Người may mắn sở hữu bức ảnh để Bác chọn làm tấm bưu thiếp chúc xuân là nhiếp ảnh gia Hữu Cấy.
Ông cũng là người sau này được phân công túc trực chụp ảnh suốt 9 ngày đêm trong tang lễ của Người. Và, dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Ông kể cho chúng tôi nghe từng chi tiết của sự kiện đặc biệt ấy.
|
Hai bức ảnh hoa hồng của nhiếp ảnh gia Hữu Cấy được Bác chọn để làm bưu thiếp chúc Tết của Người. Ảnh: ĐSPL. |
Bất ngờ ngày xuân đến
Vào cuối năm 1966, bộ Văn hóa (cũ) giao cho Nhà xuất bản Văn hóa tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh về hoa để chọn một bộ ảnh phục vụ cho dịp Tết 1967. Cuộc thi đã thu hút đông đảo tay máy chuyên và không chuyên tham gia, gửi nhiều ảnh với đủ loại hoa về dự thi.
Sau khi tuyển chọn, ban tổ chức đã tập hợp được 14 bức ảnh về hoa đẹp nhất, trong đó có hai bức về hoa hồng của nghệ sỹ nhiếp ảnh Hữu Cấy. Nhưng, điều bất ngờ là ít lâu sau khi ban tổ chức đã chọn được 14 bức ảnh thì Bác Hồ có yêu cầu tuyển chọn các bức ảnh đẹp để Người làm bưu thiếp chúc Tết năm đó.
Sẵn có 14 bức ảnh được tuyển chọn, ban tổ chức quyết định trình lên để Trung ương Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Sau một thời gian, Văn phòng Trung ương Đảng chọn 4 bức cuối cùng để trình lên Bác. Trong đó, tiếp tục xuất hiện 2 bức về hoa hồng của nhiếp ảnh gia Hữu Cấy và 2 bức còn lại thuộc về nhiếp ảnh gia Đỗ Huân với ảnh hoa sen và hoa cúc đại đóa của nhiếp ảnh gia Lê Vượng.
Chọn được 4 bức này, ông Vũ Kỳ, Thư ký của Bác trình lên để Người xem, lựa chọn bức cuối cùng làm bưu thiếp chúc Tết năm 1967. Cuối cùng, Người quyết định chọn 2 bức ảnh về hoa hồng của nhiếp ảnh gia Hữu Cấy để đi in thử. Sau đó, Bác còn tranh thủ đưa ra lấy ý kiến tập thể. Và, kết quả cuối cùng, cả hai bức ảnh của nghệ sĩ tài hoa này đều được lựa chọn làm phương án cuối cùng.
Tết năm 1967, Bác đã dùng tấm thiếp có hình ảnh hoa hồng của nhiếp ảnh gia Hữu Cấy để chúc xuân nơi nơi. Một ảnh còn lại được Trung ương Đảng chọn làm bưu thiếp chúc xuân cùng năm. Hình ảnh hai bông hoa hồng đỏ thắm, rực rỡ với những cánh hoa đang bung đầy sức sống làm nhiều người phải trầm trồ, khi tác giả đã phả được cái hồn của mình vào trong đó, đồng thời, chớp được khoảnh khắc đẹp nhất của loài hoa này.
Và rồi đến Tết năm 1968, Bác lại tiếp tục yêu cầu tìm các bức ảnh về loài hoa đẹp để làm bưu thiếp chúc xuân. Nhà xuất bản Văn hóa phải tổ chức tìm kiếm các bức ảnh có loài hoa đẹp để Người lựa chọn. Nhưng lần này, sau khi ban tổ chức lựa chọn và trình lên, Bác không ưng ý bức nào mà quyết định sử dụng lại bức ảnh hoa hồng đã dùng chúc xuân năm 1967 để chúc Tết năm 1968.
Hẳn ai cũng còn nhớ, mùa xuân năm 1968, Bác đã có bài thơ chúc Tết: “Xuân này hơn hẳn mấy quân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên, toàn thắng ắt về ta”.
Đây là thời điểm hết sức đặc biệt, khi mà quân và dân miền Nam tấn công đồng loạt Mỹ - Ngụy ở các đô thị trong vùng bị địch tạm chiếm. Nhiếp ảnh gia Hữu Cấy tâm sự: “Theo ông Vũ Kỳ thì bức thư chúc Tết được Bác chuẩn bị từ ba tháng trước. Sáng Chủ nhật, ngày 31/12/1967, Bác đến Phủ Chủ tịch để đọc ghi âm thư chúc Tết.
Đến sáng ngày 1/1/1968, Bác gửi thư chúc mừng năm mới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước. Lời chúc Tết của Bác đồng thời cũng là hiệu lệnh mở đầu cho các cuộc tiến công và nổi dậy được truyền đi khắp mọi nơi.
Tinh thần của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom và đánh phá miền Bắc. Đồng thời, thừa nhận chính thức Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và ngồi vào bàn đàm phán Paris...”.
Bác chọn tiếp hoa hồng
|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy, người có ảnh ba lần được Bác chọn làm bưu thiếp chúc xuân. Ảnh: ĐSPL. |
Nhiếp ảnh gia Hữu Cấy bùi ngùi: “Đến năm 1969, năm cuối cùng của Người trước lúc đi xa, tấm bưu thiếp có hình ảnh hoa hồng lại được Bác chọn một lần nữa để chúc Tết. Lần này, có nhiều ảnh đẹp được chọn ra, trình lên cho Bác. Nhưng, Bác lại vẫn chọn bức ảnh hoa hồng đã sử dụng trong năm 1967. Năm này, Người chúc Tết với nhiều dự cảm: Năm qua thắng lợi vẻ vang,/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to./ Vì độc lập, vì tự do,/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào./ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào,/Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.
Bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người đã thắp sáng lên niềm tin, tạo thêm phấn chấn và động lực cho đồng bào, chiến sĩ cả hai miền Nam – Bắc thời ấy vượt qua gian nan, thử thách để đi đến thắng lợi cuối cùng như lời Bác viết: “Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.
“Khi nhận được tin, Bác vẫn lấy bức ảnh hoa hồng làm ảnh của bưu thiếp chúc Tết, tôi thực sự thấy hạnh phúc”, nhiếp ảnh gia Hữu Cấy nói với giọng nghẹn ngào.
PV hỏi, làm thế nào mà nghệ sĩ lại có được bức ảnh đẹp này và ba lần liên tiếp được Bác Hồ chọn làm bưu thiếp để chúc Tết?
Nghệ sĩ Hữu Cấy tâm tư: “Đó là những bông hoa hồng được trồng tại vườn hoa Thống Nhất (Hà Nội). Trong một buổi chiều, nắng đẹp của năm 1966, tôi cùng Thủ trưởng của mình lúc ấy là anh Nguyễn Đình Tính, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa chạy trên chiếc xe đạp đi tìm cảm hứng sáng tác. Đến vườn hoa, thấy có nhiều hoa hồng đẹp thì chúng tôi quyết định dừng lại ngắm. Trong lúc ngắm hoa, thấy một khóm hoa hồng nở bung rất đẹp, với các cánh đều nhau lại có thêm ánh nắng rọi vào làm cho bông hoa càng thêm đẹp, rực rỡ. Không cưỡng lại được khoảnh khắc này, tôi bàn với anh Tính chụp ảnh. Để chụp, anh Tính đã giúp tôi nâng cánh hoa lên cho đúng tư thế như trong ảnh sau này, đồng thời để ánh nắng và hoa hòa hợp, tạo cho bức ảnh một cách hoàn hảo nhất”.
“Sau khi chụp, đến khi rửa ra, tôi lại càng thấy nó đẹp hơn. Thế nên, mới quyết định gửi đến cuộc thi chọn ảnh về hoa”, nghệ sĩ nhiếp ảnh ở tuổi ngoài 80 nói vẫn nguyên vẹn sự xúc động.
Cho đến ngày hôm nay, ông vẫn không ngờ được, đến tận ba năm, bức ảnh hoa hồng lại vẫn được Bác chọn làm bưu thiếp chúc Tết, đặc biệt là trong những năm tháng quan trọng ấy. Đó là điều vô cùng vinh dự và mãi đi theo cuộc đời của tay máy đất Hà thành này.
Không chỉ là người có ảnh được chọn chúc Tết, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy còn là người được phân công túc trực, chụp ảnh tang lễ của Bác Hồ trong suốt 9 ngày đêm. “Lúc đó, tôi được lãnh đạo phân công theo đám tang của Người. Cũng như hàng triệu trái tim người Việt, tôi không kìm được nước mắt, cảm xúc.
Có khi nước mắt rơi trên chiếc máy ảnh nhưng rồi kìm nén đau thương, mất mát to lớn về sự ra đi của vị lãnh tụ, tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ. Đến nay, những bức ảnh này với tôi như là một phần của đời mình”, nghệ sĩ Hữu Cấy nhớ lại.