Bí mật bất ngờ trận vây hãm Leningrad lừng danh lịch sử

Google News

(Kiến Thức) - Theo kết quả nghiên cứu mới công bố, những người dân Liên Xô sống sót qua trận vây hãm Leningrad lịch sử là nhờ đột biến gene.

Trận vây hãm Leningrad lịch sử do phát xít Đức tiến hành diễn ra trong 872 ngày (từ ngày 8/9/1941 - 27/1/1944), khiến 3 triệu người dân địa phương rơi vào tình trạng thiếu lương thực, nước bị đóng băng. Theo báo cáo, 1,5 triệu người chết đói. Các chuyên gia cũng cho hay số người sống sót sau trận vây hãm Leningrad lịch sử trên cũng khoảng 1,5 triệu người. Những người dân sống sót này được các chuyên gia xác định là nhờ đột biến gene.
Một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Sản khoa và Phụ khoa Ott tại Nga đã lấy mẫu máu từ những người còn sống trong trận vây hãm thành phố Leningrad của Liên Xô để phân tích cấu trúc gen. Qua đó, các nhà khoa học phát hiện đột biến gen giúp những người dân Leningrad sử dụng năng lượng hiệu quả hơn trong điều kiện thiếu thốn lương thực nghiêm trọng.
Theo đó, các chuyên gia đã lấy mẫu từ 206 người dân Leningrad sống sót sau trận vây hãm Leningrad (nay là Saint Petersburg). Sau đó, các chuyên gia đã sử dụng kỹ thuật "Phản ứng chuỗi polymerase" (PCR) để xác định và nhân bản các gene liên quan tới hoạt động kiểm soát quá trình trao đổi chất trong tế bào máu trắng.
Nhóm nghiên cứu cũng phân tích DNA của 139 người Nga ở cùng độ tuổi với nhóm 206 người trên nhưng không sống tại Leningrad khi trận vây hãm Leningrad diễn ra. Kết quả kiểm tra, phân tích cho thấy khả năng biến đổi gene để làm chậm quá trình trao đổi chất của nhóm người sống sót sau trận vây hãm Leningrad cao hơn 30% so với nhóm kia.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu phát hiện các biến thể có trong UCP3 - một loại protein có khả năng tác động tới mức độ hiệu quả trong quá trình sử dụng năng lượng của tế bào. Các biến thể cũng xuất hiện trong hai thụ thể PPAR alpha và PPAR delta. Cả hai thụ thể này đều liên quan tới hoạt động điều khiển quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Bi mat bat ngo tran vay ham Leningrad lung danh lich su
 Khoảng 1,5 triệu người Leningrad sống sót qua trận vây hãm lịch sử hồi Chiến tranh thế giới 2 là nhờ đột biến gene.
Những người sở hữu biến thể gene có khả năng hấp thụ thức ăn, chuyển đổi và sử dụng năng lượng từ thực phẩm hiệu quả hơn so với những người không có biến thể gene. Điều này có nghĩa rằng những người có gen đột biến trong trận vây hãm Leningrad có thể kiểm soát năng lượng mà họ hấp thụ qua thức ăn hiệu quả hơn so với những người khác cũng như có thể giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh giá.
"Đột biến gene trên không xuất hiện một cách tình cờ. Chỉ có khoảng 20-30% dân số Leningrad sở hữu bộ gene đặc biệt này. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, đột biến gene này là ưu thế nhưng nó có thể trở thành yếu tố bất lợi trong môi trường bình thường. Bởi lẽ, họ sẽ tích lũy năng lượng dưới dạng mỡ nếu ăn quá nhiều", giáo sư Oleg Glotov đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu trên cho hay.
Trận vây hãm Leningrad do phát xít Đức tiến hành nổ ra từ ngày 8/9/1941. Khi đó, quân Đức đã vây hãm và phong tỏa thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg). Hơn 3 triệu người bị cô lập, nguồn cung cấp lương thực bị cắt. 
Đến ngày 12/9/1941, giới chức trách ước tính bột mì chỉ đủ dùng trong 35 ngày, ngũ cốc trong 30 ngày, thịt trong 33 ngày và đường trong 60 ngày. Sau 1 tháng bị vây hãm, nguồn cung cấp dầu mỏ và than bị cắt do nước bị đóng băng dẫn đến nguồn cung cấp nước cũng bị cắt. 
Theo ước tính, mỗi người dân Leningrad chỉ tiêu thụ khoảng 200 calo mỗi ngày và có khoảng 100.000 người chết mỗi tháng. Thậm chí có báo cáo cho hay có người đã ăn thịt đồng loại để sinh tồn. Kết thúc cuộc vây hãm Leningrad kéo dài 872 ngày, 1,5 triệu người được báo cáo là chết vì đói.
Tâm Anh (theo DM)

Bình luận(0)