Chuyện kỳ bí về loài “khuyển vương” ở Phú Quốc (1)

Google News

Đã hàng trăm năm trôi qua, chó Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn còn mang nhiều điều bí ẩn.

Đã biết bao nhà khoa học trong và ngoài nước vì đam mê giống chó này mà cất công đi tìm gia phả cho nó. Tuy nhiên, sau hàng chục năm lần theo dấu vết, câu trả lời mà họ nhận được chỉ là con số không tròn trĩnh. Đối với người dân trên đảo ngọc, đã bao đời nay, cuộc sống của họ luôn gắn liền với giống chó quý hiếm này. Họ xem đó như một sản vật mà tạo hóa ưu ái ban tặng Phú Quốc. Điều đặc biệt, xung quanh giống “khuyển vương” này cũng chất chứa hàng trăm câu chuyện hư hư thực thực mà nhiều người nghĩ rằng nó chỉ xảy ra trong truyền thuyết.

Trước khi đến Phú Quốc, tôi đã cuốn hút và bị đánh thức trí tò mò bởi những câu chuyện thực thực hư hư về giống “khuyển vương” ở nơi xa nhất của tỉnh Kiêng Giang. Nhiều người nói rằng, cái giống đặc sản Phú Quốc này chính là thứ mà bất cứ ai đặt chân đến đảo ngọc cũng muốn mang về đất liền. Người ta thích nó bởi không chỉ vẻ ngoài đẹp đẽ, bóng bẩy mà vì “khuyển vương” còn gắn với những câu chuyện truyền thuyết và lời đồn đoán đến nay vẫn chưa có lời giải. Chính vì vậy, khi vừa đặt chân xuống sân bay Phú Quốc, tôi đã vội vàng gồng gánh túi hành lý lỉnh kỉnh bắt tay đi tìm hiểu ngay về giống sói lửa này.

Những lời đồn đoán ly kỳ về sói lửa

Theo lời giới thiệu của gã xe ôm tên Tâm, người bản địa, chuyên ăn bám sân bay thì ở Phú Quốc khi nhắc đến loài chó xoáy hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, người nắm giữ nhiều câu chuyện về sói lửa nhất ở đảo ngọc có lẽ không ai vượt qua được ông Ba Thành. Hơn tuần trước, chính tôi chạy xe đưa ông Ba từ sân bay về An Thới. “Ổng năm nay vừa tròn 60 tuổi, sống ở Sài Gòn 5 năm qua, thỉnh thoảng mới về đảo thăm con cháu”, anh Tâm cho hay. Chính vì vậy, sau khi cất hành lý, anh xe ôm đã cùng tôi đi diện kiến người đàn ông này.

Khoảng gần một giờ đồng hồ dặt dẹo trên xe máy, tôi mới đến được nơi cần đến. Mặc dù sinh sống ở Sài Gòn mấy năm nay nhưng ông Ba vẫn còn nông dân lắm. Nước da của ông vẫn đen giòn như hồi còn trần trùng trục đi kéo cá. Lúc tôi đến, người đàn ông này đang ngồi ở chiếc võng ngoài vườn hóng mát. Thấy anh Tâm xe ôm chở khách đến nhà, ông Ba nhìn với ánh mắt dò xét, lạ lùng. Sau khi biết tôi là nhà báo, đến tìm hiểu về chó xoáy, ông Ba lập tức rót nước và bắt đầu những câu chuyện về khuyển vương.

Tâm sự với PV, ông Ba Thành cho biết: Đến nay, đã hàng trăm năm kể từ khi khuyển vương xuất hiện, chính tôi cũng như người dân Phú Quốc đều không biết nguồn gốc thực sự của giống sói lửa này. Ngày xưa, các cụ truyền thường kể cho con cháu nghe về một truyền thuyết rất ly kỳ về gia phả của chó xoáy. Đó là vào một ngày nọ, bỗng nhiên từ trên trời, một con rồng lạc vào vùng biển gần đảo Phú Quốc.

Nó ở đây mấy ngày và gặp tiểu kỳ lân vốn sống trên đảo. Như duyên trời, hai con vật trong truyền thuyết này đã ở cùng nhau một thời gian dài. Sau này, khi rồng bay về thiên đình, kỳ lân ở lại có mang rồi sinh ra giống chó rừng. Đây được coi là tổ tiên của loài chó xoáy Phú Quốc. Theo ông Ba, trước đây, người dân nơi đây ai cũng thuộc lòng và truyền tai nhau câu chuyện này. Tuy nhiên, đến nay, họ biết rằng đó chỉ là câu chuyện huyễn hoặc, các tiền nhân sáng tác ra để răn dạy con cháu phải biết quý trọng giống chó quý hiếm này.

 Một con “khuyển vương” nguyên chủng.

Nhấp một ngụm trà nóng, ông Ba tiếp lời, cũng có nhiều người nói rằng, sói lửa được sinh ra ở một đảo hoang mà rất ít người biết đến. Sau này, chúng được một bọn cướp biển châu Âu nuôi trên tàu nên rất quen với cảnh sóng nước. Thậm chí, khi ném xuống biển, chúng có thể bơi và bắt cá rất giỏi. Đó chính là lý do giải thích vì sao chân chó Phú Quốc có màng. Trong một lần đi săn tàu hàng trên biển, do gặp bão, đám cướp biển phải tấp vào đảo ngọc trú ẩn. Và từ đây, chó xoáy bắt đầu sinh sôi nảy nở ở huyện đảo tỉnh Kiêng Giang này.

"Khi còn nhỏ, tôi thường được cha kể lại rằng, ngày xưa, thuyền của thương gia châu Âu chở nô lệ đi bán ở châu Á, khi đi ngang đảo ngọc, ngư dân đảo Phú Quốc đã cung cấp lương thực, nước ngọt cho các thành viên trên tàu. Khi đó, thương gia châu Âu thường đổi những con chó xoáy trên lưng lấy hàng hóa của người dân bản địa. Tuy nhiên, cha tôi cũng chỉ được các cụ ngày xưa nói lại chứ chưa ai khẳng định được điều đó, ông Ba bộc bạch. Cũng theo người đàn ông này, mặc dù nhiều giả thuyết như vậy nhưng người dân nơi đây vẫn tin rằng, chó Phú Quốc là cư dân bản địa. Từ đầu chúng là những con chó hoang dã, chuyên hoạt động theo đàn và đi săn mồi. Sau này, chính người dân đảo ngọc đã đưa chúng về nhà và thuần hóa chúng thành chó săn.

Loài chó săn chuyên nghiệp nhất thế giới                       

Nhắc đến chó Phú Quốc, bất cứ thợ săn nào từ mới vào nghề đến chuyên nghiệp nhất cũng phải tấm tắc khen ngợi. Ở nơi đây, người ta thường gọi nó là khuyển vương hoặc sói lửa miền Tây. Sở dĩ có những tên gọi mỹ miều đó là vì người dân đảo ngọc cho rằng chúng là loài chó tinh khôn và nhanh nhạy nhất. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, vì hình dáng cũng như màu lông vằn mà người ta ví cho nó cái tên sói lửa. Đã bao lần, các thợ săn phải ngả mũ thán phục vì tài đi săn cự phách của chó xoáy quý hiếm.

Ánh mắt xa xăm, ông Ba kể cho tôi nghe câu chuyện về chính chú chó săn của mình: "Trước đây, cuộc sống còn khó khăn, người dân Phú Quốc chỉ biết ăn bám rừng, bám biển. Ngày ấy, tôi cũng như bao người đàn ông khác, khi trưởng thành thường lên Vườn quốc gia Phú Quốc bây giờ săn thú. Ngày ấy, chó xoáy luôn được coi là cộng sự đắc lực nhất và không thể thiếu được của người thợ săn.

Một hôm, khi đang mắc võng nằm ngủ trong rừng thì bỗng nhiên chú chó tên Phèn của tôi sủa inh ỏi như muốn gọi chủ dậy. Tôi bực mình, dụi mắt và đi theo tiếng chó sủa. Đi khoảng gần một cây số, tôi giật mình vì thấy một con khỉ đã chết nằm trong đống lá khô. Điều đặc biệt là dường như có ai đó đã ngụy trang rất cẩn thận nhằm không để ai phát hiện ra. Lúc đó tôi tưởng mình đã gặp may. Nhưng sau này, sự việc cứ lặp đi lặp lại khi thì con thỏ, khi con lợn rừng và rồi tôi phát hiện ra rằng, đó chính là chiến lợi phẩm của chú chó Phèn. Được biết, sau này chú chó Phèn đã chết trong một lần đi săn lợn rừng.

Hay trường hợp hai chú chó săn của anh Tư Thịnh ở xã Cửa Dương. Khi đi săn đã quá mệt, anh nằm dưới tán lá rừng chợp mắt thì bỗng nhiên một con chó sủa như đang gặp thú dữ. Anh cầm súng chạy theo thì sói lửa dẫn chủ vào một khu lá cây rậm rạp. Lúc này, một con chó còn lại đang đứng ở đó canh chừng. Thấy chủ đến, hai con khuyển vương vẫy đuôi mừng. Anh Tư Thịnh khựng người lại khi trước mặt mình là một con nai lớn trên người bê bết máu. Thì ra, lúc người thợ săn này ngủ, hai chú chó đã tự đi tìm con mồi. Khi đã hạ được đối thủ, chúng kéo vào chỗ cây cối um tùm giấu chiến lợi phẩm.

Sau đó, một con ở lại giữ, một con về báo tin cho chủ. Đối với một người thợ săn, khi một chú chó săn chết đi họ sẽ cảm thấy buồn bã và tự trách mình. Chúng tôi sẽ không bao giờ thịt con chó ấy. Xác nó sẽ được chôn cất cẩn thận trong rừng, ông Ba Thành buồn bã.

"Khuyển vương" không phải có nguồn gốc  từ Thái Lan

Hiện nay, nhiều website Thái Lan vẫn tuyên truyền rằng chó lông xoáy Thái Lan là tổ tiên của chó Phú Quốc. Họ cũng kể rằng, xa xưa, có một vị vua của Việt Nam từng sang Thái Lan, khi trở lại quê hương có mang theo một con chó Thái lông xoáy nên có thể từ đó mà nảy sinh chó Phú Quốc.

Tuy nhiên, theo giáo sư Dư Thanh Khiêm, hiệu trưởng Viện Giáo dục Woluwe-Saint-Pierre, ở Brussels (Bỉ), tất cả các cuộc du hành và cả lịch sử đất nước Xiêm La, đều nằm trong bộ sách Abrégé de lhistoire générale des voyages (Tóm tắt lịch sử tổng quát các cuộc du hành), ấn bản năm 1780, của tác giả Jean-Franois de la Harpe, thành viên Viện Hàn lâm Pháp. Tôi khẳng định giả thuyết mà người Thái tự nêu ra không có trong sách ấy.

"Đặc điểm nhận dạng dễ thấy nhất ở loại sói lửa miền Tây chính là bộ lông xoáy, chân màng vịt và khôn hơn chó béc giê rất nhiều. Nói chó Phú Quốc là chó phải có đốm lông xoáy trên lưng. Đến nay, chưa ai có thể giải thích được những đốm xoáy kỳ lạ đó, ông Ba Thành chia sẻ.

(Còn nữa...) 

Kỳ 2: Trận đấu sinh tử giữa “khuyển vương” và rắn hổ mây khổng lồ

TIN BÀI LIÊN QUAN




BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)