Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Cung Hà, sấm truyền là một sự chiêm nghiệm, suy luận, tiên tri trước tương lai. “Sấm” thể hiện sự “lộ thiên” của “thiên ý”, một cách gián tiếp thông qua những người có khả năng đặc biệt, tiếp nhận và giải mã “sấm”.
Ông Hà đưa ra một ví dụ về sự bóc tách và giải mã “sấm" như câu: “Cửu cửu càn khôn dĩ định/ Thanh minh thời tiết Hoa tàn/ Trực đáo Dương đầu Mã vĩ/ Hồ binh bát vạn nhập Tràng An”, nói về Sự kiện tám vạn quân Cụ Hồ vào tiếp quản Thủ đô đầu năm con dê 1955. Nếu chỉ đọc như một câu thơ thuần túy thì không hiểu được ý nghĩa thâm thúy của nó. Song thực tế nó đúng một cách kỳ lạ.
Bên cạnh “sấm” của danh nhân thì có những câu “sấm” mang tính dân gian, chưa rõ tác giả như: “Bao giờ lúa mọc trên chì/ Voi đi trên giấy, tây thì về tây”, nói về sự kiện Pháp rút khỏi Đông Dương chẳng hạn. Hay như cái gọi là sấm thiền, khi trời đất nổi giông bão hoặc đất nứt toác, trên đá hiện ra một bài thơ có nội dung trùng khớp với một sự kiện mới diễn ra hoặc sẽ diễn ra trong thời gian tới.
|
Nhà nghiên cứu phong thủy Nguyễn Cung Hà. |
Ngoài những “sấm” mang tính ngẫu nhiên, sấm dân gian thì trên thế giới có những người có năng lực thực sự về “sấm” như Vanga, Nostradamus. Ở Trung Quốc thì có Khương Tử Nha, Khổng Minh, Lã Vọng. Riêng Lã Vọng có “bộ sấm” dự báo tới 10 nghìn năm sau. “Bộ sấm” của Nostradamus thì dự báo trước sự việc 500 năm và đúng một cách kỳ lạ.
Đứng dưới góc độ tâm linh và những điều huyền diệu của cuộc sống thì “sấm” sẽ gắn với một loại năng lực đặc biệt, giống như giác quan thứ sáu vậy. Bà Vanga thì nói là có một người nào đó nói cho mình biết trước tương lai. Còn Khương Tử Nha, Nostradamus, Trạng Trình thì cho rằng, thế giới được lập trình, là sự quy định của đất trời. “Cửu cửu càn khôn định” là cách Trạng Trình nói. Nostradamus thì nói là trò đùa của tạo hóa. Khương Tử Nha cho rằng: “Ngã kim dự đoán vạn niên chung/ Thiên địa tuần hoàn lý vô cùng”. Như vậy thì 500 năm hay 1 vạn năm, hoặc lâu hơn nữa thì cuộc sống cũng đã có sự lập trình trước. Chỉ có người quân tử hoặc người có năng lực được lựa chọn thì mới nắm được quá khứ, hiện tại, tương lai. Đây là khả năng thiên bẩm, nắm được thiên cơ thì không thể học hỏi mà có được.
Với các trường hợp như Đề Thám và những người khác có khả năng nhìn thấy được tương lai của mình, cái chết của mình thì đó có thể chỉ là sự đánh giá thời cuộc dựa trên sự hiểu biết của bản thân ở một thời điểm nhất định. Ngoài ra, một số năng lực như ngoại cảm có thể cảm nhận được tương lai nhưng không thực sự cụ thể như cảm nhận trước về tai nạn trên một quãng đường, mơ thấy những gì sắp diễn ra,... Nó chỉ là những tín hiệu mà buộc con người phải giải mã. “Sấm” cũng vậy, nếu không có sự so sánh, liên tưởng và kết nối các sự kiện với nhau thì “sấm” cũng chỉ là một dự đoán mơ hồ, nhiều khi khiến con người trở nên lo sợ, bất an cho tương lai mình.
Nói như vậy, không có nghĩa bất cứ sự tiên đoán trước nào cũng được gọi là “sấm”. “Sấm” chỉ có thể là báo trước một sự kiện tầm cỡ cho một vùng, một khu vực, hướng về chiều tương lai. Những cái hình thức thuộc về bói toán hoặc ngoại cảm thì người ta không gọi là “sấm”. Để hiểu về “sấm”, buộc phải gột bỏ đi lớp vỏ ngôn từ bên ngoài, đó là trách nhiệm của những người đưa ra lời “sấm”.