Đám tang lạ nhất Việt Nam: Chết là nổ súng

Google News

(Kiến Thức) - Đám tang lạ nhất Việt Nam: Người Mông nổ 4 - 6 phát súng nếu người chết là đàn ông và 7 - 9 phát súng nếu người chết là đàn bà, con gái...

Theo các cụ cao niên huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa thì người Mông nơi đây còn tồn tại nhiều hủ tục trong tang lễ. Một trong những hủ tục tồn tại hàng trăm năm nay là mỗi khi trong nhà có người chết thì người thân bắn súng báo hiệu cho dân bản biết.
Đàn bà – con gái qua đời bắn 7 - 9 phát súng
Theo cán bộ nơi đây cho biết, người Mông là dân tộc sinh sống ở địa hình cao nhất nơi đây, họ cũng có thời gian sinh sống lâu đời nhất trong các dân tộc anh em. Thế nhưng, cho đến nay người Mông nơi đây vẫn thuộc dạng đói nghèo và lạc hậu. Lý do của cái đói, cái nghèo thì nhiều nhưng một trong số đó là đời sống sinh hoạt họ còn lưu giữ nhiều hủ tục lạc hậu, chậm tiếp thu tiến bộ xã hội.
Trong nghi lễ tang ma của người Mông vẫn còn giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp trong việc khâm liệm cho người chết, khèn trống trong tang lễ, các nghi thức cúng giỗ thể hiện sự hiếu thuận của con cái với ông bà, cha mẹ (người đã chết). Tuy nhiên, trong tang lễ của người Mông còn tồn tại một số tập tục lạc hậu, không phù hợp với quy định đời sống văn hóa mới, ảnh hưởng đến môi trường, gây tốn kém, lãng phí. 
Khi trong nhà có người chết, con cháu gia đình nổ 4 - 6 phát súng (súng kíp (nếu người chết là đàn ông) và 7 - 9 phát súng nếu người chết là đàn bà, con gái để báo hiệu cho dân bản biết. Sau đó, người chết được tắm rửa, khâm liệm và đưa lên một cái cáng (người Mông gọi là neeg tuag) đan bằng tre hoặc nứa treo lên vách ở chính giữa ngôi nhà ở tầm cao ngang ngực - tượng trưng cho con ngựa đưa người chết về với tổ tiên. Các thủ tục tang lễ thường kéo dài từ 5 - 7 ngày, rồi mới đưa người chết đi chôn cất. 
Dam tang la nhat Viet Nam: Chet la no sung
Người Mông sinh sống ở những triền núi cao nhất vùng. 
Giết càng nhiều trâu bò, người chết càng phù hộ?
Theo các cụ cao niên kể lại, trong tang ma của người Mông có nhiều thủ tục, người còn sống phải làm đầy đủ các thủ tục đó để người đã chết không trách phạt. Khi người thân đến viếng phải giết một con gà, luộc chín (để cả lòng, mề) và một gói cơm, một chai rượu. Thầy mo (thầy cúng) sẽ đưa đồ lễ của người đến viếng để cúng cho người chết, đội khèn trống thổi bài cúng cơm người chết của người đến viếng. Các bài khèn trống gồm có: Thổi kèn cúng cơm sáng, cơm trưa, cơm tối và đêm khuya cho người chết trong suốt những ngày tổ chức tang lễ. 
Ngày đưa người chết đi chôn, trong dòng họ cử người đi đào huyệt từ sớm. Một số người thì lo xẻ ván làm quan tài, đặt xuống huyệt đã đào chứ không đưa người chết vào quan tài; một số người làm chòi nhỏ ở bãi đất trống trước nhà có người chết khoảng 50 - 100m để đưa người chết lên đó chôn cất. Bởi đồng bào người Mông chủ yếu sinh sống trên những ngọn đồi cao, đường đi hiểm trở nên không có nghĩa địa tập trung như những đồng bào dân tộc thiểu số khác. 
Dam tang la nhat Viet Nam: Chet la no sung-Hinh-2
Người mất được con cháu chôn cất ở các gò đất trống. 
Theo tục lệ, khi trong nhà có người chết thì phải tổ chức kéo dài từ 5 - 7 ngày để đợi con cháu đi làm ăn xa về đông đủ mới đưa người chết đi chôn cất, tỏ lòng tiếc thương hiếu kính với người đã khuất. Mỗi người con trai hay con gái đã lập gia đình phải góp một con trâu hoặc bò để báo hiếu cha mẹ (người đã chết). Tang ma kéo dài và phải giết nhiều trâu bò, lợn, gà để cúng tế người chết nên gây tốn kém, lãng phí. Có những gia đình phải đi vay mượn, giết hết gia súc, gia cầm để cúng tế người đã khuất. Bởi người Mông quan niệm, nếu tổ chức tang ma không linh đình, không giết mổ nhiều trâu bò, lợn, gà thì sẽ không báo hiếu được với người đã khuất sẽ bị tổ tiên trách phạt, con cháu làm ăn lụi bại.
Anh Hơ Văn Chính, Trưởng bản Cá Tớp, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát kể: Người Mông sinh sống ở triền núi cao, vì thế thủ tục trong tang gia còn rất lạc hậu. Tổ chức rất rình rang. Nhiều gia đình đông con cháu, tổ chức tang lễ cho ông bà cả tuần lễ, thịt vài con trâu là bình thường. Điển hình như tang lễ gia đình cụ Lâu Thị Dính (61 tuổi) được con cháu tổ chức kéo dài trong 5 ngày. Gia đình giết đến 4 con trâu, mời cả bản đến ăn uống.
Dam tang la nhat Viet Nam: Chet la no sung-Hinh-3
Bàn thờ tổ  tiên của người Mông rất đơn sơ. 
Cuộc chiến xóa bỏ hủ tục tang lễ
“Người Mông ở Pha Đén giờ đã tiến bộ nhiều rồi!” – Đó là câu nói được ông Lâu Văn Đua (Trưởng bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện với chúng tôi. Trong ngôi nhà của mình, bên chén rượu ngô thơm nồng, ông kể cho chúng tôi nghe về sự tiến bộ trong đời sống của đồng bào Mông, nhất là cuộc cách mạng xóa bỏ hủ tục trong tổ chức tang ma. 
Ông Đua bảo: “Việc đưa người chết vào quan tài rồi mới đem đi chôn cất là việc làm xưa nay chưa từng có trong đồng bào Mông chúng tôi. Bởi người Mông quan niệm, nếu đưa người chết vào quan tài thì linh hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên, làm như thế là trái với luật lệ, sẽ bị tổ tiên trách phạt”. 
Chính vì thế, dù cán bộ địa phương tiến hành nhiều cuộc vận động, tuyên truyền đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa mới trong tang lễ nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Người Mông vẫn giữ những quan điểm xưa, những truyền thống của cha ông họ để lại. Do đó, bao nhiêu năm trước dù tuyên truyền bằng hình thức nào nhiều người nhất định không chịu thay đổi. Nhưng thời gian gần đây, việc thực hiện tang lễ đã có bước chuyển biến mới.
Đám tang của cụ Lâu Chứ Dơ (66 tuổi) vào năm 2014 đã trở thành đám tang khởi đầu cho cuộc cách mạng trong tang lễ của đồng bào Mông ở bản Pha Đén (xã Pù Nhi). Người chết được đưa vào quan tài, tổ chức tang ma theo nếp sống văn hóa mới, không gây tốn kém, lãng phí. 
Trưởng bản Lâu Văn Đua tâm sự rằng, khi được cán bộ huyện tuyên truyền, vận động đưa cụ Dơ vào quan tài, tổ chức tang ma đơn giản thì các cụ cao niên trong bản, trưởng dòng họ Lâu phản đối kịch liệt lắm. Họ cho rằng như thế là làm trái tục lệ của bản làng, dòng họ sẽ bị tổ tiên trách phạt cả dòng họ, cả bản làng sẽ gặp tai ương, lụi bại. Nhưng khi được cán bộ huyện chỉ ra cái hay, cái mới và tốt cho đồng bào thì các cụ cao niên đồng ý bảo con cháu làm theo. 
Một số dòng họ khác khi thấy dòng họ Lâu tổ chức tang ma theo nếp sống văn hóa mới, đưa người chết vào quan tài thì cũng có tâm lý nghi ngại. Họ sợ rằng các dòng họ khác trong bản cũng bị liên lụy tai ương, rồi con cháu dòng họ Lâu sẽ bị tổ tiên trách phạt. Nhưng rồi trưởng bản Lâu Văn Đua bảo: “Giờ dân bản thấy con cháu dòng họ Lâu vẫn khoẻ mạnh, không bị tổ tiên trách phạt thì họ mới tin và làm theo rồi. Đồng bào Mông mình có tâm lý làm theo mà, cái gì hay, cái gì tốt đẹp thì đồng bào sẽ làm theo thôi”.
Ông Lâu Thanh Va (Trưởng ban Dân vận huyện ủy Mường Lát) chia sẻ: “Đây là một “cuộc cách mạng văn hóa” ở vùng đồng bào Mông vì từ trước đến giờ, đây là lần đầu tiên người Mông đưa người chết vào quan tài và thực hiện theo nghi lễ tang ma đơn giản. Người Mông có tính cách “làm theo”, vì vậy khi một dòng họ lớn thực hiện thì các dòng họ khác cũng thực hiện theo. Để xóa bỏ hủ tục thì trước tiên phải thay đổi nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số”.
Đến nay, đã có 4 đám tang của người Mông được thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Những hủ tục trong nghi lễ tang ma đã dần được xóa bỏ, phá vỡ quan niệm cố hữu đeo bám nhận thức đồng bào suốt mấy trăm năm. Nhiều người đã hiểu được việc không đưa người chết vào hòm khâm liệm sẽ gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường. Nhiều gia đình không dùng súng bắn báo hiệu khi có người thân qua đời.
Linh Nga – Đức Lợi

Bình luận(0)