và mong mỏi ước mơ cầm súng đánh giặc, cuối cùng thì ngày đó cũng đã đến. Tháng 8/1967, thấy thông báo tuyển bộ đội ở công ty, ông liền xung phong đi ngay. Tướng Thệ hào hứng nhớ lại: "Ngày 5/8, tôi nhập ngũ tại công ty với khoảng 1.000 thanh niên khác. Sau đợt huấn luyện, tôi được phân về đơn vị vận tải của Quân khu Việt Bắc. Thế nhưng tôi và một số đồng đội nữa không muốn tiếp tục lái xe mà thích tham gia bộ binh rồi vào chiến trường. Chúng tôi làm đơn và được biên chế về Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 250 rồi hành quân đi B. Có thể nói rằng, đường binh nghiệp của tôi thăng trầm, nhưng rồi may mắn tôi cũng đã trở thành chiến sỹ".
“Phải nói là thanh niên chúng tôi ngày đó khí thế lắm, chỉ hừng hực khí thế vào Nam đi đánh Mỹ. Nghĩ đến quân thù là không thể ngồi yên, ngày tôi được vào bộ có lẽ là ngày tôi vui nhất, tôi thỏa mãn mọi ước mơ bấy lâu nay, tôi đợi cái ngày được nhập ngũ lâu lắm rồi, nên trong lòng lúc đó như nở hoa, vui không thể tả được cảm xúc giờ phút ấy” - ông Thệ tươi cười kể lại.
Chiến trường khốc liệt, càng nung nấu ý chí
Tham gia trận đánh đầu tiên tại cao điểm 425, Bắc Đường 9 phía tây Khe Sanh vào những ngày tháng 5/1968, những ngày đó chiến trường ác liệt, mưa bom, bão đạn, đồng đội hi sinh trước họng súng của quân thù, những ngày đầu của đời lính, chàng thanh niên đã hiểu được tính chất khốc liệt của chiến tranh và tàn bạo của kẻ thù, bởi là một người ao ước được vào chiến trường nên những điều đó không làm chùn bước đôi chân, và ý chí quyết tâm đánh giặc.
Theo lời kể của tướng Thệ, cuối năm 1972, khi chỉ huy chiến đấu tại chiến trường Hải Lăng (Quảng Trị) cùng đồng đội, ông bị trúng đạn vào bắp chân và sau gáy phải về hậu phương điều trị. Sau thời gian nằm dưỡng thương ở Viện 5 của Quân khu 3 (Ninh Bình), Phạm Xuân Thệ được Đoàn điều dưỡng 296 cho về nghỉ phép một tháng.
Trong thời gian dưỡng thương khỏi, ông đã lập gia đình với một cô gái làng bên. Ông Thệ nói vui: "khi đó tôi cũng chưa muốn lấy vợ đâu, vì tôi còn thích cuộc sống độc lập lắm, tôi còn ham muốn vào chiến trường". Nhưng vì gia đình lúc đó neo người, bố mẹ già cả, nên để yên tâm cho bố mẹ và gia đình, ông quyết định lập gia đình.
Khi đó bom đạn quân thù vẫn đánh triền miên, là một con người với ý chí đánh giặc và bản tính không muốn ngồi yên một chỗ, theo Tướng Thệ thì cuộc sống mà không cầm súng đáng giặc thì buồn lắm.
Nửa tháng sau ngày cưới, ông Thệ đã nói dối gia đình và người vợ mới cưới là vào chiến trường để lấy giấy tờ, nhưng thực ra ông vào chiến trường để được tiếp tục chiến đấu cùng anh em. Khi được hỏi đi như vậy ông có thương mà lo cho gia đình không, ông cười và nói: “Thực ra thì đối với tôi, cuộc sống mà không chiến đấu thì nhàm chán quá, lúc đó tôi vẫn còn là tuổi trẻ, vẫn là chàng thanh niên, lý trí cách mạng còn phơi phới lắm, nếu ở nhà thì quả là tôi không chịu được, nên cho dù biết vợ trẻ mới về làm dâu, bố mẹ già cần lắm một trụ cột gia đình, nhưng tôi đành chấp nhận để một lần nữa xách ba lô ra đi”.
“Suốt chiến dịch, hầu như trận đánh nào tôi cũng bị thương, nhưng chỉ điều trị khoảng một tháng lại khỏe trở lại, và tiếp tục cầm súng” – Ông Thệ vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi xem những vết thương trên người mình.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông nằm trong một hướng tiến vào Sài Gòn. Khoảng 10h sáng ngày 30/4/1975, sau khi 2 chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập, ông là một trong những người đầu tiên trong đơn vị của mình, tiến vào Dinh Độc Lập, bắt gọn cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn và là người trực tiếp áp giải Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ còn nhớ như in giờ phút vĩ đại của dân tộc khi đó, ông kể lại: “Khi chiếc xe tăng thứ nhất thúc vào bên trái bị kẹt không vào được. Chiếc xe tăng thứ 2 húc bật cánh cổng và lao vào trong sân, tôi đi trên chiếc xe Jeep 2 vào trong Dinh. Mục đích là đánh chiếm được địa điểm nào thì cắm cờ ở đó, lúc này chúng tôi chưa biết chính quyền Dương Văn Minh ở đây.
Khi lên đến tầng 2, chúng tôi gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông ta nói: "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đang ngồi trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc".
Khi vào bên trong, ông Hạnh giới thiệu Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Tổng thống Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao". Ngay lập tức, tôi trả lời lại ngay: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả".
Tôi trực tiếp áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng, khi đó tiếng súng vẫn nổ. Và cuối cùng Dương Văn Minh đã phải nhục nhã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng miền Nam – Việt Nam. Tôi tuyên bố, chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao chính quyền từ trung ương đến địa phương lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam”.
Toàn quân, toàn dân Sài Gòn và dân tộc Việt Nam vỡ òa trong niềm sung sướng, cảm xúc khi đó theo Tướng Thệ là “Không thể nói được thành lời, môi người mỗi vẻ, còn riêng tôi, tôi vui sướng lắm, cảm giác như không thể tin phút giây này lại có thật, sau bao năm mong mỏi, bây giờ chúng ta được tự do, dân ta được làm chủ đất nước mình, chúng tôi – những người lính, được nghĩ về gia đình, anh em, bạn bè, xóm làng… sau bao nhiêu năm ròng rã ở chiến trường không biết sống chết ra sao, không biết sẽ chết lúc nào, nói thật là không thể tả xiết được cảm xúc khi đó, sung sướng lắm”
Nỗi niềm của vị tướng đã đi qua chiến tranh
Tham gia xuyên suốt tất cả các chiến dịch của đơn vị, ông đã chứng kiến biết bao người đồng chí đồng đội của mình hi sinh dưới chân mình, đến nay khắp tất cả các chiến trường đều có đồng đội hi sinh.
“Lúc nào tôi cũng nghĩ những người còn sống qua cuộc chiến tranh như chúng tôi, là đang sống cả phần cuộc đời của những đồng đội đã hy sinh, tất cả những người trực tiếp cầm súng, trực diện chiến đấu trên trận tuyến đánh quân thù đều là anh hùng” - Trung tướng Phạm Xuân Thệ nhấn mạnh.
Tôi thường nhắn nhủ với những người đồng đội còn sống rằng: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Chúng tôi còn sống, trở thành tướng, tá thì biết bao đồng đội đã không thể may mắn trở về, có những đồng chí đồng đội của tôi mãi mãi không tìm thấy hài cốt, bị chôn vùi trong bom đạn, đâu đó trên khắp đất nước Việt Nam vẫn còn tiếng khóc thương của những người mẹ mấy chục năm trời ngóng đợi tin con. Đất nước tổ quốc, non sông mãi không quên ơn các anh, những người chiến sỹ cách mạng, những con người hồi sinh dân tộc. Nên dù đã nghỉ hưu, nhưng chúng tôi vẫn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động hướng đến các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh.
Hiện tôi đang đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 304, Phó ban Liên lạc Quân khu Trị - Thiên. Tôi và những người đồng đội của mình thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, đặc biệt là các hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Có lẽ đó là những gì đối với người đã đi qua chiến tranh của chúng tôi có thể làm cho các đồng chí đồng đội của mình. Các đồng đội đã hi sinh, họ mãi là những anh hùng”.
Tháng 4 lịch sử của dân tộc, là những ngày cả nước ta cũng hướng về ngày đại thắng 30/4/1975. Những người lính, hi sinh hay còn sống, họ là những anh hùng. Những con người làm sống lại tổ quốc.